COVID-19 tại ASEAN hết 10/4: Cả khối vượt 3 triệu ca mắc; Thái Lan lập bệnh viện dã chiến ở thủ đô

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 10/4, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 20.298 ca mắc COVID-19 và 331 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 3 triệu ca, trong đó 61.906 người tử vong.

Philippines có nhiều ca mắc COVID-19 nhất ASEAN trong ngày 10/4. Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 12.674 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 853.209 ca, trong đó có 14.744 bệnh nhân không qua khỏi. 

Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng tại thủ đô Manila, Philippines sau khi Chính phủ ban bố các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 29/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với 12.674 ca mắc mới, ngày 10/4 là ngày thứ hai Philippines có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay. Ngày 10/4 là ngày có số ca tử vong cao thứ 6 từ trước tới nay với 255 ca. Số ca bệnh đang được điều trị cao kỷ lục: 190.245 ca.     

Khoảng 97,2% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, 1,7% không có triệu chứng, 0,5% ốm nặng và 0,4% nguy kịch.

86% trong 700 đơn vị chăm sóc đặc biệt ở khu vực thủ đô đã kín chỗ, 69% trong 3.800 giường bệnh cách ly ở khu vực cũng không còn chỗ trống.

Theo Bộ Y tế Philippines, trên 106.000 người đã mắc COVID-19 từ ngày 1/4 tới 10/4. Đây là 10 ngày có số ca mắc cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Philippines. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 3/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 trong ngày 10/4 là Indonesia với 4.723 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 1.562.868 ca. Số ca tử vong cũng tăng 95 ca lên 42.443 ca. 

Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.510 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó chỉ có 5 ca nhập khẩu. Hiện Malaysia có tổng số 359.117 ca nhiễm, trong đó có 1.321 người không qua khỏi. 

Cùng ngày, có 1.248 người được xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 342.737 ca, tức 95,4%. Trong số 15.059 người còn đang điều trị, có 194 người nằm trong khu vực điều trị đặc biệt.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của nước này (CCSA) cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan trong cùng ngày đã tăng tới 789 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 31.658 ca, sau khi một loạt ổ dịch khiến số gia nhiễm mới gia tăng tại thủ đô Bangkok. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đợt bùng phát mới nhất có nhiều ca mắc biến thể virus nguồn gốc ở Anh, lan ra 62 tỉnh khắp Thái Lan. Làn sóng dịch bệnh này bắt đầu từ tháng trước tại một loạt địa điểm giải trí ở Bangkok và các tỉnh lân cận. Các địa điểm này liên quan tới 1.016 ca mắc ở 40 tỉnh trong 3 tuần qua. Trong đó, 583 ca ở Bangkok.

Giới chức Thái Lan đang chuẩn bị lắp đặt bệnh viện dã chiến 10.000 giường bệnh ở Bangkok để đảm bảo mọi người đều được chữa trị nếu số ca mắc tăng nhiều hơn. Ông Suksan Kittisupakorn, Tổng giám đốc Cơ quan Dịch vụ Y tế nói: “Chúng tôi muốn tăng ngay số giường bệnh trong bệnh viện dã chiến lên 10.000, để người dân có niềm tin rằng chúng tôi vẫn có thể kiểm soát đợt bùng phát này”.
Ít nhất hơn 10 bệnh viện ở Bangkok cho biết đã ngừng xét nghiệm COVID-19 ngày 9/4 vì thiếu bộ xét nghiệm hoặc không đủ khả năng. 

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề nghị người dân làm mọi việc có thể để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh, ngay cả khi hàng triệu người muốn tổ chức lễ té nước Songkran sau khi không thể ăn mừng ngày này vào năm ngoái. Ông nói: “Tôi rất lo. Nếu ai đó không cần phải đi lại, làm ơn hãy ở nhà”.

Tại Campuchia, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo phong tỏa 14 ngày đối với một số khu vực ở thủ đô khi các ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục tăng mạnh tại đây. Những nơi bị phong tỏa ở Phnom Penh gồm các phường Steung Meanchey I và II (quận Meanchey), làng Troung Man (quận Sen Sok) và 7 làng thuộc quận Pou Senchey. Thời gian phong tỏa có hiệu lực từ hôm nay đến ngày 23/4. Trong thời gian phong tỏa, mọi hoạt động đi lại và tụ tập bị hạn chế nghiêm ngặt, trừ các tình huống khẩn cấp. Chỉ có kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được mở cửa dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp báo tối 9/4, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết các khu vực bị phong tỏa có liên quan đến vụ việc nhà máy may mặc Din Han – nơi có gần một nghìn công nhân bị lây nhiễm trong vòng chưa đến 3 ngày. Trong trường hợp cần mua đồ ăn và nhu yếu phẩm, mỗi gia đình cần báo cho lực lượng giám sát tại khu vực và chỉ được phép cử một người đi mua hàng.

Cùng ngày, Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk, ông Kouch Chamroeun cũng ra thông báo tạm thời cấm ra vào một phần khu Rolok Dam thuộc làng số 3, phường 1, Preah Krong (Sihanouk), sau khi nhóm phản ứng nhanh của Sở Y tế tỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả có 19 ca dương tính với COVID-19 đang sinh sống tại nơi này.

Trong bài phát biểu được báo chí và các phương tiện truyền thông Campuchia đăng tải trực tiếp sáng 10/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết Chính phủ nước này sẽ chi trả hóa đơn điện, nước 5 tháng cho các gia đình có người tử vong vì COVID-19, cùng với 2.500 USD và lương thực, thực phẩm do Bộ Y tế cung cấp. Đối với gia đình có người mắc COVID-19, Chính phủ sẽ hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện, nước trong 3 tháng. Chính phủ cũng hỗ trợ tiền điện, nước 2 tháng đối với các gia đình sống trong các khu vực bị phong tỏa, đồng thời trợ cấp thêm 75 USD, 20 kg gạo và một số thực phẩm. 

Ngày 10/4, Campuchia ghi nhận thêm 477 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tính đến sáng nay vượt trên 4.000 ca.

Cùng với việc áp dụng hàng loạt các biện pháp chống lây lan dịch COVID-19 như giới nghiêm ban đêm, phong tỏa một số khu vực và hạn chế đi lại giữa các tỉnh, thành, Campuchia đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 8/4/2021, tổng cộng 815.974 người ở nước này đã được tiêm phòng vaccine COVID-19, gồm lực lượng vũ trang, công chức và người dân tại một số tỉnh, thành trên cả nước.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc dùng mã màu để phân loại tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của người dân
Trung Quốc dùng mã màu để phân loại tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của người dân

Chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng mã màu để biểu thị tỷ lệ tiêm chủng của người dân tại các tòa nhà, doanh nghiệp, một phần trong nỗ lực đạt mục tiêu tiêm chủng cho trên 560 triệu dân vào cuối tháng 6 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN