COVID-19 tại ASEAN hết 12/8: Trên 344.000 ca mắc bệnh; số ca tử vong tăng mạnh ở Indonesia, Philippines

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 6.461 ca mắc bệnh COVID-19, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 8.540 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên hàng không mặc trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 khi làm việc tại sân bay ở Manila, Philippines, ngày 4/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Philippines đã vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực, diễn biến dịch tiếp tục xu thế gia tăng và ngày càng nghiêm trọng hơn. Tổng số ca mắc COVID-19 mới tại Philippines tăng mạnh trong 1 tuần qua.  

Hiện nay, tổng số ca mắc COVID-19 của Philippines vượt qua Indonesia, trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á. Trước diễn biến mới, nhà chức trách Philippines đã phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách phòng dịch nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 8.543 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 173 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 344.028 trường hợp. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 218.420 trường hợp.

Tình hình ở Indonesia hay Philippines nghiêm trọng nhất khu vực, song dịch bệnh đang có xu thể quay trở lại và lan diện rộng hơn. Một số nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại, trong số này có Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, dịch bệnh nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, đang bùng phát trở lại. Trong ngày, Đông Nam Á có tới 8 quốc gia ghi nhận các ca bệnh mới.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 12/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 143.749 +4.444 2.404 +93 68.997
Indonesia 130.718 +1.942 5.903 +79 85.798
Singapore 55.395 +42 27   50.520
Malaysia 9.114 +11 125   8.817
Thái Lan 3.356 +5 58   3.169
Việt Nam 880 +14 17 +1 400
Myanmar 361 +1 6   318
Campuchia 268 +2     220
Brunei 142   3   138
Timor-Leste 25       24
Lào 20       19
Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/8, Bộ Y tế Philippines cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận 4.444 ca mắc mới và 93 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 143.749 và 2.404 ca.

Vùng đô thị Manila là địa phương có số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 2.168 ca, trong khi địa phương cao thứ hai là tỉnh Laguna ghi nhận 233 ca mắc mới.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, ông muốn là người Philippines đầu tiên được tiêm thử vaccine phòng COVID-19 do Nga phát triển, nhưng thực tế không đơn giản vậy.

Vaccine COVID-19 của Nga mang ký kiệu “Sputnik-V” được ông Putin công bố hoàn tất đăng ký ngày 11/8. Nhưng những quy định của chính quyền Philippines về đối tượng và cách thức thử nghiệm vaccine đã loại ông Duterter ra khỏi danh sách thử nghiệm.

Theo hướng dẫn của Nhóm chuyên trách về vaccine của Philippines, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine COVID-19 tại nước này sẽ được ưu tiên cho các đối tượng ở độ tuổi 18-59 và có nguy cơ lây nhiễm cao – cụ thể là bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19.

Những đối tượng lớn tuổi và suy giảm miễn dịch - như ông Duterte, có thể được xem xét tiêm thử nghiệm đợt sau. Nhưng mọi chuyện sẽ phải phụ thuộc, căn cứ vào kết quả thử nghiệm vaccine trên nhóm ưu tiên.

Chú thích ảnh
 Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 14/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Indonesia thông báo thêm 1.942 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 130.718 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 5.903 ca, thêm 79 ca so với một ngày trước đó. Đây là số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngày 12/8, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này dành khoản ngân sách trị giá 5.000 tỷ rupiah (khoảng 339 triệu USD) trong năm nay để sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, ông Hartarto nêu rõ khoản ngân sách trên sẽ được dành để sản xuất 30 – 40 triệu liều vaccine tại công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma.  Bộ trưởng Hartarto cho biết thêm quỹ tài trợ có khả năng sẽ lên tới 40.000 tỷ rupiah – 50.000 tỷ rupiah.

Hiện các công ty của Indonesia và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine nói trên. Dự kiến, Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine vào tháng 10 tới.

Chú thích ảnh
 Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Narathiwat, Thái Lan ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bối cảnh Thái Lan đã trải qua 78 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong cộng đồng và ngày thứ hai hoàn toàn không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm bệnh, Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản (OBEC) của Thái Lan đã gửi thư cho tất cả cơ sở giáo dục trên cả nước, thông báo về việc có thể mở lại các lớp học như bình thường, song các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Dù có thể mở cửa hoàn toàn như bình thường từ ngày 13/8, nhưng các trường phải đảm bảo thực hiện 5 biện pháp y tế công cộng, bao gồm kiểm tra sức khỏe, đăng nhập ứng dụng phòng chống COVID-19 có tên gọi ThaiChana, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh tay, và thực hiện giãn cách xã hội. Các hoạt động tụ tập đông học sinh sẽ chỉ được tổ chức sau khi thông báo cho văn phòng y tế địa phương.

Ngày 12/8, Thái Lan chỉ có 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và nhiều tháng không ghi nhận ca tử vong nào mới vì COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân Campuchia đeo khẩu trang phòng COVID-19. Ảnh: VOA

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 2 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 268 trường hợp.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo học sinh lớp 9 và lớp 12 có thể quay lại trường học bắt đầu từ tháng 9.

Thông cáo của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao cho biết quyết định trên là giai đoạn hai trong kế hoạch từng bước mở cửa lại trường học theo ba giai đoạn thời dịch COVID-19. Trong giai đoạn thứ hai này, mỗi lớp học không được vượt quá 15 học sinh và phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 lây lan theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có việc thường xuyên vệ sinh khử khuẩn các phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, sân chơi và phòng vệ sinh, các hình thức vận động buổi sáng được thực hiện theo nhóm nhỏ, trong khi các sự kiện tập trung đông người liên quan đến thể thao hay hội họp vẫn phải tạm ngừng.

Trong giai đoạn một, Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia đầu tháng này đã công bố quy trình hoạt động tiêu chuẩn đối với 20 trường tư thục có tiêu chuẩn an toàn cao được phép mở cửa trở lại tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Siem Riep, Battambang trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn.

Chú thích ảnh
Ngân hàng tại Campuchia hoạt động với các qui định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19. Ảnh: RFA

Theo người phát ngôn Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia Ros Soveacha, giai đoạn hai và giai đoạn ba phụ thuộc vào việc đánh giá của các trường tư thục được mở trở lại tại giai đoạn một.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, Campuchia cũng đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay từ Philippines. Theo giới chức Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã thông qua quyết định trên, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/8, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân nước này.

Hiện quốc gia Đông Nam Á này cũng đã ngừng các chuyến bay đến từ Malaysia và Indonesia từ ngày 1/8 sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ các chuyến bay này tăng mạnh.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Indonesia dành 339 triệu USD sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Indonesia dành 339 triệu USD sản xuất vaccine ngừa COVID-19

Ngày 12/8, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này dành khoản ngân sách trị giá 5.000 tỷ rupiah (khoảng 339 triệu USD) trong năm nay để sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN