Trong ngày 18/11, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN. Nước này ghi nhận 6.901 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.044.125 ca.
Tại Malaysia, nước này có thêm 6.288 ca mắc mới, đứng thứ ba ASEAN trong ngày 18/11, sau Việt Nam và Thái Lan. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.563.153 ca mắc COVID-19.
Singapore ghi nhận 3.474 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 244.815 ca mắc.
Tiếp đó là Lào với 1.401 ca mắc mới; Philippines với 1.297 mắc mới; Myanmar với 843 ca mắc mới; Indonesia với 400 ca mắc mới; và Campuchia với 54 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (305 ca), Việt Nam (139 ca), Malaysia (68 ca), Thái Lan (55 ca), Indonesia (11 ca), Singapore (7 ca), Campuchia (6 ca) và Lào (4 ca).
Indonesia thử nghiệm vaccine Sinovac cho liều tăng cường vào đầu năm 2022
Công ty dược phẩm quốc doanh PT Bio Farma của Indonesia cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 để dùng cho liều tăng cường vào đầu năm 2022. Quá trình thử nghiệm này sẽ được hợp tác với công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc.
Trưởng phòng kinh doanh của PT Bio Farma, Erwin Setiawan, ngày 18/11 cho biết việc thử nghiệm lâm sàng nhằm xác định mức độ hiệu quả của loại vaccine này đối với mũi thứ ba nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Ngoài Sinovac, công ty PT Bio Farma cũng đang hợp tác với hãng dược phẩm Sinopharm để nâng cao năng lực sản xuất. Do đó, nếu vaccine của Sinovac và Sinopharm được cấp phép để tiêm liều tiêm tăng cường thì sự sẵn có của vaccine sẽ không phải là trở ngại chính ở Indonesia.
Cũng theo ông Erwin, hiện chưa thể đưa ra bảng giá tiêm vaccine liều tăng cường trong năm tới. Chính phủ Indonesia vẫn đang tính toán mức giá ước tính với Cơ quan giám sát tài chính và phát triển (BPKP). Tuy nhiên, điều chắc chắn là liều tăng cường không được cung cấp miễn phí.
Chính phủ Indonesia sẽ chỉ chịu chi phí vaccine cho những người dân đã đăng ký là người tham gia Chương trình Hỗ trợ đóng góp sức khỏe BPJS (PBI). Ngoài những người tham gia PBI, người dân phải trả tiền để được tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Y tế Indonesia trước đó nhấn mạnh việc triển khai tiêm liều tăng cường cho người dân sẽ chỉ được bắt đầu khi nước này đạt được mục tiêu tiêm chủng quốc gia là 50% dân số tiêm đủ hai liều vaccine.
Số ca mắc COVID-19 tại Lào tiếp tục tăng
Bộ Y tế Lào ngày 18/11 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.401 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Lào đến nay lên tới 58.798 ca. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận tại nước này.
Thông báo cho biết Lào đã liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức 4 chữ số trong 3 ngày qua. Riêng trong ngày 18/11, số ca mắc mới đã tăng 328 ca so với ngày 17/11, trong đó chỉ có 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tại 17 tỉnh, thành. Tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng cũng tiếp tục gia tăng với 534 ca trong một ngày, đứng đầu cả nước, nâng số bản thuộc diện vùng đỏ tăng lên thành 333 bản tại 9 quận. Đáng chú ý, nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng vượt mức 100 ca trong 24 giờ, trong đó có Luang Prabang, Phongsaly, Bokeo… Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế Lào cũng cho hay nước này vừa ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 116 người. Trước tình hình trên, bộ này hiện đang tập trung thúc đẩy chương trình tiêm chủng để sớm đưa đất nước đạt được tỷ lệ phủ vaccine đủ cho việc mở cửa trở lại, theo đó các địa phương được yêu cầu cập nhật danh sách người chưa tiêm vaccine để tiến hành phân bổ và cung cấp vaccine kịp thời.
Trong khi đó, để nỗ lực nhằm sớm mở cửa trở lại đất nước, Chính phủ Lào đang có kế hoạch cho những khách du lịch đã tiêm đủ vaccine được nhập cảnh nước này theo một Đề án có tên gọi là “Vùng
Kế hoạch có thể bắt đầu được triển khai vào tháng 1/2022 tới, theo đó, các “Vùng xanh” dự kiến ban đầu sẽ gồm thủ đô Viêng Chăn, Vang Vieng và Luang Prabang, những nơi có điều kiện an toàn cho du khách và các nhà cung cấp du lịch. Để đáp ứng điều kiện trở thành “Vùng xanh du lịch”, các địa phương phải có từ 70-80% dân số và từ 90-95% nhà cung cấp dịch vụ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Cũng theo kế hoạch này, du khách sẽ được đặt tour trọn gói tại “Vùng Xanh du lịch” nếu có giấy xác nhận nhập cảnh, chứng nhận tiêm chủng ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh, chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và chấp nhận cài đặt ứng dụng giám sát lịch sử đi lại tại Lào. Khách du lịch sẽ được đưa đến khách sạn trên các phương tiện đã được Chương trình LaoSafe phê duyệt trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR, kết quả này sẽ có trong vòng 24 giờ. Nếu kết quả dương tính, khách du lịch sẽ phải thực hiện cách ly trong 3 ngày trước khi được kiểm tra lại. Nếu thời gian cách ly dài hơn 3 ngày, du khách sẽ được hoàn lại các chi phí phát sinh. Khi vào “Vùng Xanh”, du khách phải lưu trú tại các khách sạn đã được Chương trình LaoSafe phê duyệt và xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng.
LaoSafe, một chương trình sức khỏe và vệ sinh dành cho lĩnh vực du lịch và khách sạn, đã được Bộ Y tế và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào thông qua và hiện sẽ được thí điểm tại thủ đô Viêng Chăn. Đây là một bộ các tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh cho các lĩnh vực khác nhau của ngành du lịch và khách sạn, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, cửa hàng ăn uống, hãng hàng không, điểm tham quan du lịch, hướng dẫn viên du lịch và tài xế. Mục tiêu của LaoSafe là cung cấp một tiêu chuẩn thống nhất, phù hợp với các thông lệ quốc tế, nhằm chuẩn hóa các quy chuẩn vệ sinh và sức khỏe trong toàn ngành du lịch, để nâng cao chất lượng, bảo vệ nhân viên cũng như du khách và tạo niềm tin cho du khách khi cân nhắc đến du lịch tại Lào.
Đối với những khách du lịch muốn rời khỏi “Vùng Xanh” để đến các điểm du lịch khác của Lào như tỉnh Khammuan, các huyện Pakxong và Champasak ở tỉnh Champassak, và các tỉnh Xayaboury, Oudomxay và Xieng Khuang, phải sử dụng phương tiện di chuyển và khách sạn đã được LaoSafe chấp thuận.
Campuchia mở cửa trở lại bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát
Chính phủ Campuchia đã cho phép các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát tại các địa phương trên toàn quốc mở cửa đón khách trở lại kể từ ngày 18/11.
Thông báo của Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia cho biết các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát ở các địa phương trên toàn quốc được mở cửa hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy trình hoạt động chuẩn (SOP) do Bộ Văn hóa và Nghệ thuật và Bộ Y tế nước này ban hành, cùng các biện pháp y tế khác.
Trước đó, ngày 28/10, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia đã cho phép mở cửa trở lại các bảo tàng, rạp chiếu phim và phòng triển lãm nghệ thuật trên địa bàn thủ đô Phnom Penh với yêu cầu đảm bảo tuân thủ các quy định trong quy trình hoạt động chuẩn và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Campuchia đang bước vào ngày thứ 18 của giai đoạn bình thường mới với số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở mức thấp. Trong thông cáo ngày 18/11, Bộ Y tế nước này xác nhận 54 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 4 ca nhập cảnh. Đáng lưu ý, trong số 6 ca tử vong được ghi nhận trong ngày, có đến 5 ca là các bệnh nhân chưa tiêm phòng COVID-19. Tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, Campuchia ghi nhận gần 120.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2.800 ca tử vong.
Trong một diễn biến liên quan, trong một thông điệp bằng âm thanh phát đi vào sáng 18/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi người dân quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các thành viên trong gia đình trong mùa Đông sắp tới để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19.