COVID-19 tại ASEAN hết 21/10: Ca tử vong mới ở Singapore cao kỷ lục; Ca mắc cộng đồng ở Lào vẫn cao

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 21/10, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 29.772 ca mắc COVID-19 và 583 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 12.896.823 ca, trong đó 274.081 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan ngày 8/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 21/10, Thái Lan đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 9.727 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.821.579 ca.

Quốc gia ghi nhận ca mắc cao thứ hai là Malaysia với 5.516 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.407.382 ca mắc COVID-19. 

Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Philippines với 4.806 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.740.111 ca.

Tiếp đó là Singapore với 3.862 ca, Việt Nam với 3.636 ca, Myanmar với 893 ca, Indonesia với 633 ca, Lào với 392 ca, Brunei với 156 ca và Campuchia với 151 ca.

Về số ca tử vong, cả 10 quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (260 ca), Malaysia (76 ca), Thái Lan (73 ca), Việt Nam (71 ca), Indonesia (43 ca), Myanmar (28 ca), Singapore (18 ca), Campuchia (11 ca), Lào (2 ca) và Brunei (1 ca). 

Singapore ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore . Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/10, giới chức Singapore cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế của nước này rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng. 

Theo Bộ Y tế Singapore, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 18 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay và 3.862 ca mắc mới, thấp hơn chút ít so với mức cao kỷ lục 3.994 ca ghi nhận một ngày trước đó. Đáng chú ý, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã tiêm chủng. 

Phát biểu trước khi nhà chức trách Singapore công bố số ca mắc mới COVID-19 và tử vong, ông Lawrence Wong, đồng điều phối chương trình phòng, chống COVID-19 quốc gia, cho biết gần 90% các giường bệnh cách ly trong hệ thống bệnh viện tại nước này và hơn 70% số giường trong khoa chăm sóc tích cực đã được sử dụng. Quan chức này cho rằng vấn đề hiện nay không chỉ đơn giản là bổ sung giường bệnh hay mua thêm trang thiết bị mà là nhân viên y tế đang quá tải và dần kiệt sức

Các ca nhiễm mới đã gia tăng trong thời gian gần đây tại Singapore sau khi chính phủ nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore không thể kéo dài biện pháp đóng cửa và nước này cần chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" với các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới sang biện pháp tiến cận "sống chung an toàn với COVID-19". 

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ngày 20/10, Chính phủ Singapore thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội tại nước này thêm 1 tháng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và giảm áp lực đối với hệ thống y tế.

Trước đó, cuối tháng 9, Singapore đã tái áp dụng các biện pháp phòng dịch, trong đó có hạn chế tiếp xúc xã hội và giới hạn số người được phép ăn cùng nhau tại các nhà hàng ở mức hai người, để làm giảm tốc độ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này thời gian qua vẫn tiếp tục tăng và đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 3.994 ca vào ngày 19/10.

Số ca lây nhiễm cộng đồng tại Lào vẫn ở mức cao 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21/10, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 392 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có tới 389 ca lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 33.998 trường hợp.

Bộ Y tế Lào cho biết thêm nước này tiếp tục ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, đều là người có bệnh lý nền, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi từ đầu dịch lên 49 người.  

Bộ trên nhận định tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn tuy có chiều hướng giảm, nhưng các ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức 3 con số và đứng đầu cả nước với 158 trường hợp trong một ngày.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh; không tham gia các hoạt động đông người, kể cả lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, nhằm tránh lây lan dịch bệnh, chính quyền các tỉnh của Lào ra thông báo không tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội mãn mùa chay Bun Okphansa (Bun Ọc-phăn-xả).

Ngoài ra, Bộ Y tế Lào cũng thông báo chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang được triển khai tại các trung tâm y tế. Vì vậy, người dân nên chủ động đi tiêm phòng để bảo vệ bản thân và gia đình.

Những tín hiệu tích cực để Campuchia mở cửa kinh tế trở lại  

Chú thích ảnh
Người dân sát khuẩn tay phòng dịch COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 151 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua – mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, trong đó 21 ca nhập cảnh và 130 ca lây nhiễm cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo thêm 11 trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó 7 người chưa tiêm phòng. Như vậy, tính đến nay Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 117.352 ca mắc COVID-19, trong đó 112.056 người đã khỏi bệnh và 2.704 người tử vong.

Các số liệu ca mắc mới mỗi ngày ở mức thấp, số ca tử vong giảm trong khi số người tiêm phòng COVID-19 tăng là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh Campuchia đang tiến tới thời điểm mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, vì đã qua 14 ngày kể từ sau Lễ Pchum Ben số ca mắc mới ở nước này vẫn ổn định, thậm chí giảm so với trước dịp lễ này, đồng thời số ca tử vong giảm xuống dưới 20 ca/ngày.

Campuchia đang từng bước tiến tới cuộc sống bình thường mới, với việc mở đăng ký thị thực điện tử (E-visa) cho nhà đầu tư và khách du lịch, giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, áp dụng hệ thống mã QR mới để kiểm tra thông tin tiêm phòng.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thẻ tiêm phòng COVID-19 của người dân tại một khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời báo Khmer Times, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia (AMCHAM) Anthony Galliano cho biết việc áp dụng trở lại E-visa là dấu hiệu về tiến trình mở cửa sắp tới của Campuchia. 

Cùng ngày, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trên toàn quốc sau khi phải hủy kỳ thi này hồi năm ngoái vì dịch bệnh. 

Người phát ngôn Bộ trên, ông Ros Soveacha, nêu rõ kỳ thi nói trên dự kiến được tổ chức vào ngày 6/12 tới một cách công khai, minh bạch và đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, vào cuối tháng này, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia sẽ nhóm họp để đánh giá lại quá trình học tập của các học sinh lớp 9 và lớp 12 để chuẩn bị cho bài kiểm tra giữa kỳ. 

Các trường học trên cả nước Campuchia bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 15/9 vừa qua khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã có dấu hiệu giảm rõ rệt. Các học sinh được đến trường nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế Campuchia về sử dụng khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn. Riêng tại thủ đô Phnom Penh, có 227 trường trung học - trong đó gồm 68 trường công lập và 159 cơ sở giáo dục tư nhân - đã khai trường từ giữa tháng 9/2021. Khoảng 10.443 giáo viên và nhân viên giáo dục cùng 139.578 học sinh trên địa bàn đã bắt đầu năm học mới sau nhiều tháng chỉ học trực tuyến. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
WHO: Châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới dịch COVID-19 lây lan rộng hơn
WHO: Châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới dịch COVID-19 lây lan rộng hơn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu trong tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN