Trong ngày 13/5, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Philippines với 6.385 ca. Tiếp đó là Thái Lan với 4.887 ca, Malaysia với 4.855 ca, Indonesia với 3.448 ca, Campuchia với 446 ca. Các quốc gia còn lại có số ca mắc mới dưới 100 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (107 ca), Indonesia (99 ca), Thái Lan (32 ca), Malaysia (27 ca) và Campuchia (6 ca).
Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày
Thái Lan ngày 13/5 ghi nhận 4.887 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2.052 ca trong cộng đồng và 2.835 ca lây nhiễm trong các nhà tù. Đây là số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong bối cảnh Thái Lan đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3, số ca mới trên đã nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 93.794 ca. Ngoài ra, giới chức y tế sở tại cùng ngày xác nhận đã có thêm 32 ca tử vong, nâng tổng tổng số ca tử vong lên 518 ca.
Malaysia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày ở mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua
Ngày 13/5, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 4.855 ca COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ ngày 31/1, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 458.077 ca.
Mức tăng mới nhất này phần nào là do các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Malaysia cũng ghi nhận thêm 27 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.788 ca.
Đầu tuần này, Bộ Y tế Malaysia cảnh báo số ca nhiễm trong ngày có thể lên tới 5.000 ca vào giữa tháng 5, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua.
Singapore có số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất trong 10 tháng
Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 13/5 thông báo nước này ghi nhận 32 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 24 ca mắc trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 11/7/2020.
Trong số các ca mắc mới trong cộng đồng, có 17 ca liên quan đến ổ dịch tại sân bay Changi, đưa tổng số bệnh nhân tại ổ dịch này lên 42 ca. Ngoài ra, 1 ca liên quan các ca mắc trước đó và 6 ca không rõ nguồn lây.
Tính đến nay, Singapore có tổng cộng 61.451 người mắc COVID-19, trong đó có 31 trường hợp không qua khỏi.
Số ca mắc mới tại Lào tăng trở lại
Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận thêm 65 ca COVID-19, trong đó có 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay.
Sau hơn 10 ngày luôn ghi nhận số ca mắc mới dưới 20 ca, tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn có dấu hiệu "nóng" trở lại khi ghi nhận 26 ca mắc mới, vượt qua tỉnh Bokeo với 24 ca. Đáng chú ý, tất cả các ca nhiễm mới tại 2 địa bàn trên đều là lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại cuộc họp báo chiều 13/5, đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo tình trạng người dân chưa tuân thủ nghiêm các quy định cách ly tại nhà, dẫn tới tình trạng số ca nhiễm trong phạm vi gia đình tăng. Đại diện Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người dân tạm thời tập thể dục tại nhà trong thời gian phong tỏa thay vì tập ngoài trời để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc, khiến dịch COVID-19 có cơ hội lây lan.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 1.482 trường hợp, trong đó phần lớn là các ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay. Tính tới chiều 13/5, Lào đã chữa khỏi COVID-19 cho 431 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
Tín hiệu tích cực tại Campuchia
Bộ Y tế Campuchia trưa 13/5 cho biết trong 24 giờ qua nước này có thêm 446 ca mắc mới COVID-19, trong khi số ca khỏi bệnh nhiều gấp đôi, với 980 người. Đây là một tín hiệu tốt trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Campuchia.
Trong số 446 ca mắc mới có 15 ca nhập cảnh, còn lại 431 ca lây nhiễm trong nước đều liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Bộ trên cũng xác nhận có thêm 6 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy tính đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã lên tới 21.141 ca, trong đó 9.514 người khỏi bệnh và 142 người tử vong.
Tất cả 6 ca mới tử vong đều liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” dẫn đến bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 tại Campuchia. Trước đó, trong cả năm 2020, Campuchia ghi nhận chưa đến 500 ca mắc COVID-19 và không có trường hợp nào tử vong vì dịch bệnh này.
Trong khi đó, khoảng 80% người dân (gần 800.000 người) sống trong khu vực có rủi ro lớn lây nhiễm bệnh COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Quân đội sẽ bắt đầu tiêm mũi hai cho người dân từ ngày 15/5 tới.
Trước đó, ngày 1/5, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo nhóm tiêm phòng thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành tiêm vaccine cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sống tại “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa thuộc địa bàn 6 quận ở Phnom Penh gồm Kampoul, Dangkor, Por Senchey, Meanchey, Toul Kork và Russey Keo. Lực lượng quân y đã nhanh chóng triển khai, với khoảng 50.000 người được tiêm mỗi ngày.
Tại quận Kambol và Dangkor, chỉ còn một số rất ít người chưa được tiêm phòng. Trong khi đó, tại 4 phường thuộc 2 quận Por Senchey và Meanchey - nơi có 5 nhà máy lớn và có tới 95.000 công nhân sinh sống và làm việc – quân đội đang phải điều động nhiều nhóm quân y từ khu vực khác để hỗ trợ đẩy nhanh tiêm phòng.
Cùng với việc đẩy mạnh tiêm phòng, chính quyền thành phố Phnom Penh quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm (từ 20h00 tối hôm trước đến 3h00 sáng hôm sau) và tiếp tục phong tỏa “Khu vực Đỏ” thêm một tuần từ ngày 13-19/5/2021.
Ngày 12/5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết chính quyền phải phong tỏa “Khu vực Đỏ” thêm một tuần để ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong thành phố và việc phân chia Phnom Penh thành các khu vực để chống dịch đã và đang giúp giảm số ca nhiễm mới.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, Or Vandine, nước này đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ trong số người nhập cảnh vào Campuchia trong tháng 4/2021. Nằm sát thủ đô Phnom Penh, chính quyền tỉnh Kandal ngày 12/5 cũng ra quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp hành chính chống dịch (theo hình thức phân chia địa giới thành “Khu vực Vàng đậm” và “Khu vực Vàng”) tại thành phố Ta Khmao thêm 7 ngày từ 13-19/5.
Số ca mắc mới ở Philippines vẫn cao nhất ASEAN
Philippines cũng thông báo có thêm 6.385 ca mắc mới (cao nhất ASEAN) và 107 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.124.724 và 18.821.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến trong ngày 13/5, đội đặc nhiệm liên ngành phòng, chống COVID-19 của Philippines sẽ họp bàn đề quyết định có gia hạn các biện pháp phong tỏa ở vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận, vốn được áp đặt từ ngày 29/3, hay không. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng sẽ thông báo các quy định cách ly mới trong bài phát biểu trước công chúng vào tối 13/5.
Indonesia đánh giá hiệu quả của vaccine Sinovac
Bộ Y tế Indonesia công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine Sinovac của Trung Quốc có thể ngăn ngừa nguy cơ tử vong và người bệnh nặng tới mức phải nhập viện do COVID-19.
Phát biểu họp báo trực tuyến, trưởng nhóm nghiên cứu Pandji Dhewantara cho biết vaccine Sinovac đã bảo vệ 98% trong tổng số 128.290 nhân viên y tế ở thủ đô Jakarta khỏi nguy cơ tử vong và 96% không phải nhập viện sau 7 ngày kể từ khi được tiêm liều thứ hai. Chỉ có một trường hợp được tiêm đủ liều vaccine Sinovac tử vong do mắc COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả ngăn chặn COVID-19 của loại vaccine này đạt tới 94%.
Nghiên cứu trên được Bộ Y tế Indonesia tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 13/1 đến ngày 18/3/2021. Độ tuổi trung bình của những người tham gia tiêm vaccine Sinovac và được khảo sát là 31 tuổi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cho biết chương trình tiêm phòng COVID-19 của nước này mới chỉ đạt 5% mục tiêu đề ra, với tổng cộng 8,8 triệu người được tiêm hai mũi đầy đủ. Kết quả này đạt được sau 4 tháng triển khai và hiện còn cách rất xa mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người vào cuối năm nay nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tính đến nay, 22,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho 13,6 triệu người ở Indonesia. Tuy nhiên, số người được tiêm đủ liều vẫn còn rất thấp. Bộ Y tế Indonesia cam kết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với 1 triệu liều mỗi ngày sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr của tín đồ Hồi giáo (kết thúc vào ngày 12/5).