COVID-19 tại ASEAN hết 7/9: Ca tử vong tại Indonesia tăng vọt; Myanmar và Malaysia nguy cơ đợt dịch mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 4.447 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 12.270 người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có 2 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác. Số ca phát sinh trong ngày tại ASEAN có xu hướng giảm nhẹ trong 1 ngày qua.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Singapore và Malaysia đang chứng kiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại, với số ca mắc bệnh mới tăng đều những ngày qua. Dù vậy, “Đảo quốc sư tử” vẫn kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi đó, Myanmar mấy ngày qua số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Depok, Tây Java, Indonesia, ngày 22/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.276 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 120 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 508.699 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 396.069 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – trong đó có Thái Lan - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 7/9:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 238.727 +1.383 3.890 +15 184.906
Indonesia 196.989 +2.880 8.130 +105 140.652
Singapore 57.044 +22 27   56.408
Malaysia 9.459 +62 128   9.124
Thái Lan 3.445 +1 58   3.281
Myanmar 1.518 +99 8   388
Việt Nam 1.049   35   853
Campuchia 274       272
Brunei 145       139
Timor-Leste 27       25
Lào 22       21

Bộ Y tế Malaysia ngày 7/9 ghi nhận thêm 62 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, gấp 10 lần so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 4/6.

Trong số 62 ca nhiễm mới, có tới 56 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng ổ dịch Benteng Lahad Datu (LD) tại bang Sabah trên đảo Borneo ghi nhận thêm tới 50 ca. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 9.459 ca nhiễm bệnh, trong đó 9.124 trường hợp đã khỏi bệnh và 128 người tử vong.

Cục Nhập cư Malaysia đã công bố danh sách 23 quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh Malaysia kể từ ngày 7/9. Đây là những quốc gia có số người nhiễm vượt quá 150.000. Với quy định trên, những người có giấy phép cư trú dài hạn tại Malaysia, trong đó có những người thuộc diện “Malaysia – Ngôi nhà thứ hai của tôi” (tức những người đã mua nhà tại Malaysia), chuyên gia, người làm việc dài hạn, người kết hôn với công dân Malaysia và học sinh, sinh viên theo học tại Malaysia, đến từ 23 nước trên đều bị cấm nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, một số trường hợp như người mang hộ chiếu ngoại giao hay những trường hợp thực sự khẩn thiết, được Chính phủ Malaysia cho phép, sẽ được nhập cảnh.

Nguyên nhân khiến Malaysia đưa ra thay đổi trên là do số ca “nhập cảnh” tăng nhanh, cũng như do tình hình dịch bệnh trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước để cập nhật danh sách cấm nhập cảnh.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly trong bệnh viện ở Manila, Philippines, ngày 5/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo báo Philstar, cùng ngày, Philippines thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại nước này ở mức thấp nhất kể từ ngày 14/6, với 1.383 trường hợp. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức dưới 3.000.

Vùng thủ đô Manila vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong cả nước, với 525 trường hợp. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 238.727, trong đó có 184.906 người đã bình phục, và 3.890 trường hợp tử vong. Các chuyên gia Philippines khẳng định số ca mắc COVID-19 ở nước này đã bắt đầu giảm dần. Lần đầu tiên trong 2 tuần qua, vùng thủ đô Manila ghi nhận số ca nhiễm mới giảm.

Tuy nhiên, nhà chức trách và giới chuyên gia y tế của quốc gia Đông Nam Á này vẫn khuyến cáo người dân cần cảnh giác bởi tình hình dịch bệnh mới bắt đầu lắng dịu, trong khi số ca mắc mới tại vùng thủ đô Manila vẫn ở mức hơn 1.000 trường hợp mỗi ngày.

Ông Vivencio Dizon, người đứng đầu chương trình xét nghiệm của Chính phủ Philippines, nhận định dịch thách thức do dịch COVID-19 gây ra có thể lan sang năm 2021, do đó người dân không được chủ quan, lơ là.

Chú thích ảnh
  Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cũng trong ngày 7/9, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đã ban hành thông tư mới, điều chỉnh quy định làm việc đối với công chức nhà nước trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, đối với các khu vực có nhiều rủi ro hoặc vùng đỏ, công chức nhà nước làm việc tại văn phòng tối đa không quá 25%, 75% còn lại làm việc tại nhà.

Đối với các cơ quan chính phủ thuộc loại rủi ro trung bình, số lượng công chức làm việc tại văn phòng và ở nhà được chia đều 50%. Trong khi đó, đối với các khu vực rủi ro thấp, số làm việc tại các văn phòng nhiều nhất là 75%. Tại những cơ quan chính phủ nằm trong khu vực quận, huyện ,thành phố được phân loại là không bị ảnh hưởng và không có trường hợp nhiễm COVID-19, nhân viên đi làm bình thường.

Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 2.880 ca mắc COVID-19 và 105 người tử vong, đưa tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt là 196.989 và 8.130 người. Hiện dịch bệnh COVID-19 đã lây lan tất cả 34 tỉnh, thành phố của Indonesia.

Ngày 7/9, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartanto cho biết chính phủ nước này đã dành 3.700 tỷ rupiah (251 triệu USD) để thanh toán trước cho hợp đồng mua vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng cao cấp này cho biết trong năm tới, Chính phủ cũng dự tính dành 37.000 tỷ rupiah (2,51 tỷ USD) cho chương trình phát triển vaccine kéo dài nhiều năm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 20/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 7/9, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan cho biết ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở nước này kể từ ngày 26/5, đã làm việc ở những nơi không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở Thái Lan sau hơn 100 ngày là một người đàn ông bị tống giam tại nhà tù ở thủ đô Bangkok. Người này từng làm DJ tại một câu lạc bộ giải trí ban đêm và trước đó không đi nước ngoài hay có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo CCSA, 3 quán bar và nhà hàng, nơi người này từng làm DJ, không tuân thủ các yêu cầu phòng bệnh như đo nhiệt độ, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội... Ngoài ra, tại Tòa án hình sự, nơi người này bị xét xử với cáo buộc phạm tội liên quan tới ma túy, có 492 người tiếp xúc với bệnh nhân, trong đó có 14 người được cho là có nguy cơ cao.  

Trong thông báo trên toàn quốc CCSA cho biết những cơ sở kinh doanh không tuân thủ các biện pháp y tế phòng chống dịch, sẽ bị phạt nặng. Tính đến ngày 7/9, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.445 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong và 3.281 ca đã phục hồi.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Indonesia chi 251 triệu USD đặt mua trước vaccine phòng COVID-19
Indonesia chi 251 triệu USD đặt mua trước vaccine phòng COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 7/9, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartanto cho biết chính phủ nước này đã dành 3.700 tỷ rupiah (251 triệu USD) để thanh toán trước cho hợp đồng mua vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN