Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 47.245 ca mắc mới COVID-19 và 782 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 5.093.408 trường hợp và 97.712 ca tử vong. Toàn khối có 4.478.634 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 555 ca; Philippines đứng thứ hai với 86 ca; Malaysia ghi nhận 63 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 44 ca, Campuchia ghi nhận 24 ca, Việt Nam thêm 2 ca.
Với 27.233 ca nhiễm trong ngày 4/7, Indonesia cũng đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.284.084 ca bệnh và 60.585 ca tử vong.
Philippines ghi nhận 5.966 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.436.369, bao gồm 25.149 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 6.045 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 778.652, trong đó có 6.045 ca tử vong.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 5.916 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 993 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên trên 54.000 người. Timor Leste và Brunei không có ca nhiễm mới, trong khi Lào có thêm 31 ca.
Indonesia yêu cầu tăng sản xuất oxy y tế
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế, Chính phủ Indonesia đã phải đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng hơn 60 bệnh nhân tại một bệnh viện tử vong do hết nguồn oxy thở chỉ từ ngày 3 đến sáng 4/7.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất châu Á, với 27.913 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 3/7, phá mọi mức đỉnh cao nhất trong hai tuần qua. Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu ngành công nghiệp khí đốt tăng sản xuất oxy y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị ngành công nghiệp khí đốt ưu tiên sản xuất để đáp ứng nhu cầu y tế ước tính 800 tấn oxy mỗi ngày.
Theo kênh truyền hình CNN tiếng Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta đã ghi nhận 392 thi thể được chôn cất theo cách thức ngừa COVID-19 trong ngày 3/7, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Chính quyền thành phố cho biết số lượng trên cũng cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5/2021, với khoảng 20-30 thi thể mỗi ngày.
Trước tình hình nguy cấp này, chính quyền thủ đô Jakarta đã kêu gọi tất cả người dân tuân thủ nghiêm quy định y tế "5M" ngừa COVID-19, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh xa đám đông và hạn chế ra khỏi nhà.
Thái Lan đối phó làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất
Theo tờ Straits Times, ngay cả khi Thái Lan đã mở cửa trở lại đảo Phuket cho du khách đã tiêm phòng, nước này vẫn tiếp tục đối mặt với tỷ lệ nhiễm mới và tử vong kỷ lục, dẫn đến tình trạng phong toả một phần ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề như Bangkok.
Số ca mắc trên toàn quốc tiếp tục tăng trong những tuần gần đây, một phần được thúc đẩy bởi biến thể Delta lây lan nhanh và tốc độ tiêm chủng chậm. Hôm 3/7, Thái Lan ghi nhận 6.230 ca nhiễm mới - mức cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận 10.000 ca mới vào giữa tháng 5.
Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ ba và tồi tệ nhất của Thái Lan đã không cản trở kế hoạch mở cửa dần dần cho khách du lịch. Tháng trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố sẽ mở cửa trở lại du lịch quốc tế cho Thái Lan sau 120 ngày, hoặc vào giữa tháng 10. Bước đầu tiên, Phuket đã mở cửa trở lại cho hàng trăm du khách đã tiêm phòng vào giữa tuần trước.
Thái Lan, quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, đã mất khoảng 50 tỷ USD doanh thu du lịch vào năm ngoái do lượng khách nước ngoài giảm 83% xuống còn 6,7 triệu, từ mức kỷ lục 39,9 triệu vào năm 2019.
Giới chức cho biết Thái Lan sẽ tăng tốc tiêm chủng cho người già và người có bệnh nền, nhằm giảm số bệnh nhân COVID-19 nặng. Nhóm đối tượng này lên tới 17 triệu người.
Hiện nay mới chỉ 0,7%, tương đương 83.000 người, trong độ tuổi trên 60 và 3,1% người có bệnh nền đã được tiêm hai liều vaccine. Chỉ có 2,9 triêu/66 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ.
Lào lần thứ 5 gia hạn lệnh phong toả
Chính phủ Lào ngày 4/7 đã gia hạn chỉ thị 15/TTg, tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào. Đây là lần thứ 5 Chính phủ Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22/4 đến nay.
Theo đó, Chính phủ Lào tiếp tục đóng cửa các quán rượu và quán bar, karaoke, địa điểm giải trí, rạp chiếu phim, phòng chơi bi da, tiệm mát-xa, quán cà phê Internet; Các trung tâm thể thao trong nhà cũng tiếp tục bị đóng cửa, trong khi các môn thể thao có tiếp xúc như bóng đá và võ thuật vẫn bị cấm tại Thủ đô Viêng Chăn và mọi tỉnh có dịch; Các cơ sở giáo dục ở Thủ đô Viêng Chăn hoặc những tỉnh có các ca lây nhiễm cộng đồng sẽ tiếp tục bị đóng cửa trừ những nơi có cơ sở nội trú.
Tất cả nhà máy hoạt động trong khu vực Đỏ tiếp tục bị đóng cửa, trừ những nhà máy mà nhân viên đã được tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 và có ký túc xá trong khuôn viên…Việc ra vào các khu vực Đỏ vẫn bị cấm, trừ những người được phép, trong khi việc tụ tập hoặc tổ chức tiệc tùng bị cấm ở mọi hình thức….
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, để tạo điều kiện cho người dân và giảm tác động kinh tế và đời sống, Chính phủ Lào cho phép mở cửa trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm tươi sống; cho phép người dân tập thể dục ngoài trời ở những điểm công cộng và chơi các môn thể thao không tiếp xúc cơ thể.
Chính phủ Lào cũng cho phép các nhà hàng, quán cà phê, các khu du lịch và khu ẩm thực tại các vùng Xanh tiếp tục cung cấp dịch vụ ăn uống, nhưng không được phục vụ chất có cồn; Cho phép nối lại vận tải đường không, đường bộ, đường thủy ở những địa phương không có lây nhiễm cộng đồng mà không cần phải cách ly. Những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine khi ra vào thủ đô Viêng Chăn hoặc các tỉnh có ca lây nhiễm cộng đồng sẽ không cần phải trình giấy thông hành và không bị cách ly…
Chính phủ Lào cũng cho phép các cơ quan, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn cho nhân viên đi làm lại bình thường tại trụ sở nhưng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Các cơ sở giáo dục ở mọi cấp học tại những tỉnh không có ca lây nhiễm cộng đồng tiếp tục được mở cửa…
Malaysia: Dự án nghiên cứu bào chế vaccine đạt tiến độ khả quan
Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa của Malaysia (IMR), Tiến sĩ Tahir Aris ngày 4/7 cho biết vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được điều chế ở Malaysia cũng được thiết kế để tiêm nhắc lại và sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm 2024.
Ông Tahir cho rằng những người được tiêm chủng đầy đủ có thể cần tiêm nhắc lại để duy trì sự miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 và thậm chí họ có thể cần tiêm hằng năm. Ông khẳng định đây là biện pháp quan trọng để tiếp tục bảo vệ con người chống lại virus SARS-CoV-2. Malaysia không nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu.
Cũng theo ông Tahir, vaccine của Malaysia cũng đã tính đến các biến thể cần quan tâm của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và khẳng định tiến độ của dự án rất khả quan và vaccine bất hoạt sẽ trải qua các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật vào tháng 8 tại cơ sở của Viện Nghiên cứu thú y ở thành phố Ipoh, bang Perak và sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm 6 tháng trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến con người vào năm 2022, và hy vọng rằng vaccine sẽ sẵn sàng vào năm 2024.
IMR, trực thuộc Bộ Y tế, hiện đang nghiên cứu hai loại vaccine ngừa COVID-19 gồm một loại sử dụng công nghệ mRNA và một loại sử dụng phương pháp vaccine bất hoạt, và đang hợp tác với các chuyên gia thuộc Đại học Putra Malaysia và Viện Nghiên cứu Thú y, trực thuộc Cục Dịch vụ Thú y để bào chế những vaccine này.
Trong một diễn biến khác, Malaysia sẽ nhận được 1 triệu liều vaccine của hãng Pfizer do Mỹ hỗ trợ vào ngày 5/7. Trong tuyên bố ngày 4/7, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho biết số vaccine này sẽ giúp hỗ trợ tiến trình tiêm chủng của Malaysia cũng như thúc đẩy Chương trình Tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 mà Malaysia đang triển khai.