Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.531 ca mắc COVID-19 và 227 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.306.098 trường hợp và 66.304 ca tử vong. Toàn khối có 2.885.816 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 109 ca. Indonesia ghi nhận 94 ca tử vong, Malaysia thêm 10 ca, Thái Lan thêm 11 ca và Campuchia ghi nhận 3 ca tử vong mới.
Với 4.402 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.641.194 ca bệnh và 44.594 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca tử vong mới xuống dưới ngưỡng 10.000 nhưng vẫn ở mức cao nhất khu vực, với 8.162 trường hợp. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 997.523 ca bệnh, trong đó có 16.783 ca tử vong và 903.665 ca bình phục.
Dịch bệnh đang diễn biến rất "nóng" tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới đang vượt xa ngưỡng 2.000 người/ngày. Ngày 25/4, nước này ghi nhận 2.438 ca nhiễm mới, đưa tổng ca bệnh vượt ngưỡng 55.000 ca.
Tình hình dịch tại Campuchia vẫn đáng ngại với 616 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong. Trong khi đó, dịch cũng bắt đầu lây lan nghiêm trọng ở Timor Leste và Lào, với lần lượt mỗi nước 89 và 76 ca nhiễm mới.
Campuchia: Dịch bệnh lây lan tại 22/25 tỉnh thành
Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh. Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25/4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp. Toàn bộ 616 ca nhiễm mới đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, gồm công dân Campuchia và Trung Quốc sống tại các tỉnh Kampong Speu, Koh Kong, Kampong Chnang, Kandal, Kampong Thom, Mondulkiri, Svay Rieng, Prey Veng, Takeo, Sihanoukville và thủ đô Phnom Penh.
Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 9.975 bệnh nhân COVID-19, bao gồm 74 ca tử vong.
Trong một diễn biến được đánh giá là bất ngờ, ngày 25/4, Chính phủ Campuchia ra thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh và mở cửa trở lại những điểm du lịch trên khắp cả nước, ngoại trừ Phnom Penh và tỉnh Kandal tiếp giáp thủ đô vẫn trong tình trạng phong tỏa vì vẫn được coi là “Vùng đỏ” có tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 nghiêm trọng.
Trước đó, lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh được Chính phủ Campuchia ban bố từ ngày 6/4 trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Về tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ Lao động Campuchia thông báo kế hoạch tiêm mũi thứ hai cho các công nhân ngành dệt may, được bắt đầu từ ngày 25/4 đến 6/5. Người phát ngôn Bộ Lao động Campuchia, ông Heng Sour kêu gọi những công nhân đang chờ tiêm mũi thứ hai nên kiên nhẫn chờ đến lượt và tuân thủ triệt để sắc lệnh về phong tỏa Phnom Penh. Chiến dịch tiêm chủng mũi đầu tiên cho công nhân các nhà máy Campuchia được bắt đầu từ ngày 7/4, với một số khu vực được ưu tiên.
Ca tử vong lên 2 con số, Thái Lan cấm nhập cảnh từ Ấn Độ
Ngày 25/4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì đại dịch COVID-19 theo ngày ở mức hai con số, trong khi số ca mắc mới trong 24 giờ qua vẫn vượt ngưỡng 2.000 người.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo ghi nhận thêm 2.438 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số các ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 55.460 ca. CCSA cũng ghi nhận 11 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì COVID-19 lên 140 bệnh nhân.
Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức cao kỷ lục là 2.839 ca. Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các tỉnh trưởng có thể đóng cửa các địa điểm công cộng và áp đặt lệnh giới nghiêm nếu cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cùng ngày, Thái Lan đã thông báo lệnh cấm người nước ngoài từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm như công viên, phòng tập thể dục thể thao, rạp chiếu phim và trung tâm và nhà trẻ từ ngày 26/4 đến hết ngày 9/5. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa song Hiệp hội Các nhà bán lẻ Thái Lan đã giới hạn giờ mở cửa tại Bangkok, cũng như tại 17 tỉnh khác.
Năm ngoái, Thái Lan đã duy trì số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, một đợt bùng phát dịch mới, một phần do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh với tốc độ lây lan cao, đã khiến hơn 24.000 người mắc và 46 người tử vong chỉ trong 25 ngày. Những số liệu này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt giường bệnh, đặc biệt khi chính sách của chính phủ là các bệnh viện tiếp nhận mọi trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, kể cả những ca không có triệu chứng.
Giới chức y tế khẳng định hiện vẫn còn hơn 20.000 giường bệnh có sẵn trên toàn quốc. Để đảm bảo đủ giường bệnh, Thủ tướng Chan-o-cha cho biết giới chức y tế đang xem xét giảm thời gian cách ly đối với các trường hợp không có triệu chứng từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, với 4 ngày còn lại phải tự cách ly tại nhà.
Hàng nghìn ca nhiễm mới tại Philippines, Indonesia và Malaysia
Philippines, Indonesia và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca lây nhiễm mới trong ngày 25/4, cho thấy diễn biến dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á này vẫn rất phức tạp.
Ngày 25/4, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại đây lên 997.523 người. Đây là ngày thứ bảy liên tiếp, Philippines ghi nhận số ca mắc mới dưới 10.000 ca/ngày, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn ở mức ca.
Trong tuần tới, lực lượng chống COVID-19 liên ngành của Philippines sẽ đưa ra quyết định về gia hạn hay nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô Manila cùng 4 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dự kiến, lệnh phong tỏa phòng dịch sẽ kết thúc vào ngày 30/4.
Tại Indonesia, số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 4.402 ca chỉ trong 1 ngày, nâng tổng số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 1.641.194. Thủ đô Jakarta vẫn là tâm dịch với 896 ca nhiễm mới, tiếp sau là West Java 683 ca, Riau 404 ca, Bangka Belitung 263 ca và Central Java 247 ca. Số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này là 44.594 người sau khi ghi nhận thêm 90 ca trong 24 giờ qua.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết ghi nhận thêm 2.690 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 2.680 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 10 ca tử vong do COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia có tổng cộng 392.942 ca nhiễm và 1.436 ca tử vong do COVID-19.