COVID-19 tới 6 giờ sáng 17/11: Thế giới trên 55,2 triệu ca bệnh; Số ca tử vong giảm nhẹ

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 433.557 trường hợp mắc COVID-19 và 6.102 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 55,2 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 13/11/2020. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 55.265.295 ca, trong đó có 1.330.539 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 217 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 38.356.720 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 15.578.036 ca và 99.498 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 16/11, thế giới có tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (126.910 ca), Ấn Độ (28.377 ca) và Italy (27.354 ca); trong khi đó Mỹ (với 529 ca), Pháp (506 ca) và Italy/Iran (cùng trên 500 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Ấn Độ - tâm dịch của châu Á thông báo số ca mắc COVID-19 đã lên tới 8.873.994 ca. Số liệu mới nhất được Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 16/11 cũng cho thấy có thêm 435 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 130.070 ca. Hiện vẫn còn 465.478 bệnh nhân đang được điều trị trên cả nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9/11/2020. Ảnh: ANI/TTXVN

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah cho biết Ấn Độ sẽ điều động các bác sĩ từ các khu vực khác đến thủ đô New Delhi, đồng thời tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm tầm soát COVID-19 được thực hiện tại đây và đảm bảo việc người dân thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Trong hơn 1 tuần qua, số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Ấn Độ đã được kiềm chế ở mức dưới 50.000 trường hợp - giảm gần 50% so với con số ghi nhận ở thời điểm đỉnh dịch.

Mặc dù vậy, trong 5 ngày qua, số bệnh nhân mới tại thủ đô New Delhi vẫn lên tới hơn 7.000 trường hợp mỗi ngày - một con số cao kỷ lục. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cảnh báo tình hình dịch bệnh tại đây còn có thể "tiếp tục xấu đi trong vài tuần tới”.  

Chú thích ảnh
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/11/2020. Ảnh:YONHAP /TTXVN

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 223 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 193 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 28.769 trường hợp.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 200 ca/ngày. KCDA cho rằng chính sự gia tăng mạnh mẽ của các chuỗi lây nhiễm tập thể xuất phát từ các hoạt động sinh hoạt nhóm của các cá nhân và các cơ sở công cộng trên toàn quốc đã khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc truy vết cũng như ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.

Cơ quan này đang cân nhắc nâng mức giãn cách xã hội từ cấp 1 lên cấp 1,5 để kìm hãm đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Hàn Quốc đã duy trì chương trình giãn cách xã hội cấp độ 1 theo hệ thống 5 cấp độ trên toàn quốc kể từ đầu tháng 11 này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 19/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Australia, chính quyền thành phố Adelaide, bang South Australia ngày 16/11 thông báo đã phát hiện một ổ dịch mới COVID-19 khởi phát từ một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly hành khách trở về từ nước ngoài.

Theo đó, giới chức bang South Australia đã ghi nhận thêm 17 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, sau 4 trường hợp được phát hiện trước đó 1 ngày. Có 15 người trong số 17 trường hợp trên trong cùng 1 gia đình, trong đó có người đang làm việc tại một khách sạn được sử dụng để làm nơi cách ly những hành khách trở về từ nước ngoài.

Iran- một trong những điểm nóng dịch bệnh của khu vực Trung Đông- ghi nhận thêm 13.053 ca mắc, mức cao nhất từng được ghi nhận, nâng tổng số ca mắc lên 775.121 ca. Ngoài ra, số ca tử vong cũng tăng thêm 486 ca và hiện là 41.979 ca. Iran hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Pháp tuần tra để nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19 tại Paris, ngày 14/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh ở châu Âu vẫn diễn biến phức tạp. Nga thông báo thêm 22.778 ca mắc, mức tăng trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia này. Trong đó có 6.360 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên thành 1.948.603 trường hợp. Ngoài ra, đã có thêm 303 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do dịch bệnh này lên 33.489 người.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 16/11 cho biết sức khỏe vẫn đang tốt và chưa xuất hiện triệu chứng nào, trong bối cảnh ông đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết Thủ tướng Johnson sẽ tiếp tục điều hành chính phủ thông qua ứng dụng Zoom. Đề cập đến vấn đề vaccine, ông Hancock cho biết cho dù công tác phát triển vaccine phòng COVID-19 đang được tiến hành khẩn trương, song việc tiêm chủng cho đa số người dân Anh có thể sẽ phải chờ tới năm sau.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Aachen, Đức, ngày 10/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ liên bang Đức và các bang của nước này đang cân nhắc triển khai các biện pháp chống dịch mới nhằm khống chế sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Trong tháng này, Đức đã áp đặt một loạt biện pháp nhằm khống chế làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Nhờ đó, số ca mắc mới không còn tăng theo cấp số nhân, song tình hình dịch bệnh vẫn rất khó lường.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Đức đã phát hiện khoảng 520.000 ca mắc COVID-19 vào cuối tháng 10, song con số này đã tăng vọt 50% lên 780.000 ca trong 2 tuần đầu của tháng 11. Trong cùng giai đoạn, số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện của Đức cũng tăng 70%.

Sau khi khiến nhiều nước châu Âu phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, dịch COVID-19 đang tiếp tục buộc giới chức Mỹ phải hành động mạnh tay hơn. Các bang Michigan và Washington của Mỹ đã áp đặt một loạt hạn chế mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đã vượt ngưỡng 11 triệu ca, chỉ hơn một tuần sau khi chạm mốc 10 triệu.

Chú thích ảnh
Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ ngày 9/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer đã ra lệnh đóng cửa các trường cấp 3 và đại học, đồng thời cấm các nhà hàng phục vụ khách ở không gian trong nhà. Ngoài ra, các sự kiện công cộng không được phép diễn ra tại nhà hát, sòng bài, rạp chiếu phim và các tụ điểm công cộng khác, trong khi mọi hoạt động tụ tập trong nhà cũng bị hạn chế tối đa 10 người tham gia (từ mức tối đa 2 gia đình). Các quy định mới có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 18/11 tới.

Tại bang Washington, Thống đốc Jay Inslee cũng ban bố lệnh cấm các nhà hàng và phòng tập gym mở không gian trong nhà, đồng thời yêu cầu các cửa hàng bán lẻ giảm công suất phục vụ xuống còn 25%. Các hoạt động tụ tập trong nhà cũng bị cấm nếu ngoài phạm vi gia đình, trong khi các hoạt động tụ tập ở không gian công cộng bị giới hạn tối đa 5 người tham gia.

Các hạn chế mới được áp đặt trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ trong những ngày gần đây đã tăng hơn gấp đôi so với mức đỉnh dịch ghi nhận hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Chú thích ảnh
Thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN

Về tiến trình nghiên cứu và phát triển vaccine, Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ ngày 16/11 thông báo vaccine thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ (sau Pfizer) trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của Plizer, lợi thế dễ dàng phân phối hơn. Moderna hy vọng vaccine có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C (-20 độ C).

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 9/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Ông Tedros nêu rõ: “Vaccine sẽ bổ sung cho những công cụ còn lại mà chúng ta có, chứ không thay thế được những công cụ đó. Chỉ riêng vaccine sẽ không chấm dứt được đại dịch”.

Ông Tedros cho biết nguồn cung vaccine phòng COVID-19 ban đầu sẽ hạn chế bởi các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao khác sẽ được ưu tiên tiêm phòng. Vaccine dự kiến sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giúp hệ thống y tế có khả năng đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, ông cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ hoành hành, do đó người dân và các chính phủ vẫn cần cảnh giác.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 25/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.551 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 25.170 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.103 ca bệnh phát sinh và 1 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.167 ca bệnh mới và 22 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 25.173 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 118     trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.062.689 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 922.689 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Campuchia, Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 16/11.

Chú thích ảnh
Ảnh: Anadolu Agency

Ngày 16/11, Bộ trưởng Du lịch Tunisia Habib Ammar đã công bố một số biện pháp nới lỏng và hỗ trợ tài chính trong nỗ lực hạn chế tác động" tàn phá" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch quan trọng của nước này, vốn đang giảm mạnh doanh thu. Các biện pháp đưa ra bao gồm cả việc chính phủ sẽ trả lương cho người lao động thất nghiệp trong ngành du lịch và hướng dẫn viên du lịch khoản trợ cấp hàng tháng là 200 Dinar (tương đương 80 euro).

Theo Liên đoàn Du lịch Tunisia, khoảng 27.000 việc làm đang gặp rủi ro, trong đó cứ 10 gia đình thì 6 gia đình làm nghề du lịch có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói. Bộ trưởng Ammar cho biết, bất chấp việc mở cửa biên giới vào cuối tháng 6 và miễn kiểm tra PCR cho khách du lịch thông qua các công ty lữ hành, số đêm lưu trú du lịch đã giảm 80,5%. Tính đến ngày 10/11, khoảng 1,8 triệu khách du lịch đã đến Tunisia, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu lĩnh vực này giảm 60,3% so với cùng kỳ, xuống còn 593,2 triệu euro.

Theo Bộ trưởng Ammar, trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch nước nhà, bộ này cho phép khách du lịch "thoải mái" đến cắm trại trong sa mạc Sahara, nghĩa là không phải kiểm dịch, với điều kiện các chuyến đi phải có tổ chức và tôn trọng quy định vệ sinh. Ngoài ra, Bộ Du lịch cũng yêu cầu các ngân hàng phải linh hoạt hơn trong việc áp dụng cơ chế cho vay được nhà nước bảo lãnh, để giúp các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn có thể khôi phục hoạt động.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Nga có thể đưa một nữ diễn viên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế quay phim
Nga có thể đưa một nữ diễn viên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế quay phim

Theo một chương trình dự kiến, vào ngày 5/10/2021, một tàu vũ trụ Soyuz sẽ đưa phi hành gia Anton Shkaplerov cùng hai “vị khách không gian” khác lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN