COVID-19 tại ASEAN hết 10/11: Malaysia còn hơn 150 ổ dịch; Campuchia đề cao cảnh giác

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.278 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới 24.285 người.

Chú thích ảnh
Cử tri Myanmar đeo khẩu trang phòng dịch xếp hàng bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Yangon, ngày 8/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 10/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 1.013.23 ca mắc COVID-19 trong đó có 24.285 ca tử vong và 878.598 bệnh nhân đã bình phục.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả ca nhiễm và tử vong mới, với gần 3.800 ca mắc trong ngày, trong khi số ca bệnh tại Myanmar liên tục tăng và hiện đã lên tới trên 63.200 người. 

Tình hình Malaysia chưa có dấu hiệu dịu đi với 869 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua và 6 ca tử vong. Trong khi đó, Philippines đang thực hiện nới lỏng dần các hạn chế khi con số nhiễm mới dừng lại ở ngưỡng trên 1.000 ca.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 10/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Thái Lan xác nhận ca COVID-19 liên quan đến Ngoại trưởng Hungary

Ngày 10/11, nhà chức trách Thái Lan xác nhận một quan chức ngoại giao Hungary đã nhiễm COVID-19 sau khi tiếp xúc với Ngoại trưởng Hugapry Peter Szijjarto trong chuyến công du khu vực vào tuần trước.

Trước đó, ngày 9/11, giới chức Campuchia cũng thông báo về ít nhất 4 ca mắc COVID-19 được cho là liên quan đến chuyến thăm của Ngoại trưởng Hugary Peter Szijjarto. Thủ tướng Campuchia Hun Sen và người thân của ông nằm trong số trên 1.000 người phải xét nghiệm vì có liên quan đến chuyến thăm này. Ông Szijjarto được phát hiện nhiễm COVID-19 sau khi bay từ Campuchia đến Thái Lan hôm 3/11. Bộ Ngoại giao Hungary khẳng định với hãng tin Reuters rằng ông Szijjarto đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 ngay trước khi khởi hành tới châu Á. Xét nghiệm chỉ cho kết quả dương tính sau khi ông tới Bangkok.

Ngày 10/11, Thái Lan ghi nhận 4 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 3.844, trong đó có 3.670 ca đã hồi phục và 60 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 2/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia: Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân thận trọng

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đồng thời khẳng định Chính phủ đủ khả năng kiểm soát tình hình.

Trong một thông điệp được ghi âm gửi người dân Campuchia tối 9/11, Thủ tướng Hun Sen cho biết trong số hơn 900 người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto ngày 3/11, có 4 người đã có kết quả dương tính với COVID-19. Mặc dù khá nghiêm trọng nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Ông Hun Sen nhấn mạnh người dân, nhất là những người buôn bán ở chợ, vẫn tiếp tục kiếm sống như bình thường cả ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal.

Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia kêu gọi người dân cảnh giác cao với dịch COVID-19 bằng cách thực hiện các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế. Ông nhấn mạnh những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto phải tự cách ly 14 ngày tại nhà một cách nghiêm túc để ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Nếu những người này không thể tự cách ly tại nhà một cách phù hợp, cơ quan chức năng sẽ đưa họ đến những trung tâm cách ly được Bộ Y tế bố trí. 

Tính đến ngày 10/11, Campuchia đã xác nhận 300 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 288 ca đã bình phục và không có trường hợp tử vong. 

Chú thích ảnh
Học sinh Campuchia đeo khẩu trong phòng dịch. Ảnh: The Daily Item

Malaysia: Vẫn còn hơn 150 ổ dịch 

Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba ngày 10/11 cho biết kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Malaysia đã phát hiện tổng cộng 276 ổ dịch, trong đó 151 ổ dịch vẫn đang tồn tại với các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. 

Theo Bộ trưởng Baba, trong số các ổ dịch hiện nay, có 64 ổ dịch ở khu dân cư, 63 ổ dịch tại nơi làm việc, 9 ổ dịch tại các trung tâm giam giữ, 9 ổ dịch là nhóm nguy cơ cao như các nhân viên chống dịch ở tuyến đầu và người cao tuổi… Để giám sát tình hình 151 ổ dịch nói trên, Bộ Y tế Malaysia đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho 129.227 người. Ổ dịch lớn nhất Malaysia liên quan sự kiện Hồi giáo ở nhà thờ Sri Petaling, được phát hiện ngày 11/3 và bị đẩy lùi vào ngày 8/7, đã khiến 3.375 người nhiễm bệnh. Có 42.023 trường hợp liên quan ổ dịch này đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.

Tính đến hết ngày 10/11, Malaysia phát hiện tổng cộng 42.050 ca mắc COVID-19, trong đó 300 ca tử vong. Bang Sabah là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất cả nước với 20.234 ca, trong đó 147 ca tử vong. Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất hôm 6/11 vừa qua với 1.775 ca, trong khi số ca tử vong theo ngày cao nhất ghi nhận hôm 3/11 với 12 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 20/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia ghi nhận gần 3.800 ca nhiễm mới

Cùng ngày, Lực lượng đặc trách ứng phó với dịch COVID-19 của Indonesia cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 3.779 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 444.348 ca. Ngoài ra, với thêm 72 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia hiện tăng lên 14.761 ca.

Giới chức Indonesia xác nhận tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại nước này đều ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại đây.  

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trước khi lên xe buýt ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines: Ca nhiễm mới tiếp đà giảm

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 10/11 thông báo có 1.347 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 399.749 ca.   

DOH cũng cho biết tổng số bệnh nhân phục hồi đã tăng lên 361.919 người. Trong khi đó, với thêm 14 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã tăng lên 7.661 ca.

Theo thống kê của DOH, Philippines đã xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho hơn 4,77 triệu người tại quốc gia Đông Nam Á có khoảng 110 triệu dân này.

Chú thích ảnh
Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore có thể có vaccine COVID vào đầu năm 2021

Trang Straits Times cho biết, lô hàng vaccine COVID-19 do các nhà nghiên cứu Singapore hợp tác đồng phát triển dự kiến sẽ được phân phối trong quý 1 năm 2021. 

Công ty dược của Mỹ Arcturus Therapeutics hiện đang phối hợp với các nhà khoa học Singapore, đã cho biết thông tin trên và khẳng định các kết quả sơ bộ tích cực từ những cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đang diễn ra tại Singapore. 

Ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) đang rót khoảng 45 triệu USD cho việc sản xuất loại vaccine này. EDB cũng có quyền mua số vaccine trị giá 175 triệu USD, và dự kiến lô  hàng đầu tiên sẽ sẵn sàng vào đầu năm tới.

Hiện có 106 tình nguyện viên đang tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu với vaccine trên tại Singapore.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cảnh báo tình trạng mắc các bệnh về tâm thần ở bệnh nhân COVID-19
Cảnh báo tình trạng mắc các bệnh về tâm thần ở bệnh nhân COVID-19

Nhiều bệnh nhân sống sót sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ cao mắc các bệnh về tâm lý. Đây là kết quả trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet Psychiatry số ngày 9/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN