COVID-19 tới 6 giờ 13/4: Thế giới trên 2,95 triệu ca tử vong; 60 nước phê chuẩn vaccine Sputnik-V của Nga

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 555.685 trường hợp mắc COVID-19 và 7.725 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 137,2 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,95 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 137.214.549 ca, trong đó có 2.957.205 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 110.321.122 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 23.965.690 ca và 104.233 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 12/4, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pierre-Benite, Pháp, ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 41.716.090 ca mắc và hơn 952.806 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai với hơn 36.809.544 ca nhiễm và hơn 837.770 ca tử vong. Nước Pháp ghi nhận số ca mắc mới nhiều hơn cả với 34.895 ca, tiếp theo Ba Lan và Đức lần lượt ghi nhận 21.706 và 16738 ca. Châu Á đứng thứ ba với hơn 31.228.189 ca nhiễm và hơn 447.200 ca tử vong. Sau Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ có số ca mắc mới cao thứ hai tại châu lục này với 50.678 ca.

Diễn biến dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn phức tạp. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã ghi nhận 168.912 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua - cao hơn 152.879 ca ghi nhận ngày 12/4 và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát năm ngoái.

Trong mấy ngày qua Ấn Độ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 hằng ngày ở các mức cao nhất, trong đó ngày 12/4 là ngày thứ 6 liên tiếp nước này ghi nhận số nhiễm mới trên 100.000 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 13.527.717 ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ với 31.920.778 ca mắc và 575.831 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới khi ghi nhận 13.482.543 ca mắc và 353.293 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Amritsar, Ấn Độ, ngày 24/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng trăm nghìn người không đeo khẩu trang đã tham gia lễ hội Kumbh Mela, sự kiện lớn nhất của người Hindu ở Ấn Độ. Ước tính trong  thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có hàng chục triệu người hành hương, mộ đạo và du khách tắm mình trên sông Hằng thiêng liêng.

Lễ hội diễn ra trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia Nam Á này gia tăng đột biến và Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới.

Tại thành phố linh thiêng Haridwar, đám đông người hành hương đổ dồn về sông Hằng để tham gia nghi lễ tắm, vốn được coi là một phần của lễ hội Kumbh Mela. Ngoài lễ hội của người Hindu, tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo cũng sẽ bắt đầu từ ngày 13/4 - 13/5. Hiện các lễ hội tôn giáo và các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch tại một số bang đang được xem là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại quốc gia 1,3 tỷ dân này trong những tuần qua.

Các quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh và mở rộng chương trình tiêm chủng. Ngày 12/4, Thủ tướng của New Zealand Jacinda Ardern cho biết những người làm việc tại các khu vực biên giới phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng này, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị điều chuyển công tác. Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương này ghi nhận trường hợp thứ ba mắc COVID-19 liên quan tới một nhân viên ở biên giới. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 86% nhân viên biên giới được tiêm phòng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kyoto, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Nhật Bản cũng đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một lượng lớn người cao tuổi. Theo đó, những người trên 65 tuổi ở nước này đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer tại khoảng 120 điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Giới chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng hiện nay ở Nhật Bản có thể không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, bởi ngày càng có nhiều người trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 so với thời gian trước đây.

Trong khi đó, hãng dược Johnson & Johnson của Mỹ đã bắt đầu bàn giao vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Johnson & Johnson bắt đầu bàn giao vaccine COVID-19 cho EU trong ngày 12/4. Ban đầu, Johnson & Johnson dự kiến bàn giao vaccine cho EU vào đầu tháng 4 nhưng sau đó phải hoãn lịch bàn giao vì gặp một số vấn đề trong khâu sản xuất.  

Liên quan đến các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine, giới chức y tế Hàn Quốc khẳng định không có mối liên quan nào giữa việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với 11 ca tử vong, đồng thời đảm bảo với công chúng về sự an toàn của vaccine.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trong công viên ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/4/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), lực lượng chức năng đã hoàn tất cuộc điều tra về 11 trong số 47 người tử vong trong vòng vài ngày sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer Inc cũng như cuộc khảo sát dịch tễ về 32 trong số 47 trường hợp tử vong được ghi nhận. KDCA  phát hiện toàn bộ 11 người trên 70 tuổi đều mắc các bệnh lý nền và 7 người trong số này đã được đưa vào các cơ sở chăm sóc lâu dài.

Nhà chức trách Hàn Quốc kết luận cái chết của những người này nhiều khả năng liên quan đến các bệnh lý nền mà họ đã mắc, trong đó có đột quỵ. Cũng theo giới chức Hàn Quốc, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tiến hành các khảo sát dịch tễ về 15 trường hợp tử vong.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.824 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 62.510 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước.  

Chú thích ảnh

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN, tổng số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này nhiều hơn cả khu vực cộng lại.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 12/4 ghi nhận thêm 958 ca bệnh mới.

Chú thích ảnh

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 277 bệnh nhân mới và 1 ca tử vong trong ngày 12/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 62.511 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 335 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.055.524 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.694.217 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Timor Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh (Myanmar không công bố số liệu).

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 12/4 thông báo Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 60 đăng ký cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga phát triển.

Tổng giám đốc RDIF, ông Kirill Dmitriev, cho biết trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24 rằng RDIF đã ký hợp đồng với hơn 5 doanh nghiệp Ấn Độ để sản xuất vaccine của Nga. Trong vài ngày tới, theo ông Dmitriev, sẽ có thêm một hợp đồng nữa được ký kết.

Ông nói: “Ấn Độ sẽ là một trong những nhà sản xuất vaccine chính ở nước ngoài. Chúng ta đã đàm phán với hơn 111 nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới. Chúng ta đã chọn ra những nhà sản xuất, kể cả ở Ấn Độ, những doanh nghiệp có thể sản xuất vaccine với chất lượng cao, số lượng lớn. Điều quan trọng là vaccine cũng được sản xuất cho người Ấn Độ, và cho thị trường bên ngoài”.

Được biết hiện đã có 3 loại vaccine được phê duyệt để sử dụng tại Ấn Độ. Sau khi được Ấn Độ phê duyệt, vaccine của Nga có thể được sử dụng để tiêm chủng cho tổng cộng 3 tỷ người, tương đương 40% dân số thế giới. Hiện vaccine Sputnik V cũng đã được chấp thuận ở Nga, Belarus, Argentina, Bolivia, Hungary, Slovakia và nhiều quốc gia khác.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
 COVID-19 tới 6 giờ 13/4: Thế giới trên 2,95 triệu ca tử vong; 60 nước phê chuẩn vaccine Sputnik-V của Nga
COVID-19 tới 6 giờ 13/4: Thế giới trên 2,95 triệu ca tử vong; 60 nước phê chuẩn vaccine Sputnik-V của Nga

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 555.685 trường hợp mắc COVID-19 và 7.725 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 137,2 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,95 triệu người không qua khỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN