COVID-19 tại ASEAN hết 7/9: Ca tử vong tăng mạnh ở Indonesia; Myanmar bất ngờ nghiêm trọng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.768 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 12.580 người.

Chú thích ảnh
  Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bogor, Tây Java. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác. Trong khi Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca phát sinh trong ngày tại ASEAN có xu hướng tăng nhẹ trong 1 ngày qua.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Singapore và Malaysia đang chứng kiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại, với số ca mắc bệnh mới tăng đều những ngày qua. Dù vậy, “Đảo quốc sư tử” vẫn kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 26/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.585 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 178 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 522.097 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 401.565 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – trong đó có Thái Lan và Campuchia - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 9/9:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 245.143 +3.176 3.986 +70 185.543
Indonesia 203.342 +3.307 8.336 +106 145.200
Singapore 57.166 +75 27   56.492
Malaysia 9.583 +24 128   9.143
Thái Lan 3.447 +1 58   3.286
Myanmar 1.889 +180 12 +2 553
Việt Nam 1.59 +5 35   890
Campuchia 274       273
Brunei 145   3   139
Timor-Leste 27       25
Lào 22       21
Chú thích ảnh
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 9/9, Indonesia ghi nhận thêm 3.307 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 203.342 ca.

Theo Bộ Y tế Indonesia, trong 1 ngày qua, quốc gia này ghi nhận thêm 106 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 8.336 ca. Tổng số bệnh nhân COVID-19 phục hồi tại Indonesia là 145.200 người. Hiện virus đã lây lan ra 34 tỉnh thành trên cả nước. Đáng chú ý, trong vòng 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 1.004 ca mắc mới.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban IV của Hạ viện Indonesia, ông Daniel Johan cho biết Bộ trưởng Biển và Nghề cá Edhy Prabowo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là thành viên thứ hai trong Nội các Indonesia bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trước đó hồi tháng 3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Budi Karya Sumadi cũng bị nhiễm virus và phải nằm viện trong nhiều tuần.

Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) dự báo rằng tỷ lệ đói nghèo của Indonesia có thể tăng lên 10,34% trong tháng 9 do các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhà nghiên cứu Rusli Abdullah của Indef cho biết Chính phủ Indonesia đã cố gắng giảm tỷ lệ đói nghèo xuống mức một con số, song do dịch COVID-19, tỷ lệ này đã tăng trở lại lên mức hai con số.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 18/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong ngày 9/9, số ca mắc mới tại Philippines là 3.176, trong khi số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi là 70 người. Tới nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 245.143 trường hợp mắc COVID-19 (ca nhất trong số các nước ASEAN, và 3.986 ca tử vong.

Cùng chứng kiến bệnh dịch diễn biến nghiêm trọng trong ngày còn có Myanmar. Sau nhiều tháng bình yên, những ngày gần đây Myanmar bất ngờ ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, đồng thời cũng có một số ca tử vong.

Trong ngày 9/9, Myanmar ghi nhận 180 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 2 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 1.889 ca và 12 ca.

Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 14/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia ghi nhận thêm 24 ca mắc mới, trong đó có 18 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 6 ca nhập khẩu. Có 13 ca mới liên quan tới ổ dịch ở một cơ sở chăm sóc y tế thuộc bang Kedah. Ổ dịch này đã lây lan sang bang láng giềng Perlis.

Hiện Maylaysia ghi nhận tổng cộng 9.583 ca mắc COVID-19, trong đó có 128 ca tử vong, 9.143 ca đã hồi phục và 312 ca đang được điều trị.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thông báo ngày 9/9 của Bộ Y tế, Campuchia hiện ghi nhận tổng số 274 ca nhiễm COVID-19, trong đó 273 ca đã khỏi bệnh, và không có ca tử vong.

Bộ Du lịch Campuchia ngày 9/9 đã công bố hướng dẫn về phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với khách du lịch nước ngoài khi đến nước này. 

Bản hướng dẫn trên gồm 8 điểm được dịch ra một số thứ tiếng trong đó có tiếng Anh và tiếng Trung Quốc nhằm khuyến cáo khách du lịch tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mà Chính phủ Campuchia đưa ra.

Theo hướng dẫn, nếu du khách đến Campuchia từ các vùng dịch thì cần phải thực hiện khuyến cáo của chính phủ nước này, đồng thời phải đảm bảo rằng có bảo hiểm du lịch toàn diện trước khi đến Campuchia trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, nhà chức trách nước này sẽ phát miễn phí thiết bị truy vết có tên TT Token (TraceTogether Token) trên diện rộng bắt đầu từ ngày 14/9 tới đây và thí điểm thực hiện chương trình “SafeEntry” (Lối vào an toàn) chỉ sử dụng thiết bị TT Token hoặc ứng dụng TT Token trên điện thoại thông minh tại một số điểm.

Tại cuộc họp báo chiều 9/9, các quan chức thuộc lực lượng liên bộ nước này đánh giá tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, số ca lây nhiễm trong cộng đồng hàng ngày ở mức một con số, thậm chí nhiều ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Singapore sẽ triển khai thêm các biện pháp mới để bảo đảm có thể nhanh chóng truy dấu nguồn lây nhiễm khi nước này bước sang giai đoạn 3 mở cửa nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, thiết bị TT Token sẽ được phát miễn phí cho tất cả những người đang sinh sống tại Singapore, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 11. Người dân sinh sống tại Singapore cũng được khuyến cáo hoặc tải ứng dụng “TT Token”, hoặc nhận thiết bị này để sử dụng nếu không sử dụng điện thoại thông minh. Để chương trình theo dấu nguồn lây nhiễm có hiệu quả, cần phải có càng nhiều người sử dụng càng tốt.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
 Singapore phát miễn phí thiết bị truy vết nguồn lây COVID-19
Singapore phát miễn phí thiết bị truy vết nguồn lây COVID-19

Singapore sẽ phát miễn phí thiết bị truy vết có tên TT Token (TraceTogether Token) trên diện rộng bắt đầu từ ngày 14/9 tới đây và thí điểm thực hiện chương trình “SafeEntry” (Lối vào an toàn) chỉ sử dụng thiết bị TT Token hoặc ứng dụng TT Token trên điện thoại thông minh tại một số điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN