COVID-19 tại ASEAN hết 19/3: Philippines vượt Indonesia số ca mắc mới; Dịch bùng mạnh ở Timor Leste

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.134 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 56.828 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, Indonesia vẫn là một trong những quốc gia có số ca mắc mới COVID-19 thuộc diện cao nhất châu Á.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày vượt qua Indonesia và nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Timor Leste chứng kiến số ca mắc bệnh tăng vọt.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 10/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch COVID-19.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 19/3 ghi nhận thêm tới 100 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.
 
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 37 bệnh nhân mới trong ngày 19/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 56.828 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 212 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.662.866 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.377.007 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 19/3:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,450,132 +6,279 39,339 +197 1,278,965
Philippines 648,066 +7,103 12,900 +13 561,902
Malaysia 330,042 +1,576 1,225   314,457
Myanmar 142,212   3,204   131,754
Singapore 60,167 +15 30   60,019
Thái Lan 27,594 +100 90 +1 26,450
Việt Nam 2,571 +1 35   2,198
Campuchia 1,578 +37 2 +1 917
Timor-Leste 252 +23     114
Brunei 203   3   186
Lào 49       45
Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trước khi vào một đền thờ Hồi giáo ở Narathiwat, Thái Lan, ngày 29/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay khi Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các quan chức xem xét việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” trong tương lai.

Tuần trước, Ủy ban Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan đã “bật đèn xanh” cho đề xuất cấp giấy phép đi lại có thông tin về tình trạng tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết những người được tiêm hai liều vaccine của Sinovac sẽ là những người đầu tiên nhận được chứng chỉ vaccine. Trong trường hợp họ muốn ra nước ngoài, họ có thể sử dụng giấy này để xin cấp hộ chiếu vaccine có thời hạn một năm hoặc thẻ vàng dưới dạng in hay dưới dạng kỹ thuật số với chi phí là 50 baht (1,62 USD). Tuy nhiên, liệu các nhà chức trách ở các nước khác có chấp nhận chứng chỉ này hay không lại là một vấn đề khác.

Tờ Bangkok Post dẫn lời Phó Giáo sư Wanrudee Isaranuwatchai - Giám đốc Chương trình Can thiệp y tế và đánh giá công nghệ (Hitap), nhận xét trong khi hộ chiếu là giấy thông hành chính thức, các giấy chứng nhận lại bao hàm sự rộng rãi hơn ở chỗ chúng có thể có hoặc không có hiệu lực pháp lý. Những giấy chứng nhận này phải được các cơ quan có liên quan xác nhận trước khi được chấp nhận để sắp xếp việc đi lại.

Hitap - một đơn vị nghiên cứu bán tự chủ thuộc Bộ Y tế Thái Lan, đã nhận được tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Thái Lan để thực hiện dự án “Thành lập sáng kiến nghiên cứu chính sách và hỗ trợ quyết định tiêm chủng COVID-19 ở châu Á (Coresia) và nghiên cứu khu vực về hộ chiếu miễn dịch”.

Đầu tháng này, Thủ tướng Prayut cho biết chưa có kết luận nào đảm bảo hệ thống “hộ chiếu vaccine” sẽ có hiệu lực khi được triển khai ở cấp độ quốc tế. Trong khi đó, cũng có những câu hỏi được nêu ra về tiêu chuẩn cho “hộ chiếu vaccine” do những khác biệt giữa các loại vaccine về hiệu lực và những thay đổi về hiệu quả đối với những biến thể mới.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Surabaya, Indonesia, ngày 3/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đai học Oxford (Anh) bào chế, Indonesia ngày 19/3 quyết định nối lại việc sử dụng vaccine này.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia (BPOM) ngày 19/3 thông báo đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi xem xét kỹ những thông tin vaccine này gây ra hiện tượng đông máu ở một số người được tiêm tại châu Âu. Tuyên bố của BPOM nêu rõ: “Lợi ích của việc vaccine COVID-19 của AstraZeneca lớn hơn rủi ro, vì vậy có thể bắt đâu sử dụng vaccine này”.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hãng thông tấn Lào (KPL) ngày 19/3 đưa tin tính đến ngày 15/3, đã có hơn 40.700 người trên cả nước được tiêm chủng mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.

Hiện chương trình tiêm chủng vaccine của Lào ưu tiên các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cao như lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, nhân viên y tế, nhân viên tại các cơ quan xuất nhập cảnh và lực lượng làm việc tại các cửa khẩu biên giới.

Trước đó, nhật báo Vientiane Times đưa tin nước này chuẩn bị triển khai đợt tiêm chủng thứ 2 từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 tới.

Theo Ủy ban lực lượng đặc nhiệm quốc gia Lào về phòng chống và kiểm soát COVID-19, khoảng 20% dân số nước này, tương đương khoảng 1,6 triệu người, sẽ được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng lên 50% dân số vào năm 2022 và lên 70% vào năm 2023.

Tính đến ngày 19/3, Lào đã ghi nhận 49 ca dương tính với SARS-CoV-2 kể từ phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 24/3/2020.

Tại Campuchia, ngày 19/3, Thủ tướng Hun Sen thông báo Bộ Y tế nước này sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong 15 ngày cho hơn 50.000 người trên 60 tuổi ở tất cả các quận thuộc thủ đô Phnom Penh. Cùng lúc chính phủ quyết định tăng chi tiền mặt cho đợt cứu trợ các hộ dân nghèo bị tác động bởi dịch bệnh.

Do chưa đủ lượng vaccine cho tất cả người dân, toàn bộ các trung tâm cách ly ở Campuchia sẽ tạm ngừng tiêm chủng vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi. Thủ tướng Hun Sen cho biết thêm nước này sẽ tiếp nhận  một lô vaccine Sinovac của Trung Quốc trong ngày 26/3.

Trên phạm vi cả nước, Chính phủ Campuchia tiếp tục mở rộng chương trình cứu trợ bằng tiền mặt cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong giai đoạn dịch COVID-19. Đây là giai đoạn 2 trong đợt cứu trợ thứ tư do Bộ Công tác xã hội, cựu chiến binh và cải tạo thanh niên thực hiện cho tới đầu tháng 4/2021.

Tính từ tháng 6/2020, cơ quan này đã giải ngân hơn 230 triệu USD hỗ trợ 680.000 hộ gia đình nghèo và bị tác động bởi đại dịch. Vụ trưởng vụ Phúc lợi xã hội thuộc Bộ này, ông Chhour Sopanha cho biết vì tình hình dịch kéo dài tại Campuchia, chính phủ quyết định cung cấp thêm tiền mặt cho đợt cứu trợ từ ngày 25/3 đến 24/4/2021.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 18/3: Cả khối có 13.219 ca bệnh mới; Ca mắc ở Philippines vượt quá mức đỉnh năm 2020
COVID-19 tại ASEAN hết 18/3: Cả khối có 13.219 ca bệnh mới; Ca mắc ở Philippines vượt quá mức đỉnh năm 2020

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 18/3, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 13.219 ca mắc COVID-19 và 252 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.647.718 ca, trong đó 56.613 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN