COVID-19 tại ASEAN hết 19/10: Singapore 'đi ngược' xu thế; Campuchia đủ cơ sở mở cửa lại hoàn toàn

Trong ngày 19/10, các nước ASEAN ghi nhận trên 27.000 ca nhiễm mới, 524 ca tử vong. Đường cong dịch tại Singapore tiếp tục lên dốc thẳng khi số ca nhiễm mới tăng vọt, trong khi Campuchia khống chế dịch ổn định, sẵn sàng mở cửa lại hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 28.676 ca mắc mới COVID-19 và 523 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 12.854.467 trường hợp và 272.033 ca tử vong. Toàn khối có 12.128.489 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tổng số ca mắc mới đã lùi về dưới ngưỡng 30.000 ca/ngày trong những ngày gần đây; ca tử vong mới cũng giảm mạnh ở những quốc gia từng là điểm nóng như Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam.

Là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng Singapore đang chứng kiến diễn biến "đi ngược" xu thế chung khi ca mắc và tử vong tăng khá mạnh, với gần 4.000 ca nhiễm trong ngày 19/10. Mặc dù vậy, đây là diễn biến mà Singapore đã tính toán và chấp nhận khi thực hiện "sống chung với COVID-19".

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 10 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines báo cáo 211 ca; Việt Nam ghi nhận 75 ca; Malaysia 72 ca; Thái Lan thêm 63 ca; Indonesia ghi nhận 50 ca tử vong mới; Myanmar thêm 29 ca; Campuchia 12 ca, Singapore 6 ca và Lào thêm 2 ca tử vong, Brunei 3 ca. 

Chú thích ảnh
Là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, Singapore đang thực hiện "sống chung với COVID-19", và chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng khá mạnh. 
 

Với 10.111 ca nhiễm trong ngày 19/10, Thái Lan đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.793.812 ca, bao gồm 18.388 ca tử vong.

Malaysia đứng thứ hai với 5.745 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.401.866 trường hợp, bao gồm 27.993 ca tử vong. Philippines cùng ngày ghi nhận 4.496 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 2.731.735. 

Indonesia chỉ ghi nhận 903 ca nhiễm trong ngày, nhưng nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.236.287 trường hợp và 143.049 ca tử vong. Trong khi số ca nhiễm mới ở Campuchia ổn định theo xu hướng giảm dần, xuống dưới 200 ca.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Thành phố Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore: Ca bệnh tăng gây áp lực lên các bệnh viện

Theo Straits Times, Bộ Y tế Singapore ngày 19/10 cho biết, số lượng bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) tiếp tục tăng, khiến các bệnh viện chịu áp lực và căng thẳng đáng kể.

Bộ Y tế Singapore cho biết trong tuần qua, họ đã quan sát thấy sự gia tăng mức độ hoạt động, bao gồm số lượng khách tiếp cập cao hơn ở tất cả các trung tâm mua sắm, lượng khách lớn hơn ở khu vực Orchard Road và lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng nhẹ.

Cơ quan này cho biết: "Đáng tiếc, số lượng người trên 60 tuổi không được tiêm phòng và người nhiễm bệnh đã tăng trong vài ngày qua, lên đến hơn 100 người một ngày. Họ có nguy cơ bị ốm rất nặng. Số lượng người cần chăm sóc ICU tiếp tục tăng, và điều này đã khiến các bệnh viện của chúng tôi chịu áp lực và căng thẳng đáng kể."

Bộ Y tế Singapore kêu gọi mọi người, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền, rủi ro cao, cần hạn chế các hoạt động xã hội và chỉ ra ngoài vì các hoạt động thiết yếu.

Cùng ngày 19/10, 7 người Singapore, từ 57 đến 90 tuổi, đã tử vong vì các biến chứng liên quan đến COVID-19, nâng số người chết lên 246.

Chú thích ảnh
Nhân viên sân bay tại khu vực ga quốc tế của sân bay Ngurah Rai trên đảo Bali, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia đủ cơ sở để mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho rằng dịch COVID-19 không bùng phát mạnh dù kỳ nghỉ lễ Pchum Ben ở nước này từ ngày 5-7/10 có một lượng lớn người dân đổ về vùng nông thôn đoàn viên gia đình theo truyền thống, hoặc tập trung ở những điểm du lịch lớn trên khắp cả nước.

Trong bài phát biểu đặc biệt gửi tới người dân cả nước ngày 19/10, Thủ tướng Hun Sen cho biết số ca lây nhiễm mới và tử vong do dịch COVID-19 vẫn ở mức ổn định, thậm chí thấp hơn so với trước kỳ nghỉ lễ Pchum Ben. 

Báo Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Hun Sen đánh giá: “Sau kỳ nghỉ lễ Pchum Ben, khi người dân di chuyển tới rất nhiều nơi, chúng ta thấy rằng số ca nhiễm mới không tăng mà thay vào đó lại giảm, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức ổn định và có xu hướng giảm dần". Theo Thủ tướng Hun Sen, đây là minh chứng cho thành công của Campuchia trước khi mở cửa hoạt động toàn bộ các lĩnh vực của đất nước.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 6/10, Thủ tướng Hun Sen nhận định kỳ nghỉ lễ Pchum Ben năm nay là phép thử để xem xét khả năng Campuchia mở cửa hoàn toàn vào cuối năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài.

Trong diễn biến khác, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Campuchia Tassilo Brinzer cho rằng nước này có thể mở cửa trở lại đất nước cho tất cả du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh cùng các biện pháp khác.

Ngày 19/10, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 11 người tử vong và 175 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 34 ca nhập cảnh và 141 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 117.035 ca mắc, trong đó 111.420 người đã khỏi bệnh và 2.681 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 11/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia đạt nhiều tiến bộ trong kiểm soát đại dịch 

Bộ Y tế Malaysia (MOH) cho biết ngày 19/10 nước này đã ghi nhận 5.745 ca mắc mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, quốc gia trên khống chế được số ca mắc dưới mốc 6.000 ca - mức thấp nhất trong hơn 100 ngày qua.

Trên trang facebook cá nhân, Tổng Thư ký Bộ Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham chia sẻ rằng nhận thức của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và tuân thủ các quy định giãn cách. Điều này góp phần tự bảo vệ bản thân cũng như những người thân trong gia đình.

Trên thực tế, số ca mắc mới COVID-10 tại Malaysia đã liên tục giảm từ ngày 3/10 vừa qua, trong khi tỷ lệ lây nhiễm quốc gia (Rt) giảm xuống còn 0,88 so với thời kỳ đỉnh điểm là 1,4. Tín hiệu tích cực tiếp theo là tỷ lệ khỏi bệnh đạt 92,6% và khoảng 98,2% số ca mắc mới đều có triệu chứng nhẹ, chỉ có 1,8% là triệu chứng nặng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ vaccine đang ngày càng được trải rộng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 95% dân số trưởng thành ở nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng. 78,2% thanh thiếu niên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Song song với đó là tỷ lệ sử dụng giường điều trị tích cực giảm từ hơn 100% xuống còn 65%.

Malaysia dựa trên 3 tiêu chí để xét chuyển giai đoạn trong Kế hoạch phục hồi quốc gia, đó là số ca mắc mới có triệu chứng nghiêm trọng từ mức độ 3 tới mức độ 5 (có triệu chứng từ khó thở đến phải dùng máy trợ thở); tỷ lệ sử dụng giường điều trị tích cực (ICU) và tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng. Để chuyển từ giai đoạn I sang giai đoạn II, số ca nhập viện có triệu chứng nặng chiếm 6,1 người/100.000 dân; từ giai đoạn II sang giai đoạn III, con số này là 3/100.000 dân. Giai đoạn 3 chuyển sang giai đoạn 4 chỉ có 1,3 người/100.000 dân nhập viện hoặc mỗi ngày cả nước chỉ có 400 bệnh nhân nhập viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Surakarta, Trung Java, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào: Ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại

Bộ Y tế Lào ngày 19/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 657 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 656 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 32.971 trường hợp.

Theo Bộ trên, nước này cũng có thêm 5 ca tử vong do COVID-19, đây là con số cao nhất trong một ngày được báo cáo; nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 45 trường hợp. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, Lào đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong và hầu hết đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền và chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 mới tại Lào cũng tăng cao trở lại. Đáng chú ý là tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn sau 2 ngày có chiều hướng giảm thì ngày 19/10 lại ghi nhận số ca cộng đồng ở mức 3 con số và đứng đầu cả nước với 239 trường hợp. Điều này khiến số bản được quy định là vùng đỏ tại thủ đô vẫn ở mức cao với 227 bản tại 7 quận.

Chú thích ảnh
Một tuyến phố bị phong tỏa để phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào yêu cầu các tỉnh, thành tiếp tục tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị kịp thời cho người mắc COVID-19; khẩn trương vệ sinh, khử khuẩn địa điểm làm việc và nơi ở của người nhiễm bệnh, đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm và cách ly theo quy định.

Trong khi đó, để hỗ trợ cho các lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ Lào đã miễn giảm thuế thu nhập, miễn một số loại thuế phí, lệ phí với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho công tác phòng chống đại dịch, cho phép hoãn thời hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp du lịch và khách sạn; đồng thời, có kế hoạch tuyển dụng lao động vừa trở về từ nước ngoài vào các dự án phát triển trong nước để tăng thêm số lượng việc làm cho các lao động đang gặp khó khăn do thất nghiệp.

Trong một diễn biến liên quan khác, chính quyền tỉnh Luang Prabang vừa có thông báo không cho phép tổ chức lễ hội mãn chay và hội thuyền hoa đăng truyền thống trên địa bàn để tránh nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vaccine dồi dào, tại sao Nga lại đối mặt với đợt sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất?
Vaccine dồi dào, tại sao Nga lại đối mặt với đợt sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất?

Nga lần đầu tiên ghi nhận "cột mốc buồn" khi có trên 1.000 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 16/10. Nguy cơ dịch bệnh tại Nga đến từ tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN