COVID-19 tại ASEAN hết 7/7: Toàn khối trên 100.900 ca tử vong; Campuchia ca nhập cảnh cao kỷ lục

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.364 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 100.990 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID_19 tại Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia  và Campuchia. Nhìn chung, Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại, đồng thời cũng cao nhất châu Á (hơn cả Ấn Độ), và ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận trên 1.000 người chết.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn khá nghiêm trọng ở Philippines, song đang có chiều hướng giảm trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 7/7, Philippines đã không còn là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao của khu vực nữa. Nước này 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là một trong những điểm dịch nóng của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 7/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 91 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu diễn biến của dịch COVID-19.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 7/7 ghi nhận thêm trên 6.519 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 54 người, giảm đôi chút so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 981 bệnh nhân mới và 19 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Trong ngày 7/7, Singapore sau nhiều ngày bình yên nay cũng đã ghi nhận các ca bệnh mới, với 12 trường hợp. Tuy nhiên, nước này đã nhiều tháng không có ca tử vong vì COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 100.997 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.368 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 5.256.801 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.572.189 trường hợp.

Toàn khối chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh, trong khi các chương trình tiểm chủng lại chậm chạp. Trong 24 giờ qua, trù Brunei và Myanmar, 9 nước thành viên ASEAN còn lại đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 7/7:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 2,379,397 +34,379 62,908 +1,040 1,973,388
Philippines 1,450,110 +4,289 25,459 +164 1,377,132
Malaysia 799,790 +7,097 5,768 +91 719,678
Thái Lan 301,172 +6,519 2,387 +54 231,171
Myanmar 171,976   3,513   140,387
Singapore 62,652 +12 36   62,341
Campuchia 57,103 +981 798 +19 48,974
Việt Nam 22,341 1,007 97   8,077
Timor-Leste 9,594 +36 25   8,682
Lào 2,400 +44 3   2,104
Brunei 266   3   255
Chú thích ảnh
Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Indonesia, ngày 7/7, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn và mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế trên toàn quốc nhằm đối phó với làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh chưa từng thấy tại nước này.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto thông báo chính phủ đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 20/7 tới. Các biện pháp phòng dịch này sẽ áp dụng đối với hàng chục thành phố và mở rộng từ đảo Sumatra ở phía Tây đến Papua ở cực Đông.

Theo các biện pháp hạn chế ở phạm vi rộng hơn, đa số các lao động làm việc trong lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà, các cửa hàng, quán ăn cũng như nhà hàng hạn chế giờ mở cửa. Các nhà thờ và đền thờ tại những khu vực có nguy cơ cao nhất cũng phải đóng cửa.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoành hành tại Indonesia. Ông Hartarto cho biết số ca mắc mới đang gia tăng tại nhiều khu vực và các bệnh viện đang chịu sức ép lớn khi bệnh nhân COVID-19 ồ ạt nhập viện.
Ông Hartarto cảnh báo hệ thống dịch vụ y tế có nguy cơ quá tải.

Ngày 7/7, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia cho biết quốc gia này đã ghi nhận thêm 1.040 ca tử vong, cao hơn 300 ca so với ngày 6/7 và gần gấp đôi so với hai ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong vòng một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 3/2020.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thái Lan, số người mắc COVID-19 kể từ đầu dịch đã vượt 300.000, sau khi Bộ Y tế nước này sáng 7/7 thông báo có thêm 6.519 ca mắc mới cùng 54 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 301.172 ca mắc, trong đó có 2.387 người không qua khỏi. Chỉ riêng trong làn sóng COVID-19 bùng phát tại Thái Lan từ đầu tháng 4 đến nay đã có 272.309 ca mắc và 2.293 người tử vong.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết số bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng ở nước này đang gia tăng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan ra nhiều tỉnh. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc mới và số ca tử vong cao nhất nước, với 1.549 ca mắc mới và 30 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng đợi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia ngày 7/7 ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 là hành khách nhập cảnh - mức cao nhất từ trước đến nay, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ biến thể Alpha và Delta xâm nhập từ nước ngoài.

Bộ Y tế Campuchia trưa 7/7 cho biết có thêm gần 1.000 ca mới trong 24 giờ qua (981 ca), nâng tổng số ca kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 57.103 ca. Đây là mức tăng gần gấp đôi con số khoảng 500 ca/ngày trong hai lần bùng dịch trước “sự cố cộng đồng ngày 20/2” vừa qua. Bộ cũng xác nhận đến nay Campuchia có 798 ca tử vong vì COVID-19, tăng 16 ca trong 24 giờ qua.

Tại Phnom Penh, Ban quản lý chợ Olympic sáng cùng ngày cho biết, kể từ ngày 2-6/7, khoảng 3.000 tiểu thương và những người có liên quan đến ổ dịch này đã được xét nghiệm COVID-19, trong đó 383 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Ban quản lý chợ tiếp tục kêu gọi tất cả những người liên quan đến chợ Olympic đi xét nghiệm.

Theo quyết định của chính quyền thủ đô Phnom Penh, chợ Olympic tạm thời đóng cửa trong 14 ngày từ ngày 2-16/7. Sau khi chợ được phép mở cửa trở lại, tiểu thương hoặc người làm việc tại đây chưa xét nghiệm COVID-19 sẽ không được phép ra vào.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 44 ca mới mắc COVID-19, trong đó 42 ca là người lao động trở về từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn.

Bộ Y tế Lào cho hay số ca mắc COVID-19 là lao động nước này trở về từ Thái Lan tiếp tục tăng cao trong bối cảnh quốc gia láng giềng này đang ghi nhận diễn biến dịch phức tạp với sự lây lan nhanh của các biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến giới chức Lào quan ngại về nguy cơ biến thể Delta xâm nhập thông qua tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng những ngày qua có xu hướng giảm nhưng Lào vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại tại một số địa phương do một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Cho tới nay, khoảng 3,7 triệu người, khoảng 65% dân số Singapore, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine  trong khi gần 2,2 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng. Singapore đặt mục tiêu 75% dân số nước này tiêm đủ liều 2 vaccine đến trước ngày 9/8 tới.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này đã đạt kỷ lục mới về số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong ngày 5/7, với 313.761 liều vaccine đã được sử dụng, trong đó có 117.158 liều là tiêm mũi thứ 2.  

Tính đến nay, Malaysia đã tiêm được 9,32 triệu liều vaccine, trong đó có 6.585.002 người đã tiêm mũi thứ nhất, tương đương 20,16% dân số và 2.735.476 người được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 8,38% dân số. Bang Sarawak tiếp tục dẫn đầu về tiêm chủng, khi có 1.226.659 người hoàn thành việc tiêm mũi thứ nhất và 326.285 người hoàn thành cả 2 mũi tiêm. Đáng chú ý, tỷ lệ người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Kuala Lumpur ở mức cao, khi có tới 67% người dân được tiêm mũi 1 và 14,4% số người tiêm đủ 2 mũi.

Nhà chức trách Malaysia cho biết trong tháng này, sẽ nhận thêm 14,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, gồm 6,43 triệu liều của Pfizer, 1,59 triệu liều của AstraZeneca và 6,38 triệu liều của Sinovac.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 6/7: Trên 1.000 người chết/ngày; Indonesia cầu cứu với kỷ lục mắc và tử vong
COVID-19 tại ASEAN hết 6/7: Trên 1.000 người chết/ngày; Indonesia cầu cứu với kỷ lục mắc và tử vong

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm gần 50.000 ca nhiễm và trên 1.000 ca tử vong mới - mức cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát. Indonesia cũng trải qua ngày lây nhiễm và tử vong cao nhất cho đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN