Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 458.113.472 ca, trong đó có 6.066.493 người tử vong.
Biến thể mới khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 350.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 640 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng vọt, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 390 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 63 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13/3, thế giới có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 371.738 ca tử vong. Trong ngày 13/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 168.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (248 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, hiện ghi nhận hơn 164 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,7 triệu ca tử vong. Tiếp theo là châu Á với hơn 125 triệu ca mắc và hơn 1,3 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 95,6 triệu ca mắc, với số ca tử vong cao hơn châu Á (hơn 1,4 triệu ca". Trong khi đó, khu vực Nam Mỹ ghi nhận hơn 55,2 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong. Châu Phi có hơn 11,6 triệu ca mắc và hơn 251.000 ca tử vong; châu Đại Dương có hơn 4,2 triệu ca mắc và hơn 8.200 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại châu Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung Quốc đại lục ngày 13/3 ghi nhận 1.807 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - mức cao nhất trong 2 năm qua và gấp hơn 3 lần so với 476 ca ghi nhận ngày 12/3. Số ca mắc mới tăng mạnh trên toàn quốc buộc nhà chức trách Trung Quốc phải đóng cửa trường học ở Thượng Hải và áp lệnh phong tỏa ở một vài thành phố ở miền Đông Bắc.
Đặc biệt, chính quyền thành phố Thâm Quyến (miền Nam Trung Quốc) đã ban bố lệnh phong tỏa thành phố ngày 13/3 sau khi ghi nhận 66 ca mắc mới ở thành phố này. Trong những ngày gần đây thành phố này đã đóng cửa các địa điểm tổ chức sự kiện không thiết yếu và cấm các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang đối mặt làn sóng lây nhiễm mạnh nhất kể từ khi dịch bùng phát, theo đó ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 350.000.
Cụ thể, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 13/3 ghi nhận 350.190 ca mắc mới, trong đó có 350.157 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay lên 6.556.453 ca. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục điều chỉnh quy định về phòng chống dịch.
Từ ngày 14/3, kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh do các cơ sở y tế thực hiện sẽ được chấp nhận để chính thức xác nhận trường hợp mắc COVID-19, không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR. Từ ngày 21/3, người Hàn Quốc và du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ được miễn tự cách ly 7 ngày, ngoại trừ những người đến từ các nước Pakistan, Uzbekistan, Ukraine và Myanmar.
Trong khi đó, Mông Cổ ngày 13/3 ghi nhận 94 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua - lần đầu tiên dưới 100 ca/ngày kể từ ngày 27/12/2021. Tất cả các ca nhiễm mới này đều là lây nhiễm trong cộng đồng, theo đó tổng số ca nhiễm ở nước này tăng lên 467.970 ca. Nước này không ghi nhận ca tử vong nào trong 3 ngày qua. Tổng số ca tử vong hiện là 4.412 ca.
Pháp lên kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 4. Thủ tướng Jean Castex cho biết từ ngày 14/3 nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người từ 80 tuổi trở lên đã được tiêm mũi tăng cường. Chương trình tiêm chủng cũng sẽ mở rộng triển khai đối với những người có hệ miễn dịch kém - nhóm đến nay vẫn chưa phải là đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Pháp đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại, theo đó ngày 12/3 ghi nhận 72.443 ca mắc mới.
Liên quan liệu pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nặng, một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 đang được Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Ireland (RCSI) và Viện Khoa học Y tế Dublin triển khai thực hiện, theo đó các bệnh nhân COVID-19 thể nặng được điều trị bằng protein ức chế viêm nhiễm, đặc biệt là viêm đường hô hấp.
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng protein có enzyme ức chế viêm alpha -1 antitrypsin (AAT) để điều trị bệnh nhân COVID-19 có tình trạng bệnh tiến triển đến cấp độ suy hô hấp cấp (ARDS), trong đó bệnh nhân bị tổn thương đường thở, suy hô hấp và tăng nguy cơ tử vong, Hiện các biện pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 thể ARDS còn rất hạn chế. Kết quả cho thấy liệu pháp điều trị với protein AAT giảm tình trạng viêm nhiễm sau 1 tuần. Liệu pháp này an toàn, không cản trở cơ thể bệnh nhân tự sinh phản ứng miễn dịch với COVID-19.
Trong khi đó, Viện ung thư HCF của Ấn Độ đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy phương pháp sinh học tổng hợp là phương tiện mới đầy hứa hẹn để đưa vaccine vào cơ thể người. Viện trưởng HCF, Tiến sĩ Vishal Rao cho biết có thể điều chỉnh tế bào hồng cầu để vận chuyển các chất virus, giúp kích thích một cách an toàn hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể trước virus SARS-CoV-2.
Theo Tiến sĩ Vishal, Ấn Độ hiện đang đầu tư nhiều hơn vào các nghiên cứu liên quan đến phương pháp sinh học tổng hợp, không chỉ nhằm đối phó với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 mà còn cả các bệnh mãn tính khác.
Trong một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 đang được triển khai, các bệnh nhân COVID-19 thể nặng được điều trị bằng protein ức chế viêm nhằm tìm biện pháp điều trị hiệu quả đối với tình trạng viêm nhiễm, đặc biệt là viêm đường hô hấp.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 do Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Ireland (RCSI) và Viện Khoa học Y tế Dublin thực hiện trên cơ sở phân nhóm ngẫu nhiên và sử dụng giả dược có kiểm soát.
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng protein có enzyme ức chế viêm alpha -1 antitrypsin (AAT) để điều trị bệnh nhân COVID-19 có tình trạng bệnh tiến triển đến cấp độ suy hô hấp cấp (ARDS). ARDS là tình trạng viêm nặng khi đường thở bị tổn thương, suy hô hấp và tăng nguy cơ tử vong, Hiện các biện pháp điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 thể ARDS còn rất hạn chế.
Enzym AAT xuất hiện trong protein sản sinh từ gan người và được giải phóng vào máu, thường có tác dụng bảo vệ phổi không bị tàn phá trong các bệnh thông thường.
Kết quả cho thấy liệu pháp điều trị với protein AAT làm giảm tình trạng viêm nhiễm sau 1 tuần. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng liệu pháp này an toàn, không cản trở cơ thể bệnh nhân tự sinh phản ứng miễn dịch với COVID-19.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Oliver McElvaney cho biết: “Các bệnh nhân COVID-19 thể nặng thường dễ gặp tình trạng viêm nhiễm nặng trong khắp cơ thể, thường gặp nhiều nhất là nguy cơ mắc ARDS và các vấn đề nghiêm trọng khác về đường hô hấp. Chúng tôi nghĩ AAT có thể bảo vệ phần nào bệnh nhân trước các dạng viêm nhiễm nguy hiểm phát sinh từ bệnh COVID-19 thể nặng cũng như các bệnh gây viêm nhiễm tương tự”.