Tại một trang trại nhỏ ngoại ô thủ đô Rome, nhân công đang cần mẫn trên ruộng ngô gieo cấy giống cho vụ mùa sắp tới. Trong khi nông dân lành nghề từ Maroc, Romania và Nigeria biết rõ mình cần phải làm gì thì những người Italy mới được thuê vẫn còn lóng ngóng. “Những cây này ông phải vứt bỏ”, chủ trang trại nói với ông Massimiliano Cassina mới vào làm được một tuần.
Trước đây, ông Cassina (52 tuổi) điều hành một công ty dệt may có đối tác nước ngoài và chủ yếu sản xuất áo phông thể thao. Nhưng khi dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) ập tới, khiến trên 3.000 người Italy thiệt mạng và nền kinh tế chao đảo, công việc kinh doanh của ông cũng ngưng trệ. Để kiếm sống qua ngày, ông Cassina gia nhập bộ phận người Italy đi tìm tương lai tại các trang trại trên cả nước. “Những công việc này cho tôi một cơ hội”, người đàn ông 52 tuổi bịt khẩu trang xanh, tay đeo găng và áo quần ướt đẫm mồ hôi – chia sẻ.
“Virus SARS-CoV-2 buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại về mô hình phát triển và cách thức mà đất nước hoạt động”, bà Teresa Bellanova – Bộ trưởng Nông nghiệp Italy – trả lời trong một cuộc phỏng vấn. Bà cho biết đại dịch khiến Italy phải đối mặt với “tình trạng khan hiếm lương thực ở nhiều cấp độ dân số” và quốc gia cũng cần tìm ra một nền nông nghiệp để “thế hệ trẻ có thể thấy tương lai”.
Để làm được điều đó, nông nghiệp cần phải rũ bỏ sự kỳ thị lạc hậu của quá khứ tiền công nghiệp, mà thay vào đó phải áp dụng các kỹ thuật công nghệ, máy móc và hóa học. Bộ trưởng Teresa cho biết bà đã thảo luận phương hướng chuyển đổi này với những người đồng cấp Pháp, Tây Ban Nha và Đức. “Nông nghiệp không có nghĩa là quay lại với cày cuốc”, nữ lãnh đạo nhấn mạnh.
Một số quan chức và nông dân tìm thấy tiềm năng về nguồn nhân lực từ những người nghèo Italy. Rất nhiều trong số đó sống ở khu vực miền Nam không phát triển về kinh tế và được nhận trợ cấp thu nhập hàng tháng.
Trong tháng 4, Chính phủ Italy ban hành luật cho cho phép những người nhận trợ cấp hoãn việc nhận trong tối đa 60 ngày nếu họ tìm được việc làm trong ngành nông nghiệp. Ông Nazaro Lo Iacono (56 tuổi), sống gần Caserta, cho biết với luật đảm bảo mới, ông sẽ rất vui vẻ quay trở lại hái cà chua như thời còn trẻ, nếu như có hợp đồng lao động hợp lý. Vấn đề ở đây là có một vài chủ trang trại không trung thực, muốn cắt giảm lương và lợi dụng những người lao động nhập cư. Ông nói: “Vì lý do này, chúng tôi ngày càng rời xa nông nghiệp”.
Các hiệp hội nông nghiệp hàng đầu của Italy đã lập ra các trang web với tên gọi như Agrijob, Jobincountry… và nhận được 20.000 đơn đăng ký, hầu hết trong số đó là người Italy. “Đó là lộc trời cho”, Paolp Figna (26 tuổi) miêu tả công việc hái dâu tại một nông trường ngoài Verona sau khi anh mất công việc bồi bàn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng công việc đột ngột đối với nhiều người không phải là một điều dễ dàng. Theo ông Massimiliano Giansanti – Chủ tịch Confagricoltura, một trong những hiệp hội nông nghiệp lớn nhất Italy, nhiều người quan tâm tới công việc nông trại không được đào tạo từ trước hoặc không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. “Nông nghiệp không chỉ là hái một quả táo đỏ từ trên cây. Nghề nông là một ngành hiện đại đòi hỏi kỹ thuật, sự tỉ mỉ và khéo léo”. Cho đến giờ, số đông người Italy đều đánh đồng các vị trí tuyển dụng đăng trên trang web Agrijob là công việc “làm vườn”.
Bruno Francescon (45 tuổi) – chủ trang trại trồng chanh tại Mantova – đã thuê một nhóm nhân công Italy từng làm phục vụ trong khách sạn và tài xế xe buýt. Ông cho biết ông muốn thuê lao động lành nghề đến từ Ấn Độ và Maroc vì nhóm người Itaty ông mới thuê không có kỹ năng và thậm chí có một vài người đơn giản chỉ là muốn “bỏ chạy”.
Một chủ doanh trại trồng nho ở Alto Adige Bắc Italy đã phàn nàn rằng những người Italy ông thuê đã bỏ đi. Kết quả là ông phải thuê một chuyến bay để đưa 8 lao động Rumani dày dạn kinh nghiệm đến vườn nho của mình.
Đối với những chủ trang trại tại Italy, vấn đề mà họ đang phải đối mặt hiện nay là tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ có kinh nghiệm và liệu người lao động có đủ số lượng cho vụ thu hoạch sắp tới hay không.
Trong tháng Năm, Chính phủ Italy đã chi hơn 1 tỷ euro trợ cấp cho nông dân - một phần của gói cứu trợ trị giá 55 tỷ euro. Tuy nhiên, giải pháp này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi vì trong đó bao gồm một con đường hợp pháp hóa cho những người lao động không có giấy tờ trong lĩnh vực này.