Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Việt Nam ngày 3/1 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 15.900 ca mắc mới và 190 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, đều là các ca nhập cảnh.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, song số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/1 ghi nhận thêm trên 2.900 ca bệnh mới và 18 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 6 bệnh nhân mới và chỉ có 1 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới đang trên đà giảm những cũng vượt 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 11 người.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Du lịch Campuchia phục hồi bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron
Sự hồi phục của ngành du lịch Campuchia không có dấu hiệu chậm lại cho dù có sự xuất hiện của biến thể Omicron. Việc người dân háo hức đi du lịch chào đón Năm mới 2022 đã giúp ngành "công nghiệp không khói" của nước này khởi sắc.
Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) dẫn số liệu của Bộ Du lịch nước này cho hay trong dịp nghỉ lễ đón Năm mới 2022 cuối tuần qua có tổng cộng 1.145.141 người đi du lịch tại Campuchia, trong đó có 5.754 du khách nước ngoài, tăng 63,65% so với cùng thời điểm trước đó một năm với Siem Reap và Phnom Penh là các địa điểm thu hút nhiều du khách nhất.
Sau khi Campuchia tuyên bố kết thúc “Sự cố cộng đồng ngày 20/2” làm bùng phát làn sóng lây nhiễm đại dịch COVID-19 lần thứ ba kéo dài hơn 10 tháng qua, chính quyền thủ đô Phnom Penh và các tỉnh đã tổ chức lại các hoạt động cộng đồng, bao gồm cả hòa nhạc để chào mừng Năm mới 2022 và thu hút du khách. Tại Phnom Penh, theo thống kê sơ bộ của chính quyền thành phố, hơn 360.000 người đã tới thăm các điểm du lịch chính của thủ đô như Koh Pich, khu bờ sông đối diện Cung điện Hoàng gia, khu Chroy Changvar, Sân vận động quốc gia...
Trong khi đó, những lo ngại do biến thể Omicron xâm nhập từ lao động di cư Campuchia ở Thái Lan trở về nước đã dịu đi khi không còn phát hiện các ca nhiễm biến thể này. Với tỷ lệ tiêm chủng tại Campuchia đạt mức cao, những lao động trên hiện đã có thể quay lại Thái Lan để làm việc.
Chính phủ Indonesia ngày 3/1 đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, kể cả những người đến từ các quốc gia có nhiều ca mắc biến thể Omicron.
Trước đó, công dân Indonesia và du khách quốc tế đến từ các quốc gia có nhiều ca mắc Omicron phải cách ly 14 ngày, trong khi những người còn lại phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc 10 ngày.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết thời gian cách ly 14 ngày sẽ được rút ngắn xuống 10 ngày, trong khi thời gian cách ly 10 ngày chỉ còn 7 ngày. Bộ trưởng cao cấp này nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ không miễn cách ly đối với du khách quốc tế và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đã được Bộ trưởng Nội vụ ban hành. Ông Luhut cũng kêu gọi công chúng duy trì kỷ luật như đeo khẩu trang, tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đồng thời tuân thủ các quy trình y tế. Theo ông Luhut, mặc dù số ca mắc biến thể Omicron đang tăng song sự chuẩn bị của Indonesia – như vaccine, thuốc điều trị, các bệnh viện và nhân viên y tế - hiện đã tốt hơn so với hồi tháng 6/2021.
Cho tới nay, Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 đã thiết lập nhiều địa điểm cách ly cho 9 điểm nhập cảnh gồm Jakarta, Surabaya (tỉnh Đông Java), Manado (tỉnh Bắc Sulawesi), Nunukan (tỉnh Bắc Kalimantan), Batam và Tanjung Pinang (tỉnh Quần đảo Riau), Entikong và Aruk (tỉnh Tây Kalimantan), và Motaain Hamlet (tỉnh Đông Nusa Tenggara).
Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào đang giảm
Bộ Y tế Lào ngày 3/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 665 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 11 ca tử vong do COVID-19.
Bộ Y tế Lào cho hay số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm. Đáng chú ý, sau nhiều tháng liên tục ghi nhận ở mức 3 chữ số, số ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức 2 chữ số với 88 ca trong một ngày. Ngoài ra, tỉnh Oudomxay đã vượt qua thủ đô Viêng Chăn và đứng đầu cả nước với 173 ca cộng đồng trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 113.432 ca, trong đó có 391 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng, đồng thời chuẩn bị đội ngũ y tế, tình nguyện, phương tiện và thiết bị, ngân sách cho hoạt động tiêm chủng ở cả đô thị và nông thôn.
Trong một diễn biến liên quan khác, Lào vừa nhận bàn giao 799.110 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua Chương trình tiếp cận vaccine công bằng COVAX nhằm giúp nước này thúc đẩy chương trình tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra. Dự kiến, lô vaccine mới này sẽ được sử dụng để triển khai tiếp chương trình tiêm chủng quốc gia cho các nhóm đối tượng trên 12 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền và thai phụ.