COVID-19 tại ASEAN ngày 4/8: Indonesia vượt mốc 100.000 người tử vong; Thái Lan tăng vọt trên 20.000 ca mắc mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 95.915 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 158.500 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.

Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 90 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại San Juan, Philippines ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình tiếp tục xấu hơn. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 4/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 257 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ ba trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua công bố số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tăng mạnh, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar có tới 4.051 ca bệnh mới và 322 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan, ngày 26/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch.

“Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 4/8 ghi nhận thêm 20.200 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực và cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch), trong khi số ca tử vong là 188 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 583 bệnh nhân mới và 17 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia trải qua giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 158.553 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.621 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 7.664.649 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 6.281.725 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 10/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á ngày 4/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 3,532,567 +35,867 100,636 +1,747 2,907,920
Philippines 1,619,824 +7,342 28,231 +90 1,528,422
Malaysia 1,183,110 +19,819 9,855 +257 962,733
Thái Lan 672,385 +20,200 5,503 +188 455,806
Myanmar 315,118 +4,051 10,695 +322 225,849
Việt Nam 177,813 +7,623 2,071   50,831
Campuchia 79,634 +583 1,488 +17 72,803
Singapore 65,410 +95 38   63,252
Timor-Leste 11,145 +45 26   10,025
Lào 7,305 +290 7   3,804
Brunei 338   3   280
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Jakarta, Indonesia, ngày 9/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia vượt ngưỡng 100.000 ca tử vong

Ngày 4/8, Indonesia - quốc gia đông dân nhất khu vực - đã ghi nhận mốc buồn khi tổng số ca tử vong do COVID-19 từ đầu dịch đã vượt 100.000 ca. Với 1.474 ca tử vong mới được công bố cùng ngày, tổng số ca tử vong lên tới 100.636 ca.

Số người tử vong đã tăng nhanh đáng kể trong những tuần gần đây tại Indonesia. Nước này ghi nhận hơn 1/3 số ca tử vong do COVID-19 chỉ trong tháng 7, khi biến thể Delta siêu lây nhiễm lan rộng ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Theo Tổ chức cộng đồng Lapor COVID-19 (Báo cáo COVID-19), ít nhất 2.837 bệnh nhân COVID-19 tử vong khi cách ly tại nhà hoặc bên ngoài bệnh viện. Hầu hết các trường hợp tử vong là do điều trị muộn, vì các cơ sở y tế chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện nặng, các trường hợp còn lại thực hiện giải pháp tự cách ly tại nhà hoặc trong các khu vực cách ly tập trung ngoài bệnh viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuta, Bali, Indonesia, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 tại Indonesia ít hơn so với Mỹ, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải đã dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao đột biến. Hiện nay, chỉ có 8% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Hầu hết người dân Indonesia đều mong muốn được tiêm chủng nhưng thiếu khả năng tiếp cận. Trong số những người chưa tiêm phòng COVID-19, có tới 80% cho biết họ đang đợi tới lượt tiêm hoặc tìm kiếm nơi tiêm chủng, hoặc do tình trạng sức khỏe, đi lại nên việc tiếp cận vaccine trở nên khó khăn hơn.

Từ đầu tháng 7 đến nay, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) nghiêm ngặt nhất trên toàn đảo Java và Bali - tâm dịch COVID-19 của nước này, nhưng đến nay các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đang lan rộng ra các tỉnh ngoài Java, bao gồm cả ở Đông Kalimantan và Riau.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Thái Lan, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Thái Lan đã vượt mức 20.000 khi Bộ Y tế nước này sáng 4/8 công bố 20.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 672.385 ca.

Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo nước này ghi nhận 188 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên 5.503 người.

Nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh khi Chính phủ đưa thêm 16 tỉnh vào danh sách các địa phương thực hiện phong tỏa và giới nghiêm ban đêm, Nội các Thái Lan ngày 3/8 đã thông qua ngân sách bổ sung 30 tỉ baht (906 triệu USD) dành cho người lao động và doanh nhân.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết người dân và doanh nhân ở 16 tỉnh mới bị ảnh hưởng sẽ nhận được mức hỗ trợ tài chính tương tự 13 tỉnh, kể cả thủ đô Bangkok, đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ được cung cấp thông qua Quỹ Bảo hiểm Xã hội.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia, ngày 25/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Malaysia, trong ngày 4/8, nước này có thêm 19.819 ca mắc COVID-19 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong đó, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước với 8.377 ca, tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.467 ca và bang Kedah với 1.371 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 1.183.110 ca mắc COVID-19.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 257 ca tử vong vì COVID-19 - cũng là một mức cao chưa từng thấy. Trong 6 ngày qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia đều trên 130 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 9.855 ca tử vong vì COVID-19, chiếm 0,83%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Báo Khmer Times ngày 4/8 dẫn thông báo của Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này phát hiện thêm 36 ca nhiễm biến thể Delta tại 4 địa phương trên cả nước, bao gồm Phnom Penh (5 ca), Oddar Meanchey (9 ca), Siem Reap (18 ca) và Kampong Thom (4 ca).

Chỉ trong 4 ngày từ ngày 31/7-3/8, Campuchia đã phát hiện 260 ca nhiễm biến thể Delta là lao động di cư trở về từ Thái Lan, hành khách đi máy bay, nhân viên y tế và cả người dân. Theo Bộ Y tế Campuchia, thống kê này cho thấy biến thể Delta đang lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt tại Oddar Meanchey, Phnom Penh, Siem Reap, Kampong Cham, Kampong Thom và một số tỉnh khác. Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng nhắc nhở và kêu gọi người dân trên cả nước tiếp tục thận trọng, tự bảo vệ bản thân và học cách chung sống với dịch bệnh COVID-19.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 3/8: Indonesia gần 100.000 ca tử vong; Thái Lan, Malaysia lây nhiễm căng thẳng
COVID-19 tại ASEAN hết 3/8: Indonesia gần 100.000 ca tử vong; Thái Lan, Malaysia lây nhiễm căng thẳng

Trong ngày 3/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 86.000 ca nhiễm mới và trên 2.200 ca tử vong, nâng tổng người thiệt mạng vì đại dịch vượt 155.000 ca. Riêng Indonesia đã ghi nhận gần 100.000 ca tử vong, trong khi lây nhiễm mới tại Thái Lan, Malaysia tiến gần mốc 20.000 ca/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN