Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 79.233 ca mắc mới COVID-19 và 1.584 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 6.127.251 trường hợp và 116.855 ca tử vong. Toàn khối có 5.067.141 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 1.093 ca; Philippines đứng thứ hai với 177 ca; Malaysia ghi nhận 153 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 101 ca, Campuchia ghi nhận 30 ca và Việt Nam bổ sung 29 ca tử vong từ ngày 4-17/7.
Với 44.721 ca nhiễm trong ngày 13/7, Indonesia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.877.476 ca bệnh và 73.582 ca tử vong.
Philippines ghi nhận 5.411 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.507.755, bao gồm 26.714 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 10.710 ca nhiễm mới, liên tiếp vượt ngưỡng 10.000, nâng tổng ca bệnh lên 916.561, trong đó có 7.019 ca tử vong.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 11.397 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 845 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên trên 67.000 người, vượt qua Singapore. Lào có thêm 131 ca nhiễm mới.
Indonesia: Số bác sĩ tử vong do COVID-19 cao kỷ lục
Theo tờ Straits Times, số bác sĩ tử vong vì COVID-19 tại Indonesia đã tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7, theo Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI).
Có tổng cộng 114 bác sĩ đã tử vong từ ngày 1-17/7, con số cao nhất trong bất kỳ khoảng thời gian nào tương tự, và chiếm tới trên 20% trong tổng số 545 bác sĩ đã tử vong vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Giới chức IDI hiện rất lo ngại nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ.
Các ca tử vong ở bác sĩ đã tăng ở Indonesia, bất chấp tỉ lệ tiêm vaccine cho nhóm nhân viên y tế đạt 95%. Điều này đã khiến chính phủ quyết định sử dụng vaccine Moderna, sản xuất theo công nghệ mới mRNA, làm mũi tiêm tăng cường cho những nhân viên y tế đã tiêm vaccine Sinovac, công nghệ truyền thống.
Trước sự tấn công của biến thể Delta, Indonesia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới trong những ngày gần đây. Nước này cũng chỉ xếp thứ hai thế giới, sau Brazil, về số ca tử vong mới.
Thái Lan mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp hạn chế
Ngày 18/7, Chính phủ Thái Lan thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang 3 tỉnh để phòng dịch COVID-19 sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong ngày thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, nhóm điều hành Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan cũng đề xuất các biện pháp phong tỏa bổ sung.
Thông báo trên Công báo Hoàng gia Thái Lan nêu rõ từ ngày 20/7, ba tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và thực hiện lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau.
Từ ngày 12/7 vừa qua, thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác đã thực hiện những biện pháp nêu trên. Đây là những hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng trong hơn 1 năm qua tại Thái Lan, trong bối cảnh nước này đang đối phó với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) Thái Lan Opas Karnkawinpong cho rằng số ca mắc mới và tử vong vì dịch COVID-19 tại Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 3-4 tháng nếu không có bất kỳ biện pháp ngăn chặn bổ sung nào. Theo ông Opas Karnkawinpong, các biện pháp hiện tại phải được tăng cường, đặc biệt là hạn chế đi lại và di chuyển để ngăn chặn sự lây truyền.
Tại cuộc họp ngày 17/7 với sự tham dự của các cơ quan nhà nước và các chuyên gia y tế và sức khỏe, nhóm điều hành CCSA nhất trí rằng các biện pháp cứng rắn hơn cần được áp đặt để hạn chế người dân đi lại và đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh ở vùng Bangkok mở rộng, ngoại trừ vận tải hàng hóa, các cơ sở kinh doanh bán thực phẩm, thuốc men, thiết bị liên lạc và công trình dịch vụ công cộng.
Lào kêu gọi công dân từ Thái Lan về nước theo đường chính ngạch
Bộ Y tế Lào ngày 18/7 thông báo thêm 131 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đó có 8 ca lây nhiễm cộng đồng tại tỉnh Champasak. Số ca mắc mới còn lại đều là người nhập cảnh và được cách ly ngay.
Cũng trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 1 ca tử vong do COVID-19, là một người đàn ông 49 tuổi ở tỉnh Savannakhet. Đại diện Bộ Y tế Lào cho biết bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Thái Lan vào tuần trước nhưng đã về nước điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở tỉnh Savannakhet.
Bộ Y tế Lào tiếp tục bày tỏ quan ngại trước sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta đang khiến dịch diễn biến phức tạp tại nước láng giềng Thái Lan. Đặc biệt, việc áp dụng phong tỏa tại Thái Lan khiến lượng lớn lao động Lào tại quốc gia láng giềng thất nghiệp về nước mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao vào cộng đồng. Trước tình hình trên, Lào tiếp tục kêu gọi lao động Lào làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan về nước thông qua các cửa khẩu chính ngạch để được hỗ trợ nhập cảnh, sàng lọc y tế và cách ly theo quy định.
Liên quan tới chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, Lào thông báo đã tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua sáng kiến COVAX. Khác với các loại vaccine khác, Johnson & Johnson là vaccine tiêm một mũi duy nhất và có thể được bảo quản lạnh ở điều kiện dễ dàng hơn vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Điều này sẽ thuận tiện cho việc vận chuyển và phân phối cho các địa phương ngoài Viêng Chăn, đặc biệt là khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa.
Bước đầu, Chính phủ Lào dự định tiêm số vaccine này cho các nhóm ưu tiên là người trên 60 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên tuyến đầu, sau đó mở rộng ra các nhóm đối tượng khác.
Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 3.426 ca mắc COVID-19 và 5 người tử vong.
Malaysia: Ca tử vong mới cao nhất từ đầu dịch
Bộ Y tế Malaysia ngày 18/7 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 153 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số tử vong do dịch bệnh này lên 7.019 người.
Trong 24 giờ qua Malaysia cũng có thêm 10.710 ca nhiễm mới, trong đó 10.698 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca nhập cảnh. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Malaysia là 916.561.
Trong một phát biểu đưa ra cùng ngày, Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob kêu gọi người dân kiên nhẫn vì dự kiến sẽ mất 4 -5 tháng nữa mới có thể đi lại giữa các bang. Ông nhấn mạnh việc đi lại giữa các bang phải đợi tới khi Malaysia đạt miễn dịch cộng đồng, dự kiến vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới, do đó người dân không nên đi xuyên bang về quê vào dịp lễ hội Hari Raya Haji (trong tháng 7).
Trước đó một ngày, Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên bố những cá nhân đã hoàn thành việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể được hưởng việc nới lỏng các biện pháp, trong đó có cân nhắc cho phép đi xuyên bang và xuyên quận. Ông Ismail Sabri cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị Hội đồng Hồi phục quốc gia (MPN), dự kiến vào tuần tới.
Cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 44.721 ca mắc mới và 1.093 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 2.877.476 và 73,582.
Theo Bộ Y tế Indonesia, số ca mắc mới theo ngày tại Indonesia đã giảm nhẹ so với 51.952 ca ghi nhận 1 ngày trước đó, song số ca tử vong không có nhiều biến động. Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) hy vọng chính phủ sẽ gia hạn và mở rộng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp. Lệnh PPKM được áp dụng từ ngày 3/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 20/7.
Singapore: Ca nhiễm mới cao nhất trong 11 tháng
Bộ Y tế Singapore cũng thông báo ghi nhận thêm 88 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, chủ yếu do số ca nhiễm mới tăng nhanh liên quan đến quán bar, karaoke KTV và cảng cá Jurong. Trong số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, có tới 23 ca liên quan đến "ổ dịch" KTV và 37 ca liên quan đến cảng cá Jurong.
Để phòng ngừa, nhà chức trách Singapore ngày 18/7 đã quyết định đóng các cửa hàng bán cá tươi và hải sản tại tất cả các khu chợ, đồng thời xét nghiệm COVID-19 cho các chủ quầy.
Cũng trong ngày 18/7, Campuchia ghi nhận thêm 845 ca mắc mới, trong đó có 315 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 67.181 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 30 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người không qua khỏi lên 1.106.
Trong khi đó, Thái Lan vừa ra lệnh ngừng các chuyến bay nối Bangkok với các tỉnh có nguy cơ COVID-19 cao, bắt đầu từ ngày 21/7 tới, ngoại trừ các chuyến bay y tế, hạ cánh khẩn cấp và các chuyến bay liên quan đến chương trình mở cửa lại du lịch. Các chuyến bay nội địa khác chỉ được khai thác ở mức 50% công suất.