COVID-19 tại ASEAN hết 16/1: Malaysia vượt ngưỡng 4.000 ca/ngày, Indonesia tính cho tư nhân phân phối vaccine

Trong ngày 16/1, các nước ASEAN ghi nhận trên 20.500 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng 300 trường hợp. Malaysia và Indonesia lại lập những kỷ lục buồn về số ca lây nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Shah Alam, Malaysia, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.577 ca mắc COVID-19 và 300 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.756.809 ca mắc COVID-19 trong đó có 39.308 ca tử vong và 1.491.186 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines và Malaysia chỉ có 8 ca mỗi nước. Với 14.224 ca nhiễm và 283 ca tử vong chỉ trong một ngày, tình hình Indonesia ngày càng căng thẳng. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong. 

Malaysia là quốc gia có số ca nhiễm mới tăng mạnh và chỉ xếp sau Indonesia với kỷ lục mới là 4.029 trường hợp. 

Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận 230 ca nhiễm mới trong ngày 16/1, trong đó có 209 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca tử vong. Hiện tổng số ca bệnh tại Thái Lan đã tăng lên 11.680 người, trong đó 70 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 16/1/2021 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Malaysia vượt ngưỡng 4.000 ca/ngày, lập kỷ lục mới

Chú thích ảnh
Malaysia đã tái áp đặt lệnh phong toả bộ phận trong 2 tuần ở 5 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang. Ảnh: EPA-EFE

Ngày 16/1, Malaysia ghi nhận 4.029 ca nhiễm COVID-19 mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao kỷ lục kể từ khi nước này đối phó với đại dịch. Hiện tại, Malaysia đã có tổng cộng 155.095 ca bệnh, trong đó có 594 ca tử vong. 

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng mạnh, Malaysia đã tái áp đặt lệnh phong toả bộ phận nghiêm ngặt, được gọi là Lệnh kiểm soát đi lại (MCO) trong 2 tuần tại 5 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur, trong nỗ lực kiềm chế virus lây lan.

Trong khi đó, Top Glove Corp, nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới, tại Malaysia ngày 16/1 cho biết một số nhân viên tại 4 nhà máy của họ đã dương tính với SARS-CoV-2. Cuối năm ngoái, công ty này cho biết có trên 5.000 công nhân nước ngoài làm việc cho họ đã mắc bệnh và một người tử vong trong ổ dịch lớn nhất tại Malaysia.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 10/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines-Trung Quốc cam kết hợp tác vì hồi phục hậu COVID-19

Theo Straits Times, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin ngày 16/1 đã cam kết ưu tiên các nỗ lực hồi phục hậu đại dịch. Cam kết được đưa ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Philippines và ba quốc gia Đông Nam Á khác.

Hồi tháng 3/2020, Tổng thống Philippines đã áp đặt một trong những lệnh phong toả nghiêm ngặt và kéo dài nhất thế giới nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Nỗ lực đó đã làm đình trệ một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trước đại dịch.

Trong cuộc họp tại Manila, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu: "Với tư cách một người bạn của Philippines và người hàng xóm thân nhất của các bạn, chúng tôi chắc chắn sẽ sát cánh cùng người dân Philippines cho đến khi đánh bại virus này".

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Teodoro Locsin (trái). Ảnh: EPA-EFE

Ông Vương Nghị đề xuất hai quốc gia nên hợp tác về phản ứng với đại dịch vì lợi ích cả hai bên. 

Với 498.691 ca COVID-19 tính đến hết ngày 16/1 và 9.884 ca tử vong, Philippines là quốc gia có số ca bệnh và tử vong cao thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Tuy nhiên, Philippines đang đi chậm hơn các nước trong khu vực trong việc đảm bảo nguồn cung cấp vaccine phòng COVID.

Manila hiện đang đàm phán mua 25 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc, với 50.000 liều đầu tiên dự kiến được giao vào tháng 2. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh dự định tặng 500.000 liều vaccine COVID cho Philippines, nhưng chưa đề cập cụ thể nhãn hiệu vaccine nào. Cùng ngày 16/1, quan chức hai nước đã ký thoả thuận Trung Quốc trao tặng 500 triệu nhân dân tệ (102 triệu USD) cho các quỹ cơ sở hạ tầng, đời sống dân sinh của Philippines. 

Về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 2.058 ca mắc mới và 8 ca vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 498.691 ca và 9.884 ca. 

Chú thích ảnh
 Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trên một xe buýt ở Bangkok, Thái Lan, ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia có thể cho phép tư nhân mua và phân phối vaccine COVID-19

Theo Reuters, Indonesia có thể cho phép các công ty tư nhân tự mua vaccine COVID và phân phối cho nhân viên cũng như người dân.

Quốc gia này đã phát động một chiến dịch tiêm chủng đại trà, với mục tiêu chủng ngừa cho trên 80 triệu người dân, qua đó giải quyết một trong những điểm nóng dịch nghiêm trọng nhất tại Châu Á.

Các nhân viên y tế và an ninh là nhóm ưu tiên tiêm vaccine hàng đầu. Nhưng theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, các công ty tư nhân có thể được phép tự mua vaccine và tiêm cho nhân viên của họ, qua đó giúp giảm gánh năng tài chính cho nhà nước.

Chú thích ảnh
Một nhân viên ngành y tế được tiêm phòng COVID tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia ngày 14/1/2021. Ảnh: EPA-EFE

"Kế hoạch đó không nên bắt đầu ngay lúc này, mà là sau khi chính phủ đã cung cấp vaccine cho lực lượng lao động ngành y tế và công cộng", ông Sadikin phát biểu trước Quốc hội. 

Indonesia hiện mua và phân phối vaccine miễn phí, với chi phí ước tính khoảng 5,3 tỉ USD. Phòng Thương mại Indonesia cho biết họ đã đề nghị chính phủ cho phép một số công ty được nhập khẩu vaccine đã phê duyệt hoặc mua từ nguồn cung của chính phủ để tiêm phòng cho nhân viên hoặc để bán.

Thu Hằng/Báo Tin tức
13 người Israel bị liệt mặt sau tiêm vaccine COVID 
13 người Israel bị liệt mặt sau tiêm vaccine COVID 

Ít nhất 13 người Israel đã bị liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer, Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN