COVID-19 tại ASEAN hết 15/6: Indonesia ca nhiễm tăng đột biến trở lại; Thái Lan vượt 200.000 ca

Trong 24 giờ qua, toàn khối có trên 22.600 ca nhiễm mới và trên 400 ca tử vong mới. Ịndonesia ghi nhận ca nhiễm tăng đột biến trở lại bất chấp chương trình tiêm chủng đã được triển khai từ đầu năm, trong khi Thái Lan vượt mốc 200.000 ca bệnh.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 14/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 0h00 phút ngày 16/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.685 ca mắc COVID-19 và 415 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 4.394.500 trường hợp và 84.342 ca tử vong. Toàn khối có 3.895.584 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 164 ca; Philippines đứng thứ hai với 118 ca; Malaysia ghi nhận 101 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 19 ca, Campuchia ghi nhận 13 ca.

Với 8.161 ca nhiễm trong ngày 15/6, Indonesia cũng đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 1.927.708 ca bệnh và 52.730 ca tử vong.

Philippines dẫn đầu về ca nhiễm mới với 8.027 trường hợp, nâng tổng ca bệnh lên 1.327.431, bao gồm 22.963 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 5.419 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 667.876, trong đó có 4.069 ca tử vong và 593.695 ca bình phục.

Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 3.000 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 495 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên gần 39.464 người. Tình hình dịch ở Lào cơ bản đã được kiểm soát, với chỉ 15 ca nhiễm mới trong ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia: Ca nhiễm tăng đột biến, hoãn mở lại trường học 

Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia, ông Sufmi Dasco Ahmad ngày 15/6 yêu cầu chính phủ hoãn mở cửa trở lại các trường học trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đột biến.

Ông Dasco nhấn mạnh: "Có thể có một số kế hoạch cần được chính phủ đánh giá và hoãn lại, trong đó có việc mở cửa trở lại các trường học". Ông Dasco từng cảnh báo chính phủ trước kỳ nghỉ lễ xả chay Eid el-Fitr vừa qua về khả năng các ca mắc COVID-19 tăng đột biến và thực tế đang diễn ra đúng như vậy. Vì vậy, ông yêu cầu chính phủ thực hiện các động thái “chiến thuật” nhằm ngăn chặn xu hướng này, trong đó có việc hoãn tổ chức các buổi học trực tiếp trong 2-3 tháng.

Hiện một số địa phương của Indonesia đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 dù chương trình tiêm chủng quốc gia đã được triển khai từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường từ tháng 7 tới, sau hơn 1 năm đóng cửa và tổ chức học trực tuyến.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan: Số ca nhiễm vượt 200.000

Tại Thái Lan, cơ quan y tế đã ghi nhận 3.000 ca nhiễm mới trong ngày 15/6, khiến tổng số ca đã vượt 200.000 ca trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát mới. Trong số các ca mới, có tới 2.995 ca lây nhiễm trong nước. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 19 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.485 ca.

Tính đến ngày 14/6, khoảng 6,5 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Thái Lan. Riêng tại Phuket, khoảng 61% dân cư đã được tiêm mũi đầu tiên, khi đảo nghỉ dưỡng này đang chuẩn bị mở cửa cho khách quốc tế từ ngày 1/7 tới.

Nhiều tổ chức ở Thái Lan đăng ký mua vaccine Covilo do Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Học viện Hoàng gia Chulabhorn (CRA) cho biết 6.938 tổ chức đã đặt mua vaccine Covilo để tiêm cho 3,18 triệu nhân viên trong ngày đầu tiên đăng ký.

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm phòng COVID-19 tại Phuket, Thái Lan ngày 7/6/2021. Ảnh: Bangkok Post

CRA mở đăng ký cho khách hàng là các tổ chức nhà nước và tư nhân trong ngày 14/6 để đặt mua vaccine tiêm cho những nhóm người muốn có vaccine thay thế. Cơ quan này sẽ nhập khẩu và bán vaccine Covilo với giá 888 baht (28,52 USD) mỗi liều. Giá đã bao gồm phí vận chuyển và bảo quản cũng như bảo hiểm trong trường hợp có tác dụng phụ.

Covilo là vaccine bất hoạt giống như Sinovac. Vaccine này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) cho phép sử dụng ở Thái Lan.

Thủ tướng Prayut Chan o-cha cho biết Chính phủ đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người, tức 70% dân số, trong năm nay và đang mua thêm để mở rộng tiêm chủng cho 80-90% dân số vào năm tới.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Navotas, Philippines, ngày 8/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia công bố Kế hoạch Khôi phục quốc gia sau đại dịch

Chiều 15/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin có bài phát biểu đặc biệt truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, công bố Kế hoạch khôi phục quốc gia.

Thủ tướng Muhyiddin cho biết việc áp đặt phong tỏa toàn diện để ngăn chặn dịch COVID-19 đã giúp Malaysia tránh được một thảm họa y tế quốc gia, đồng thời khẳng định việc đưa ra quyết định này không hề dễ dàng. Theo ông Muhyiddin, Kế hoạch khôi phục quốc gia là kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra, được xây dựng dựa trên những dữ liệu và cơ sở khoa học.

Kế hoạch này được vạch ra dựa trên tất cả các bước chuẩn bị đã được thực hiện bao gồm quản lý đại dịch và nền kinh tế cũng như chương trình tiêm chủng quốc gia và gồm 4 giai đoạn, theo đó chính phủ chỉ có thể quyết định chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo nếu 3 chỉ số như số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày; khả năng của hệ thống y tế dựa trên số giường bệnh điều trị tích cực (ICU) và mức độ tỷ lệ tiêm chủng dựa trên tỷ lệ phần trăm số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, được đáp ứng. Chính phủ sẽ cân nhắc thực thi giai đoạn 2 nếu số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, các hoạt động kinh tế đươc phép sử dụng đến 80% nhân viên so với thời điểm trước đại dịch.

Chú thích ảnh
Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Giai đoạn 3 sẽ được thực thi nếu số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, mọi hoạt động kinh tế sẽ được phép nối lại hoạt động, ngoại trừ những lĩnh vực đặt ra nguy cơ cao đối với sự lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên mọi hoạt động vẫn phải phải tuân thủ nghiêm ngặt Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và giới hạn công suất.

Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh Chính phủ Malaysia đã thiệt hại 1 tỷ ringgit/ngày  (hơn 240 triệu USD) do Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO 3.0). Ông nói Malaysia cần giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời cam kết chính phủ sẽ làm những gì tốt nhất cho người dân. Ông kêu gọi người dân hãy tin tưởng và đồng lòng cùng chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19.

Malaysia hiện đang áp đặt Lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6 sau khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng vọt trong tháng 5, lên mức kỷ lục 9.020 ca mắc mới/ngày hôm 29/5. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 ca mỗi ngày nếu chính phủ không thực hiện áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng ở Kuala Lumpur, Malaysia đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11

Báo Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về tiêm phòng COVID-19, bà OrVandine ngày 14/6 cho biết trong vài ngày tới, số người được tiêm phòng COVID-19 sẽ đạt 3 triệu người và nước này đang hướng tới mục tiêu 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng.

Chia sẻ trên trang Twitter, bà Vandine nói rằng Campuchia đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 để người dân được tiêm phòng sớm nhất có thể.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 13/6, bộ này đã phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho 2.939.543 triệu người, tương đương 29,4% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành dự kiến được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm phòng cho người dân ở Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến nay, Campuchia ghi nhận số các nhiễm COVID-19 vượt mốc 39.000 ca và có thêm 13 ca tử vong vì dịch bệnh này trong ngày 15/6. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 495 ca mắc COVID-19, trong đó có 44 ca nhập cảnh, trong khi số người được công bố khỏi bệnh là 604 người. Trong tổng số 39.464 ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, có 33.571 người đã hồi phục và 361 người tử vong.

Mặc dù diễn biến dịch bệnh tại Campuchia còn phức tạp, chính quyền thủ đô Phnom Penh vẫn quyết định cho phép nối lại tất cả các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ do nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố. 

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Lào cách ly bắt buộc người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19

Do diễn biến phức tạp của các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào ngày 15/6 thông báo các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 sẽ bắt buộc phải cách ly tại các trung tâm hoặc khách sạn được chỉ định.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.025 ca. Trong số 15 ca mắc mới, có 6 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, việc một bộ phận người dân không tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới trong cộng đồng.

Cũng trong ngày 15/6, Lào đã tiếp nhận thêm 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ Trung Quốc, nâng tổng số vaccine Sinopharm mà Bắc Kinh viện trợ cho Lào đến nay lên hơn 1,9 triệu liều. Ngoài ra, đầu tháng này, Lào cũng đã tiếp nhận 100.620 liều vaccine Pfizer/BioNTech từ cơ chế chia sẻ vaccine quốc tế COVAX, và một lô vaccine viện trợ khác từ cơ chế này sẽ đến Lào trong quý III năm nay, với 132.000 liều.

Đến nay, đã có hơn 1 triệu người dân Lào được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 16/6: Mỹ vượt mốc 600.000 ca tử vong; Nam Phi nâng cấp phong toả
COVID-19 tới 6h sáng 16/6: Mỹ vượt mốc 600.000 ca tử vong; Nam Phi nâng cấp phong toả

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 310.000 ca nhiễm và trên 7.300 ca tử vong. Mỹ đã vượt mốc 600.000 ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, trong khi Nam Phi nâng phong toả toàn quốc lên cấp độ 3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN