Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 15/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 128 trường hợp, cao nhất khu vực.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 700 ca bệnh và 17 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 15/11 ghi nhận thêm trên 6.300 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 45 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 52 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Campuchia không cách ly người nhập cảnh đã tiêm đầy đủ vaccine
Ngày 15/11, sau khi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố dừng cách ly hành khách đã tiêm phòng vào Campuchia, Bộ Y tế nước này đã ra thông cáo báo chí khẳng định không cách ly đối với người nhập cảnh vào nước này bằng đường không, đường biển và đường bộ nếu họ đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Trong thông cáo, Bộ Y tế Campuchia nêu rõ chỉ bắt buộc xét nghiệm nhanh đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ (kết quả xét nghiệm nhanh chỉ phải chờ 15-20 phút). Nếu kết quả âm tính, người nhập cảnh có thể đi lại tự do trên khắp đất nước Campuchia.
Tuy nhiên, Campuchia vẫn yêu cầu cách ly 14 ngày và xét nghiệm PCR đối với người chưa tiêm phòng COVID-19. Trong bối cảnh Campuchia mở cửa hoàn toàn từ 1/11, bắt đầu trạng thái “bình thường mới” từ 1/10 và gần 88% dân số đã được tiêm phòng COVID-19, số ca mắc COVID-19 tại nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 46 ngày qua.
Bộ Y tế Campuchia ngày 15/11 xác nhận có 52 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua và 5 ca tử vong, trong đó 4 ca chưa tiêm phòng COVID-19.
Singapore tiếp tục mở cửa biên giới
Trong cuộc họp báo ngày 15/11 của Lực lượng liên bộ đặc trách chống COVID-19 (MTF), Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore S. Iswaran cho biết bắt đầu từ ngày 29/11, Singapore sẽ tiếp tục áp dụng chương trình Làn Đi lại Vaccine (VTL) với Ấn Độ, Indonesia, Qatar, Saudi Arabia và với Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 6/12.
Việc đăng ký Thẻ đi lại Vaccine (VTP) sẽ bắt đầu từ 22/11 đối với hành khách từ Ấn Độ và Indonesia, và từ 29/11 đối với du khách từ Qatar, Saudi Arabia và UAE. Những người đi lại theo chương trình VTL sẽ không phải cách ly tại nhà. Thay vào đó, họ phải có xét nghiệm nhanh (ART) âm tính trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành và phải tiến hành xét nghiệm PCR khi đến nơi.
Chương trình VTL được bắt đầu từ ngày 8/9 giữa Singapore với Brunei và Đức. Cho đến nay, Singapore đã triển khai chương trình VTL với Australia, Brunei, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Chương trình VTL giữa Singapore với Malaysia, Phần Lan và Thụy Điển cũng đã được công bố và sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 29/11.
MTF cũng cho biết, bắt đầu từ ngày 19/11, Chile, Ethiopia, Ấn Độ, Myanmar và Sri Lanka sẽ được xếp vào các nước thuộc Nhóm II, trong khi Maroc sẽ được xếp vào các nước thuộc Nhóm III.
Các trường học ở Bangkok (Thái Lan) được phép nối lại giảng dạy trực tiếp
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã cho phép các trường học được nối lại giảng dạy trực tiếp từ 15/11 sau khi hơn 80% học sinh trung học cơ sở ở địa phương này được tiêm chủng ngừa COVID-19 và số lượng các ca mắc mới hàng ngày giảm xuống.
Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang thông báo trên Facebook hôm 14/11 rằng các trường học mở cửa trở lại phải tuân thủ các biện pháp của Bộ Giáo dục theo chương trình “Hộp cát: Vùng an toàn trong trường học”.
Mỗi lớp học trực tiếp sẽ không quá 25 học sinh và các trường có thể dạy học trực tuyến nếu cần thiết. Trong trường hợp có một ca mắc COVID-19 trong lớp học, BMA sẽ ra lệnh đóng cửa lớp học trong 3 ngày để khử khuẩn. Nếu có nhiều ca mắc trong hơn một lớp học, nhà trường có thể cân nhắc đóng cửa toàn bộ khối học trong 3 ngày để khử khuẩn.
BMA cũng sẽ áp dụng 7 biện pháp phòng chống COVID-19 cho các trường học không nội trú do Bộ Y tế ban hành, bao gồm tự đánh giá thông qua nền tảng Thai Stop COVID Plus (TSC), tổ chức các hoạt động trong lớp học theo những bong bóng nhỏ, cung cấp thực phẩm sạch và bổ dưỡng, sử dụng hệ thống thông gió và quản lý chất thải tiêu chuẩn, chuẩn bị cơ sở cách ly trong trường học, tạo các tuyến đường khép kín cho học sinh và nhân viên đi lại, và thiết lập hệ thống Thẻ thông hành học đường khi mà học sinh và nhân viên phải thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên ATK 7 ngày một lần.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, nước này sáng 15/11 ghi nhận thêm 6.343 ca mắc mới cùng 45 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, trong đó có 790 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong ở Bangkok. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.024.753 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 20.081 người không qua khỏi.