COVID-19 tại ASEAN hết 17/1: Số ca mắc ở Indonesia vượt 900.000; Malaysia diễn biến dịch ngày càng nóng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 17/1, 6 quốc gia ASEAN ghi nhận 16.928 ca mắc COVID-19 và 238 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.774.219 ca, trong đó 39.562 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 7/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia thông báo ghi nhận 11.287 ca mắc mới và 220 ca tử vong trong ngày 17/1, giảm so với mức kỷ lục ngày trước đó nhưng vẫn ở mức cao. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã vượt mốc 900.000 ca, trong đó gần 26.000 ca tử vong. Số ca mắc và tử vong của Indonesia đang cao nhất ASEAN. Xét về tổng số ca mắc, Indonesia đứng thứ 19 thế giới và cao thứ hai châu Á (chỉ sau Iran). 

Malaysia thông báo ghi nhận 3.339 ca mắc mới và 7 ca tử vong trong ngày 17/1. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Malaysia là 158.434 ca, trong đó 601 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Shah Alam, Malaysia, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bang Selangor vẫn dẫn đầu Malaysia với 1.314 ca mắc, tiếp đó là Sabah với 393 ca, Johor với 362 ca. Trong số các ca mới, chỉ có 15 ca là người nhập cảnh, còn lại các ca đều là lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước đó, Malaysia buộc phải tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 13 - 26/1 tại nhiều địa phương do Lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) không thể mang lại hiệu quả mong muốn. MCO sẽ được thực hiện trong 2 tuần (13 - 26/1) và dài nhất là trong 4 tuần.

Trong 2 tuần đầu thực hiện MCO, Malaysia có thể sẽ không thể giảm được số ca nhiễm mới hằng ngày mà chỉ hi vọng tránh được khả năng số ca mắc mới trong ngày tiếp tục tăng cao. Sau 4 tuần thực hiện MCO, Malaysia hi vọng có thể giảm số ca nhiễm mới theo ngày xuống dưới 1.000 ca hoặc dưới 500 ca và tới tháng 5, nước này có thể một lần nữa làm phẳng đường cong trên biểu đồ chống dịch COVID-19.

Tại Philippines, nước này ghi nhận 1.895 ca mắc mới và 11 ca tử vong trong ngày 17/1. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines là 500.577 ca, trong đó 9.895 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong số các ca mắc, có 107 ca ở thành phố Davao, 106 ca ở thành phố Quezon, 65 ca ở Isabela, 63 ca ở Pampanga và 63 ca ở Bulacan.

Cùng ngày, Thái Lan đã ghi nhận thêm 374 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 12.054 người. Hiện tổng số ca tử vong tại Thái Lan do nhiễm virus SARS-CoV-2 là 70 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha quan tâm đến sức khỏe của người dân khi sắp có đợt không khí lạnh mới và mong muốn người dân tránh các cuộc tụ tập chính trị vì tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Theo ông Anucha, chính phủ đang đưa ra nhiều biện pháp khắc phục dành cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát mới dịch COVID-19 cũng như đang chuẩn bị các chương trình kích thích kinh tế mới.

Trong khi đó, ủy ban phụ trách nâng cấp sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thái Lan vừa thông qua kế hoạch phát triển trị giá gần 60 tỷ baht (gần 2 tỷ USD) để hỗ trợ hồi phục nhu cầu đi lại bằng đường hàng không hậu đại dịch COVID-19. Phó chủ tịch ủy ban, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob, gần đây cho biết dự án phát triển nói trên bao gồm việc xây dựng 3 nhà ga mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, sân bay Suvarnabhumi đã trở nên quá tải, với lưu lượng hành khách vượt quá công suất đón tiếp là 45 triệu người mỗi năm. Mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến lưu lượng hàng không giảm mạnh, ông Saksayam cho biết ủy ban đã quyết định tiếp tục dự án nâng cấp để đảm bảo sân bay có thể đáp ứng khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng trở lại sau đại dịch.

Theo ông Saksayam, Thái Lan đang nhìn về phía trước vì nguồn thu nhập chính của đất nước là từ ngành du lịch và hành khách di chuyển bằng đường hàng không chiếm 80% lượng khách du lịch. Đại dịch COVID-19 đã khiến cho lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan giảm mạnh. Từ tháng 1-11/2020, số lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan giảm 81% so với một năm trước đó, xuống còn khoảng 6,7 triệu lượt. Dự kiến phải đến năm 2024, lượng khách du lịch tới Thái Lan mới phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 6/11/2020. Ảnh AFP/TTXVN

Còn tại Singapore, nước này phát hiện 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 17/1, hình thành chùm ca bệnh mới liên quan tới một bác sĩ thú y phụ tá trong lực lượng cảnh sát Singapore (SPF). Bác sĩ 32 tuổi này làm cho đơn vị K-9 tại SPF và được xác nhận mắc COVID-19 ngày 13/1. Vợ bác sĩ này được xác nhận mắc bệnh ngày 15/1.

Những người tiếp xúc gần với ca bệnh tại SPF đều đang được cách ly và sẽ được xét nghiệm vào lúc đầu và cuối thời gian cách ly.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trên 4.800 hộp kem tại Trung Quốc có virus gây COVID-19
Trên 4.800 hộp kem tại Trung Quốc có virus gây COVID-19

Giới chức thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) cho biết trên 4.800 hộp kem của một doanh nghiệp địa phương có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN