COVID-19 tại ASEAN hết 8/9: Toàn khối trên 70.000 ca bệnh mới; Dịch leo thang trở lại ở Campuchia

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 70.045 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 237.500 người.

Chú thích ảnh
Dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương tại Bangkok ,Thái Lan,ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Myanmar và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 8/9, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 361 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua có trên 2.700 ca bệnh mới và 91 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chú thích ảnh
Dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương tại Bangkok ,Thái Lan,ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 8/9 ghi nhận thêm trên 14.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 228 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 596 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 237.510 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.920 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 10,6 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 9,4 triệu trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Denpasar, trên đảo Bali, Indonesia, ngày 2/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN đều ghi nhận ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 8/9:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 4,147,365 +6,731 137,782 +626 3,876,760
Philippines 2,134,005 +12,751 34,672 +174 1,948,198
Malaysia 1,900,467 +19,733 19,163 +361 1,632,631
Thái Lan 1,322,519 +14,176 13,511 +228 1,166,364
Việt Nam 563,676 +12,680 14,135 +434 325,647
Myanmar 423,104 +2,702 16,173 +91 370,599
Campuchia 96,935 +596 1,987 +6 92,015
Singapore 69,582 +349 55   66,742
Lào 16,576 +211 16   5,568
Brunei 3,683 +116 16   2,149
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trở lại

Campuchia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày ở mức cao nhất kể từ ngày 14/8 với gần 600 ca, trong khi số ca đang phải điều trị tiếp tục tăng ngày thứ 11 liên tiếp, gây áp lực cho hệ thống y tế.

Ngày 8/9, Bộ Y tế Campuchia cho biết có thêm 6 ca tử vong và 596 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có 177 ca nhập cảnh chủ yếu là lao động từ Thái Lan trở về. Tính từ đầu dịch, Campuchia phát hiện tổng cộng 96.935 ca mắc COVID-19, trong đó 92.015 người đã khỏi bệnh và 1.987 ca tử vong.

Tại Phnom Penh, Tiểu ban Nghiên cứu COVID-19 tối 7/9 xác nhận trong số 1.491 công nhân nhà máy may mặc Marvel thuộc phường Boeung Thom, quận Kamboul, có 11 ca nhiễm biến thể Delta. Với kết quả này, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã phát hiện tổng cộng 914 ca nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh. Lực lượng y tế cũng lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 công nhân nhà máy may mặc Top Summit ở phường Kamboul, quận Kamboul và đã phát hiện hơn 30 ca dương tính

Về việc mở cửa lại trường học tại Campuchia, báo Khmer Times dẫn lời Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia ngày 7/9 cho rằng an toàn là yếu tố sống còn khi mở cửa lại trường học. Theo WHO, việc mở cửa từng bước trường học cũng như hoạt động kinh doanh đều có rủi ro. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đang được kiểm soát theo từng địa phương.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan sử dụng xe buýt phục vụ tiêm vaccine cho nhóm người dễ bị tổn thương

Ngày 8/9, chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan đã triển khai thí điểm chương trình huy động dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng  COVID-19 cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương tại thủ đô.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết các đội tiêm chủng lưu động sẽ di chuyển bằng xe buýt để có thể dễ dàng len lỏi đến từng địa điểm trong thành phố và tiêm vaccine cho mọi người dân nội đô. Chiến dịch tiêm chủng lưu động này sẽ cho phép mỗi ngày có khoảng 1.000 người dân nội đô được tiêm vaccine. Theo ông Kwanmuang, số lượng nhân viên phục vụ trên một chiếc xe buýt tiêm chủng này là 6 người gồm: lái xe, 3 nhân viên y tế phụ trách tiêm vaccine và 2 nhân viên phụ trách khâu thủ tục.

Ông Manat Phumklahan, 58 tuổi, đánh giá cao hình thức mới của chính quyền địa phương, cho phép những người khuyết tật như ông, phải ngồi trên xe lăn, có thể dễ dàng được tiêm vaccine. Trong khi đó, Boonsak Suwannakij, 22 tuổi, một cư dân sống trong vùng đỏ, nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều với mô hình tiêm chủng này.

Chú thích ảnh
Hành khách của chuyến bay chở khách đầu tiên từ Đức theo chương trình không phải cách ly hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore đón chuyến bay đầu tiên không cách ly

Ngày 8/9, chuyến bay chở khách đầu tiên từ Đức theo chương trình không phải cách ly đã hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore vào chiều cùng ngày.

Hành khách đi theo chương trình Làn đi lại cho hành khách được tiêm vaccine đầy đủ (VTL) sẽ phải thực hiện 4 lần xét nghiệm PCR thay cho việc cách ly và phải tuân theo các điều kiện khác được quy định cho các chuyến bay VTL đến Singapore.

Chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) đánh dấu sự khởi đầu của chương trình VTL của Singapore hiện đang được áp dụng đối với hành khách đến từ Brunei và Đức.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong ngày đầu tiên quay lại trường học sau nhiều tháng do dịch bệnh COVID-19 tại Tây Java, Indonesia, ngày 6/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia siết chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn biến thể Mu xâm nhập

Chính phủ Indonesia đã siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu (còn được gọi là B.1.621) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm.

Ngày 7/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny G Plate cho biết: “Chính phủ hành động nhanh chóng và chính xác nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Mu và tránh cho Indonesia phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba”. Theo Bộ trưởng Plate, công tác giám sát đang được triển khai tại tất cả các cửa khẩu như sân bay và cảng biển. Việc kiểm tra được thực hiện bằng giải trình tự gen virus SARS-Cov2 ở các bệnh nhân COVID-19 là công dân Indonesia hoặc người nước ngoài từng đến các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ mắc biến thể Mu cao như Colombia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hồng Kông và Ecuador.

Tính đến ngày 6/9, biến thể Mu đã được phát hiện tại 46 quốc gia.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 7/9: Trên 235.500 ca tử vong; Philippines tái phong toả thủ đô
COVID-19 tại ASEAN hết 7/9: Trên 235.500 ca tử vong; Philippines tái phong toả thủ đô

Trong ngày 7/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 73.000 ca nhiễm mới và 1.726 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong trong khối vượt mốc 235.500 ca. Philippines tái phong toả thủ đô chỉ 1 ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu người dân phải ở nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN