COVID-19 tại ASEAN hết 16/2: Toàn khối xấp xỉ 50.000 ca tử vong; Indonesia tiêm chủng bắt buộc

Đến hết ngày 16/12, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 49.400 ca tử vong và trên 2,28 triệu người bệnh. Chính phủ Indonesia sẽ phạt những người trốn tiêm chủng và cho phép tư nhân tham gia để đẩy nhanh tốc độ chủng ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 19/1/2021. Ảnh:THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 14.255 ca mắc COVID-19 và 294 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.284.724 ca mắc COVID-19 trong đó có 49.442 ca tử vong và 1.991.628 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó riêng Indonesia chiếm phần lớn với 229 ca. Với 10.029 ca nhiễm mới Indonesia vẫn đang chứng kiến tốc độ lây lan nhanh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới trên 33.500 người.

Tình hình Malaysia vẫn căng thẳng với 2.720 ca nhiễm mới trong ngày 16/2. Trong khi đó, Thái Lan đang dần khống chế được dịch với 72 ca nhiễm mới.

Các quốc gia Campuchia, Brunei, Timor Leste, Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia bắt buộc tiêm chủng COVID, cho phép tư nhân tham gia 

Chính phủ Indonesia đã yêu cầu người dân bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cho phép tư nhân tham gia chiến dịch tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong vòng 15 tháng để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Một quy định sửa đổi trong tuần này quy định những người đủ điều kiện tiêm chủng nhưng từ chối tiêm có thể bị phạt. Các biện pháp có thể bao gồm phạt tiền, trì hoãn hoặc đình chỉ trợ cấp xã hội, hoặc trì hoãn/đình chỉ tiếp cận các dịch vụ công. 

Quy định sửa đổi được Tổng thống Widodo ký ngày 9/2, cho phép chính quyền địa phương tự vạch ra những quy định chi tiết về hình phạt.

Trong khi đó, tờ Jakarta Post đưa tin ngày 16/2 rằng Tổ chức Y tế Thế giới tin rằng việc bắt buộc tiêm vaccine là phản tác dụng, vì nó sẽ làm tăng tâm lý do dự về vaccine hiện nay.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 trong tổng số hơn 270 triệu dân của mình, trong 15 tháng để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Họ đã khởi động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021, đã hoàn thành tiêm cho nhân viên y tế, và trong tuần này bắt đầu tiêm cho các quan chức chính quyền và các nhóm nguy cơ khác, như người bán hàng rong, lái xe buýt...

Tổng thống Joko sẽ chứng kiến ​​sự kiện bắt đầu tiêm chủng tại chợ dệt may lớn nhất Đông Nam Á Tanah Abang vào ngày 17/2, nơi 55.000 người sẽ được tiêm vaccine trong vòng 6 ngày.

Cùng với đó, chính phủ Indonesia sẽ cho phép khối tư nhân tham gia chương trình tiêm chủng COVID-19, tăng cường hoạt động tiêm vaccine tự chi trả. Đây là một bước ngoặt so với kế hoạch ban đầu là đảm bảo tiêm phòng miễn phí COVID cho toàn bộ công dân.

Chương trình chủng ngừa tư nhân ban đầu tập trung vào hàng triệu người lao động làm trong các ngành sử dụng nhiều nhân công như dệt may, công nghiệp ô tô.

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới hiện đang lệ thuộc vào vaccine Sinovac của Trung Quốc và sẽ bắt đầu sử dụng các vaccine khác từ cuối tháng 2 này. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đeo khẩu trang và tấm chắn nhựa phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 19/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia kéo dài Lệnh kiểm soát di chuyển

Ngày 16/2, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri thông báo gia hạn Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) đến ngày 4/3 tại các bang Selagor, Johor, Penang cũng như vùng lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế để phòng dịch sẽ được nới lỏng tại hầu hết các khu vực khác trên cả nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri cho biết các lệnh MCO, CMCO và RMCO mới sẽ có hiệu lực từ ngày 19/2 đến 4/3. Theo ông, quy định giới hạn phạm vi di chuyển trong vòng 10km sẽ được dỡ bỏ, ngay cả trong các khu vực áp dụng MCO, tuy nhiên việc đi lại giữa các bang và các vùng vẫn bị cấm và cần có giấy phép trong từng trường hợp cụ thể. Ông kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, nhất là ở những nơi đang dần nới lỏng hạn chế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng COVID-19 tại Medan, Malaysia ngày 10/12/2021. Ảnh: EPA-EFE

Khi Malaysia áp đặt MCO đầu tiên từ tháng 3/2020, hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ, trừ các dịch vụ thiết yếu như lương thực, đồ uống và thuốc men. Lệnh phong tỏa đã giúp giảm số ca nhiễm xuống còn một con số trong nửa đầu năm 2020. MCO sau đó đã được thay thế bằng CMCO và RMCO, các biện pháp hạn chế được áp dụng đối với từng nơi có số ca nhiễm tăng.

MCO hiện nay, được gọi là "MCO 2.0", cho phép nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục vận hành, như sản xuất ô tô và doanh nghiệp bán lẻ như các cửa hiệu vàng và đồ trang sức. Ông Ismail cho biết sau 4 tuần áp dụng MCO 2.0, số ca nhiễm hiện đã giảm. Tuy nhiên, để tiếp tục kiềm chế đại dịch, cần phải thực thi MCO thêm hai tuần nữa. Ngày 15/2, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong 40 ngày qua, xuống còn 2.176 ca so với ngày đỉnh điểm lên đến 5.728 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Malaysia đã đảm bảo có được 66,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số nước này. Đây là dữ liệu từ sổ tay hướng dẫn về Chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia do Chính phủ Malaysia công bố ngày 16/2.

Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Malaysia sẽ bắt đầu từ ngày 26/2 tới trên cơ sở tự nguyện. 

Campuchia tăng cường kiểm soát biên giới

Ngày 16/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh cho các lực lượng quân đội và cảnh sát chặn đứng tất cả các hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp nhằm đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan phải tuân thủ quy định về cách ly phòng dịch COVID-19.

Các binh lính Campuchia phải thẩm vấn tất cả những người cố tình vượt biên giới trái phép để xác định những đường mòn lối mở vẫn được sử dụng cho việc xâm nhập vào Campuchia và trốn tránh các quy định về cách ly phòng dịch. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan tới hoạt động kiểm soát phòng dịch tại tỉnh biên giới tỉnh Battambang, tối 15/2, Thủ tướng Hun Sen đã ký sắc lệnh đình chỉ công tác đối với người đứng đầu lực lượng cảnh sát huyện Kamrieng (tỉnh Battambang) Kim Ponlork với cáo buộc nhận hối lộ để thả một đối tượng môi giới đưa lao động Campuchia từ Thái Lan về nước bất hợp pháp. Người đứng đầu Chính phủ Campuchia khẳng định sắc lệnh này có thể dẫn tới việc cách chức bất kỳ một quan chức nào bị phát hiện vi phạm các biện pháp về chống buôn người. 

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, trong 3 ngày làm việc cuối tuần qua (10-12/2), khoảng 1.500 người Campuchia đã được tiêm vaccine Sinopharm ngừa COVID-19.

Thái Lan cân nhắc cách ly 21 ngày với người về từ châu Phi

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc kéo dài thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể lây lan nhanh của virus gây bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.

Trợ lý phát ngôn viên CCSA Apisamai Srirangson cho biết biến thể Nam Phi cần được giám sát chặt chẽ hơn vì nó được cho là lây lan nhanh hơn, điều có thể làm trầm trọng thêm đợt bùng phát hiện nay ở Thái Lan. Bà Apisamai nói: “Chúng tôi có thể cần tăng thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi lên 21 ngày”.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Về thuốc điều trị, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Siriraj, Giáo sư Prasit Watanapa, khẳng định rằng thuốc kháng virus favipirapir (còn được biết đến với tên thương hiệu là Avigan) có thể được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Nam Phi, mặc dù chưa có nghiên cứu nào xác nhận hiệu quả của nó.

Ngày 16/2, Thái Lan ghi nhận 72 trường hợp mắc mới, nâng số  ca nhiễm lên 24.786 người kể từ khi đại dịch bắt đầu ở nước này một năm trước.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hàng trăm chiếc xe tuk tuk của Thái Lan nằm phủ bụi trong dịch COVID-19
Hàng trăm chiếc xe tuk tuk của Thái Lan nằm phủ bụi trong dịch COVID-19

Tết Nguyên đán thường là mùa du lịch cao điểm của Thái Lan khi du khách từ Trung Quốc và nhiều nơi khác của châu Á đổ về đây du lịch. Nhưng thay vì đón khách, giờ đây hàng trăm chiếc xe tuk-tuk, xe buýt du lịch, tàu phà đang nằm phủ bụi trên khắp thủ đô Bangkok.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN