COVID-19 tại ASEAN hết 22/9: Indonesia ca tử vong tăng kỷ lục, Myanmar phong toả Yangon

Ngày 22/9, các nước ASEAN ghi nhận thêm 6.134 ca mắc COVID-19 mới và tổng số ca tử vong hiện đã lên trên 15.200 người. Myanmar đã phải phong toả cố đô Yangon, trong khi Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 22/9, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 624.217 ca mắc COVID-19 trong đó có 6.134 ca nhiễm mới, 15.240 ca tử vong và 487.945 bệnh nhân đã bình phục.

Cùng ngày, các nước Đông Nam Á ghi nhận thêm 212 ca tử vong, trong đó số ca tử vong theo ngày tại Indonesia lại lập kỷ lục mới. Đây cũng là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch.

Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Tuy nhiên trong ngày 22/9, số ca mắc bệnh mới tại nước này đã giảm tới một nửa so với những ngày trước. 

Trong khi đó, tình hình tại Myanmar vẫn đang báo động với hàng trăm ca bệnh mới mỗi ngày. 

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 22/9/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Indonesia: Số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục 

Ngày 22/9, Indonesia ghi nhận thêm 160 ca tử vong vì bệnh COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 9.837 ca. Đây là nước số ca tử vong do dịch COVID-19 cao nhất tại châu Á, sau Ấn Độ. 

Theo cơ quan ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Indonesia, nước này cũng ghi nhận thêm 4.071 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 252.923 ca.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý III/2020 vẫn ở mức âm trong khoảng từ -1,7% đến -0,6%, đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bước vào giai đoạn suy thoái sau khi hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Indrawati khẳng định tăng trưởng âm sẽ được ghi nhận trong quý III và IV. Trong năm tới, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt 4,5-5,5% với dự báo trung bình là 5%. Tuy nhiên, tất cả điều này còn phụ thuộc vào dự báo về tình hình COVID-19 và cách đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Bà Indrawati cho biết để ứng phó với các tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế, Chính phủ Indonesia đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đặc biệt nhằm duy trì và phục hồi y tế, các điều kiện kinh tế-xã hội của người dân và các doanh nghiệp.

Indonesia cũng triển khai Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia nhằm ngăn chặn đà sụt giảm sâu hơn và khôi phục cung cầu, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và sản xuất. Những động thái này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong quý III và quý IV/2020 nhằm duy trì tăng trưởng dương trong cả năm nay.

Chú thích ảnh
Indonesia hiện có số ca tử vong cao nhất ở Đông Nam Á. Ảnh: EPA-EFE

Philippines: Ca nhiễm mới thấp nhất trong nửa tháng qua

Tổng số ca nhiễm tại Philippines đã tăng lên 291.789 ca sau khi Bộ Y tế ngày 22/9 thông báo có thêm 1.635 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày thấp nhất trong nửa tháng qua. Theo Bộ Y tế Philippines, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 50 người, nâng tổng số lên 5.049 ca. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cho đến khi có vaccine. Ông Duterte cũng kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ở nơi công cộng. 

Chú thích ảnh
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Myanmar phong toả Yangon trong 2 tuần

Theo tờ Straits Times, Chính phủ Myanmar đã quyết định phong toả hầu hết tỉnh Yangon, nơi có thủ phủ là cố đô Yangon lớn nhất đất nước, trong vòng 2 tuần nhằm kiềm chế làn sóng lây lan trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. 

Lệnh ở nhà nghiêm ngặt, có hiệu lực từ ngày 21/9, quy định mỗi hộ gia đình chỉ được phép cho một người ra khỏi nhà để đi chợ. Hoạt động đi lại giữa Yangon và các thành phố khác cũng bị cấm, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu. Trong khi đó các biện pháp mới cũng cấm người dân gặp gỡ, giới hạn phương tiện giao thông tối đa chở 2 hành khách. Ngoài ra, toàn bộ các nhà máy (ngoại trừ doanh nghiệp thiết yếu) phải đóng cửa từ 17/9 đến 7/10.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến COVID-19 ở Yangon. Ảnh: AFP

Các công ty tư nhân, các tổ chức phải yêu cầu nhân viên làm việc từ nhà, viên chức chính phủ được phép làm việc luân phiên, bảo đảm giãn cách.

Myanmar đang phải chạy đua với thời gian để kiểm soát dịch bệnh. Ngày 22/9 nước này ghi nhận 320 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 6.471 trong bối cảnh chỉ còn khoảng 8 tuần nữa là đến ngày tổng tuyển cử.

Malaysia: Doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao vì dịch

Tại Malaysia, kết quả khảo sát mới nhất của Tập đoàn RAM (Malaysia) cho thấy Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại quốc gia Đông Nam Á này trong quý 3/2020 chỉ đạt 33,7 điểm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50 điểm.

Chú thích ảnh
Malaysia chịu nhiều tác động kinh tế do đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Ông Koong Lin Loong, Chủ tịch Ủy ban SMEs trực thuộc Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp người Hoa tại Malaysia (ACCCIM), các SMEs đang gặp phải khó khăn về vòng quay tiền mặt. Doanh thu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn còn cách xa mức trước khi xảy ra đại dịch và nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật điều chỉnh hoạt động để theo kịp những đòi hỏi và xu hướng mới trên thị trường.

Ông Koong Lin Loong cho rằng để giúp các SMEs vượt qua khó khăn, về mặt vĩ mô, chính phủ nên xúc tiến các dự án quy mô lớn, như dự án Bandar Malaysia chẳng hạn, vì điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế, tăng đầu tư nước ngoài và tạo thêm công ăn việc làm. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Chú thích ảnh
Singapore đang dần kiểm soát tốt đại dịch. Ảnh: Straits Times 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, điều quan trọng và thiết thực nhất là chính phủ nên gia hạn các chương trình cho vay ưu đãi. Tập đoàn RAM khuyến nghị Chính phủ Malaysia cần tiếp tục quan tâm đến các SMEs, giúp họ vượt qua những khó khăn hiện nay. Sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ là rất quan trọng bởi SMEs chính là "xương sống" của nền kinh tế Malaysia.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cấp phép vaccine COVID-19 phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn 
Cấp phép vaccine COVID-19 phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn 

Ngày 22/9, EMA - Cơ quan Quản lý Dược phẩm Liên minh châu Âu (EU), cho biết chỉ riêng trong tháng 9, cơ quan này đã làm việc với hơn 30 nhà phát triển vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiềm năng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN