COVID-19 tại ASEAN hết 19/12: Thái Lan ca nhiễm cộng đồng cao nhất 7 tháng; Malaysia đối mặt ổ dịch y tế

Trong ngày 19/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 11.400 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng thêm 208 trường hợp. Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng cao nhất trong 7 tháng qua, trong khi Malaysia phải xử lý các ổ nhiễm lớn trong đội ngũ y tế.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang đi qua cây thông Noel ở Malnia ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.436 ca mắc bệnh COVID-19 và 208 ca tử vong so với 1 ngày trước.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.387.606 ca mắc COVID-19 trong đó có 31.554 ca tử vong và 1.191.824 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 7.700 ca nhiễm mới và 145 ca tử vong mới, Indonesia đang chứng kiến dịch lây lan căng thẳng hơn. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong. 

Ngày 19/12, hai quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines và Myanmar. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức gần 1.500 ca/ngày, trong khi tình hình lây nhiễm mới tại Malaysia đang đứng thứ hai khu vực với 1.153 ca. Cùng ngày, số ca nhiễm mới tại Myanmar đã giảm xuống mức 3 con số, với 989 trường hợp.

Trong 24 giờ qua,  khu vực ASEAN có 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới, trong khi Campuchia, Timor Leste, Lào và Brunei không có thêm ca bệnh COVID-19 nào.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 19/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Ổ dịch cộng đồng mới ở Thái Lan xảy ra tại một chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon. Ảnh; EPA-EFE

Thái Lan tăng vọt ca lây nhiễm địa phương 

Thái Lan ghi nhận ngày có số ca lây nhiễm cộng đồng cao nhất trong hơn 7 tháng qua, với 9 ca trong ngày 19/12, nâng tổng số ca bệnh lên 4.331, trong đó có 60 ca tử vong và 4.024 người đã hồi phục.

Toàn bộ số ca lây nhiễm mới nói trên đều liên quan đến một chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon, gần Bangkok, nơi trước đó ngày 18/12 đã ghi nhận 4 ca nhiễm cộng đồng. 

Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm COVID-19 Taweesin Wisanuyothin cho biết đến hiện tại Thái Lan vẫn không cần áp dụng lệnh phong toả, nhưng các bước siết chặt phòng dịch sẽ được tính đến nếu các ca lây nhiễm cộng đồng vẫn tăng. 

"Nếu số ca lây nhiễm không giảm trong ngày mai, ngày kia và trở thành một cụm lây nhiễm không rõ nguồn gốc, chúng tôi sẽ lựa chọn các biện pháp từ nhẹ đến nặng để xử lý", ông Wisanuyothin tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 19/12.

Hôm 18/12, Thái Lan đã nới lỏng thêm các hạn chế nhằm cho phép thêm khách du lịch nước ngoài trở lại. Chính phủ dự đoán Thái Lan sẽ đón khoảng 8 triệu du khách quốc tế trong năm 2021, so với dự kiến 6,7 triệu khách trong năm nay. Năm 2019, có tới gần 40 triệu du khách quốc tế tới Thái Lan.

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Thái Lan không cấm người dân dự các sự kiện mừng Năm mới, nhưng yêu cầu tuân thủ giao thức phòng dịch. Ảnh: EPA-EFE

Malaysia đối mặt ổ dịch trong nhân viên y tế

Các bệnh viện lớn ở Malaysia đang đối mặt với những ổ dịch COVID-19 trong các nhân viên y tế trong bối cảnh nước này vừa ghi nhận con số kỷ lục tới trên 15.000 ca nhiễm trong ngày 18/12.

Trong những tuần gần đây, bệnh viện Đa khoa Klang và Serdang, hai bệnh viện lớn tại bang đông dần và thịnh vượng nhất Malaysia, Selangor, đã xảy ra ổ dịch bùng phát trong các nhân viên của mình. Bệnh viện tại Klang chứng kiến hơn 50 nhân viên nhiễm virus, trong khi bệnh viện Serdang có 29 ca.

Bệnh viện Sungai Buloh, một cơ sở y tế then chốt khác trong điều trị bệnh nhân COVID, cũng báo cáo có 15 ca lây nhiễm trong nhân viên.

Hôm 18/12, Bộ Y tế Malaysia xác nhận có tổng cộng 1.359 ca lây nhiễm được ghi nhận trong các nhân viên y tế, kể từ khi làn sóng dịch thứ ba bắt đầu vào cuối tháng 9. Chỉ trong ngày 18/12, nước này đã có thêm 43 ca lây nhiễm trong nhân viên y tế.

Trên toàn quốc, tới hết ngày 19/12, Malaysia ghi nhận thêm 1.153 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 91.969 ca, trong đó bao gồm 433 ca tử vong và 76.242 trường hợp đã hồi phục. 

Chú thích ảnh
Indonesia sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân. Ảnh: dnaindia.com

Trước đó, ngày 18/12, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết các thành viên nội các đã nhất trí nới lỏng các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động hội họp, hội thảo, triển lãm, du lịch, triển lãm văn hóa cũng như tham quan các công viên chủ đề, các trung tâm giải trí gia đình và các khu vui chơi trong nhà. 

Cùng với đó, Chính phủ Malaysia cũng nhất trí về mặt nguyên tắc cho phép các hoạt động thể thao và giải trí, bao gồm các môn thể thao dưới nước. Đáng chú ý, tại các khu vực đang thực hiện Lệnh Kiểm soát đi lại có điều kiện (CMCO) và Kiểm soát đi lại phục hồi (RMCO), các hoạt động quần chúng có sự tham gia của hơn 500 người sẽ vẫn không được phép tổ chức.

Campuchia: Kiểm soát được COVID, kinh tế phục hồi tới 4% năm 2021

Ngân hàng Thế giới (WB) giữa tuần này đã công bố cập nhật kinh tế mới nhất hai lần mỗi năm về Campuchia, theo đó nền kinh tế này dự kiến giảm 2% năm 2020, nhưng sẽ phục hồi với mức tăng 4% trong năm 2021.

Trong báo cáo có tựa đề “Sự phục hồi dè dặt”, WB cho rằng khi các biện pháp giãn cách xã hội giảm bớt, hoạt động kinh tế trong nước của Campuchia sẽ từng bước trở lại bình thường. Tiêu dùng sẽ được hỗ trợ một phần nhờ các biện pháp can thiệp chưa từng có trong tiền lệ của chính phủ, trong khi lạm phát vẫn kiềm chế được. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án phi dệt may và nông nghiệp đang gia tăng nhờ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Campuchia ký với một số đối tác.

Chú thích ảnh
Người dân Campuchia đeo khẩu trang và kính chắn phòng dịch. Ảnh: Straits Times

Mặc dù tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu xe đạp, thiết bị điện và phụ tùng ô tô vẫn tăng trong khi xuất khẩu gạo và nông sản cũng nhiều hơn. Khách du lịch nội địa đang góp phần vào sự phục hồi của ngành du lịch và lữ hành Campuchia.

Theo Giám đốc quốc gia của WB tại Campuchia Inguna Dobraja, vẫn còn nhiều bất ổn đối với triển vọng tăng trưởng của Campuchia. Mục tiêu chính sách quan trọng nhất đối với nước này là phải nhanh chóng khôi phục việc làm đã mất hoặc bị gián đoạn cho đại dịch COVID-19. Trước mắt khi đầu tư trong và ngoài nước được khuyến khích nhờ các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, Campuchia nên đẩy nhanh đưa vào thực hiện luật đầu tư cạnh canh và cơ chế khuyến khích đầu tư, cùng với đó là cải thiện điều kiện kinh doanh.

Để giúp nền kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch COVID-19, WB khuyến nghị Campuchia thúc đẩy đầu tư công hướng vào tăng trưởng và vì người nghèo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực có thể tạo thêm nhiều việc làm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 9/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore kêu gọi nới hạn chế với công nhân nhập cư

Theo Straits Times, người dân Singapore đang kêu gọi chính phủ nới lỏng các hạn chế với lao động nhập cư trong bối cảnh nước này đang đạt những tiến bộ hướng tới giai đoạn 3 của tái mở cửa. 

Theo Tiến sĩ Tan See Leng, Thứ trưởng Bộ Nguồn Nhân lực, giai đoạn 3 của tái mở cửa tại Singapore, dự kiến bắt đầu vào ngày 28/12, sẽ không phải đồng nghĩa với trở lại trạng thái như trước khi có dịch COVID. Ông Tan lưu ý, bây giờ không phải là lúc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát và rủi ro tái bùng phát dịch trong lao động nhân cư là "thực tế và đáng kể".

Trong số các hạn chế sẽ được nới lỏng trong giai đoạn 3, người dân sẽ được tụ tập xã hội theo nhóm tối đa 8 người, tăng so với 5 người trước đây. Các trung tâm mua sắm, tiệc cưới cũng được nới số lượng người có mặt. 

Có tới 47% lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá công nhân đã bị nhiễm COVID-19, và hơn một nửa trong số họ hiện vẫn chưa khỏi bệnh hoặc trong tình trạng dễ tổn thương.

Để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, Chính phủ Singapore đang xây dựng nhiều ký túc xá mới, được nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn và đã đón nhiều công nhân nhập cư chuyển tới ở từ tháng 10.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia, ngày 30/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia chuyển hướng gói kích thích sang chương trình tiêm chủng

Chính phủ Indonesia  đang có kế hoạch tái phân bổ một số quỹ kích thích còn lại của năm nay để chi trả cho chương trình tiêm chủng toàn dân ngừa dịch COVID-19 vào năm 2021.

Tổng thống Joko Widodo cũng đã công bố chính phủ nước này sẽ cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân vào năm 2021, đồng thời yêu cầu các thành viên nội các ưu tiên cho nỗ lực tiêm chủng vào năm tới.

Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ nhận được 246,6 triệu liều vaccine. Quốc gia này đã tiến hành đàm phán với Pfizer, AstraZeneca, chương trình vaccine toàn cầu COVAX và công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc. Jakarta đã đặt hàng khoảng 143 triệu liều vaccine của Sinovac dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine Sinovac vẫn chưa được xác nhận và còn đang phải chờ kết quả thử nghiệm thêm.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận trên 76,1 triệu ca mắc, 1,68 triệu ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận trên 76,1 triệu ca mắc, 1,68 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 19/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 76.143.682 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.684.060 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 53.430.358 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN