COVID-19 tại ASEAN hết 30/4: Singapore xuất hiện 2 ổ dịch nguy cơ cao; Dịch bệnh nghiêm trọng ở Lào, Campuchia

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.610 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 67.830 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 17 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/4 ghi nhận thêm 1.583 ca bệnh mới và có tới 15 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 761 bệnh nhân mới và 2 ca tử vong trong ngày 30/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 67.837 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 307 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.403.243 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.085.046 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 30/4:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,668,368 +5,500 45,521 +187 1,522,634
Philippines 1,037,460 +8,748 17,234 +89 946,318
Malaysia 408,713 +3,788 1,506 +14 377,980
Myanmar 142,817 +17 3,209   131,966
Thái Lan 65,153 +1,583 203 +15 36,254
Singapore 61,145 +24 30   60,751
Campuchia 13,402 +761 93 +2 5,152
Việt Nam 2,928 +18 35   2,516
Timor-Leste 2,276 +86 3   1,209
Lào 757 +85     51
Brunei 224   3   215
Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại Singapore đang có dấu hiệu bùng phát trở lại sau khi nước này phát hiện 2 ổ dịch mới, trong đó có một số ca lây nhiễm có lịch trình đi lại khá phức tạp khiến nguy cơ lây lan rộng là rất cao.

Ổ dịch thứ nhất liên quan tới bệnh viện Tan Tock Seng, sau khi một y tá được phát hiện nhiễm COVID-19 và tới nay đã có thêm 13 người khác được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 (gồm 2 bác sỹ, 1 y tá, 1 nhân viên và 8 bệnh nhân). Đáng nói, cả 4 cán bộ của bệnh viện đều đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, ổ dịch thứ hai liên quan tới một nhân viên Cơ quan Kiểm soát Nhập cư (ICA) làm việc tại Nhà ga số 1 ở sân bay Changi. Hiện đã có 7 thành viên trong gia đình của nhân viên này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Các cơ quan chức năng đã cách ly 32 nhân viên tại sân bay Changi và đang tiến hành xét nghiệm cho khoảng 100 người có tiếp xúc gần.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 30/4, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cảnh báo sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới liên quan tới bệnh viện Tan Tock Seng trong những ngày tới. Bệnh viện này hiện có 4.500 nhân viên và 1.100 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Một phần bệnh viện đã được phong tỏa để ngăn ngừa dịch lan rộng.

Như vậy, chỉ trong 3 ngày qua, Singapore đã có 28 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 54 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm tới nay lên 61.145 ca. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại, Singapore đã siết chặt lại một số quy định giãn cách xã hội sau khi đã nới lỏng một phần trong thời gian qua.

Theo đó, từ ngày 1-14/5, Singapore sẽ giảm lượng người tới các trung tâm mua sắm. Một số khu mua sắm sầm uất như Lucky Plaza và Peninsula Plaza sẽ áp dụng quy định ngày chẵn lẻ theo số chứng minh thư. Các điểm cắm trại, nướng BBQ ngoài trời sẽ phải đóng cửa, trong khi các điểm du lịch giảm công suất phục vụ xuống 50%.

Lực lượng đặc trách về COVID-19 của Singapore kêu gọi người dân chỉ nên tới 2 địa điểm mỗi ngày, dù là nơi công cộng hay thăm gia đình khác. Các công ty được khuyến cáo để nhân viên làm việc tại nhà và các cơ quan công quyền sẽ đi đầu trong lĩnh vực này, nhất là Bộ Nội vụ và Cơ quan thuế (IRAS) có trụ sở gần bệnh viện Tan Tock Seng.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Luang Prabang, Lào, ngày 27/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Lào chiều 30/4 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 85 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 7/18 tỉnh thành trên cả nước. Tất cả đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong số 85 ca mới ghi nhận này, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch với 69 ca, tiếp đến à tỉnh Bokeo 7 ca, tỉnh Savannakhet 3 ca... Sau khi tăng vọt lên mức ba con số vào ngày 26/4, trong 4 ngày qua Lào chỉ ghi nhận số ca mắc mới ở mức 2 con số, cho thấy các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ cùng sự tuân thủ của người dân đã bước đầu đem lại hiệu quả, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường.

Tính tới chiều 30/4, Lào đã có 15/18 tỉnh thành có ca mắc COVID-19, trong đó có 8 tỉnh tiếp giáp với 9 tỉnh của Việt Nam gồm Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh,  Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Hiện toàn bộ 18/18 tỉnh thành của Lào vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa cho tới ít nhất là ngày 5/5.

Trước bối cảnh xuất hiện những ca dương tính trong cộng đồng người Việt tại Lào, Đại sứ quán Việt Nam vừa tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Lào tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như không rời khỏi nơi cư trú trừ khi thật cần thiết, tự giác khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng Lào trong việc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 khi được yêu cầu… Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 757 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 709 ca được phát hiện trong tháng 4 và phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

COVID-19 tại ASEAN hết 29/4: Số ca mắc mới ở Campuchia cao choáng váng; Các nước tăng cường phòng dịch
COVID-19 tại ASEAN hết 29/4: Số ca mắc mới ở Campuchia cao choáng váng; Các nước tăng cường phòng dịch

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 29/4, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 20.340 ca mắc COVID-19 và 360 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.382.582 ca, trong đó 67.537 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN