Diễn biến tại các nước có số ca mắc mới cao nhất ASEAN
Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 22/4 là Philippines. Số ca nhiễm đã lên tới 971.049 ca sau khi Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 8.767 ca mới trong ngày 22/4. Bộ trên cũng cho biết thêm có 105 bệnh nhân đã tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 16.370 ca. Vùng thủ đô Manila, nơi có gần 14 triệu dân, vẫn đang là tâm dịch, chiếm hầu hết số ca nhiễm đang phải điều trị và số ca nhiễm mới trong ngày.
Với 6.243 ca mắc mới ngày 22/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia là 1.626.812 ca, trong đó 44.172 ca tử vong. Indonesia có tổng ca mắc và tử vong cao nhất ASEAN.
Tại Malaysia, nước này có thêm 2.875 ca mắc và 7 ca tử vong mới trong ngày 22/4, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 384.688 và 1.407 ca.
Thái Lan thông báo ghi nhận 1.470 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong. Theo người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19, Taweesin Visanuyothin, toàn bộ 1.470 ca nói trên đều lây nhiễm trong cộng đồng, được ghi nhận tại 66 tỉnh, trong đó thủ đô Bangkok nhiều nhất với 446 ca nhiễm mới trong ngày. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 48.113 ca nhiễm và 117 ca tử vong.
Làn sóng lây nhiễm mới, xuất phát từ các điểm vui chơi giải trí tại Bangkok đầu tháng này, đã lan rộng ra hơn 70 tỉnh trên cả nước và làm hơn 10.000 người nhiễm virus SARS-CoV2, trong đó một số nhiễm biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây lan rất nhanh.
Trong khi đó, Campuchia đã ghi nhận 446 ca nhiễm mới, đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó nhiều nhất vẫn là ở thủ đô Phnom Penh. Như vậy, kể từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia có tổng cộng 8.193 ca nhiễm, trong đó 2.924 người đã hồi phục và 59 người tử vong.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (165 ca), Philippines (105 ca), Malaysia (7 ca), Thái Lan (7 ca), Campuchia (5 ca) và Timor-Lester (1 ca).
Số ca nhiễm cộng đồng tại Lào giảm nhưng ngày càng phức tạp
Trong cuộc họp báo chiều 22/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 6 ca nhiễm mới.
Trong số 6 trường hợp nhiễm mới, đáng chú ý là ngoại trừ trường hợp ở Savannakhet về từ Thái Lan và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, cả 4 ca nhiễm ở thủ đô Viêng Chăn và 1 ca ở Bokeo đều là ca lây nhiễm trong cộng đồng và tất cả đều có lịch sử đi lại phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Tỉnh Bokeo đã thông báo tạm ngừng các hoạt động ra vào đường bộ, đường thủy và hàng không giữa các tỉnh và quốc gia láng giềng đang có dịch lây lan trong cộng đồng kể từ ngày 22/4, ngoại trừ trường hợp được cấp phép… Trong khi đó, tỉnh Xayaboury (Bắc Lào) cũng thông báo tạm ngừng hoạt động ra vào tỉnh, hoạt động qua lại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu địa phương đối với cá nhân phổ thông và hàng hóa không quan trọng trong 14 ngày tới, ngoại trừ hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho đời sống người dân như xăng dầu, máy móc, vật liệu phục vụ dự án, xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Tuy nhiên tài xế phải có xác nhận đã tiêm ngừa vaccine COVID-19 đủ 2 mũi và thực hiện đầy đủ quy định phòng ngừa dịch bệnh cho nhà chức trách đề ra.
Singapore điều tra các trường hợp tái nhiễm tại ký túc xá lao động di cư
Bộ Nhân lực Singapore cho biết nước này đang điều tra khả năng tái mắc COVID-19 tại một ký túc xá cho người lao động di cư sau khi các nhà chức trách phát hiện hàng chục ca có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây.
Truyền thông địa phương cho hay hàng trăm cư dân tại ký túc xá Westlite Woodlands đã phải cách ly tập trung sau khi một người lao động ở cơ sở này có kết quả mắc COVID-19 trong cuộc kiểm tra định kỳ ngày 20/4. Người này đã hoàn thành việc tiêm chủng trước đó. Người cùng phòng với bệnh nhân này cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo giới chức Singapore, đã có 10 lao động tại ký túc xá này, vốn trước đó có kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy từng mắc COVID-19, đã bị phát hiện lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cuộc kiểm tra định kỳ. Theo Bộ Nhân lực Singapore, toàn bộ những lao động tái lây nhiễm này đã bị cách ly và các nhà chức trách đang điều tra khả năng bùng phát tình trạng tái lây nhiễm ở cơ sở này.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Singapore đã ghi nhận 60.880 ca mắc, trong đó có 30 ca tử vong. Các ca mắc chủ yếu tập trung tại các khu lưu trú dành cho người lao động nước ngoài thu nhập thấp khiến chính phủ buộc phải phong tỏa những cơ sở này.
Hàng trăm người Campuchia được tiêm phòng tại Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh
Từ ngày 22/4, Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh đã tổ chức hỗ trợ tiêm vaccine cho hàng trăm người Campuchia. Đợt tiêm chủng dự kiến kéo dài trong vòng 7 ngày (từ ngày 22/4) dành cho những công dân Campuchia đã tiêm xong mũi vaccine đầu tiên của hãng Sinopharm (Trung Quốc).
Do lệnh phong tỏa hai tuần (từ ngày 15/4) tại Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô, nhiều người dân Campuchia đã gặp khó khăn trong việc di chuyển tới một số điểm tiêm chủng. Trước tình hình này, chính quyền quận Mean Chey và Bộ Quốc phòng Campuchia đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh hỗ trợ tổ chức tiêm chủng mũi thứ hai cho những người dân Campuchia sinh sống trong khu vực gần bệnh viện.
Tổng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh, Tiến sỹ - Bác sỹ Tôn Thanh Trà cho biết ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ, các y bác sĩ của Bệnh viện đã nhanh chóng tổ chức đầy đủ các công tác hậu cần, kỹ thuật và những biện pháp vệ sinh phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế Campuchia cho đợt tiêm chủng này. Trong ngày 22/4, Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh đã tiêm chủng cho khoảng 700 người dân Campuchia.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô của Campuchia đã cho phép Công ty Virak Buntham chuyển đổi đội xe buýt đang phải ngừng hoạt động thành những “chợ di động” để cung cấp lương thực, thực phẩm với giá hợp lý cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal).
Với quyết định cho phép xe buýt chạy bán hàng trong các khu vực phong tỏa bắt đầu từ ngày 22/4, chính quyền Phnom Penh hy vọng có thể giảm lượng người phải đi chợ, đồng nghĩa với giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch, Bộ Thương mại Campuchia ngày 21/4 cũng đã bắt đầu công tác thiết lập chợ bán hàng trực tuyến cho người dân trong khu vực phong tỏa ở Phnom Penh và Takhmao, bao gồm cả “Vùng Đỏ” – nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và người dân ở đây không được phép ra đường kể cả đi mua thức ăn.
Malaysia cho phép dùng nguồn thu từ dầu mỏ để mua vaccine
Chính phủ Malaysia đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp, cho phép sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt để mua vaccine trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19.
Sắc lệnh đăng trên công báo liên bang của Malaysia cho phép chính phủ nước này sử dụng 17,4 tỷ ringgit (4,23 tỷ USD) trong quỹ tín thác quốc gia để mua vaccine nhằm ứng phó với "bất kỳ dịch bệnh truyền nhiễm nào".
Tháng 1 vừa qua, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, theo đó trao thêm quyền cho chính phủ ban hành các sắc lệnh tạm thời mà không cần quốc hội thông qua.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin hồi tháng 3 đã tăng gần gấp đôi ngân sách dành cho tiêm chủng lên 5 tỷ ringgit, hướng đến mục tiêu tiêm vaccine cho 80% dân số nước này đến tháng 12/2021.
Tính đến ngày 20/4, gần 750.000 người ở Malaysia đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi còn khoảng 462.000 người chờ được tiêm mũi hai. Với gần 382.000 ca mắc COVID-19, Malaysia hiện là quốc gia có số ca mắc cao thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.