Trong ngày 22/8, ASEAN ghi nhận 7.053 ca mắc COVID-19 tại sáu quốc gia và 120 ca tử vong tại hai quốc gia. Số ca mắc ở cả Philippines và Indonesia chiếm gần 99% tổng số ca bệnh mới trong ngày 22/8 ở ASEAN. Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 22/8 là Philippines (26 ca) và Indonesia (94 ca).
Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.884 ca. Trong 5 ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận trên 4.000 ca mắc hàng ngày và có xu hướng tăng dần mỗi ngày.
Tính tới hết 22/8, tổng số ca mắc ở Philippines là 187.249 ca, trong đó 2.966 ca tử vong. Nước này có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á và số ca tử vong cao thứ hai, sau Indonesia.
Trước đó, chính phủ Philippines đã nới lỏng phong tỏa ở trong và quanh thủ đô Manila khi Tổng thống Rodrigo Duterte cam kết làm mới cách tiếp cận trong phòng chống COVID-19. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Duterte nói cần mở lại nền kinh tế với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tồn tại, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ biện pháp an toàn phòng dịch.
Philippines đã rơi vào suy thoái lần đầu sau 29 năm khi GDP giảm kỷ lục trong quý hai năm nay do đại dịch COVID-19. Các biện pháp cách ly đã được áp đặt trở lại ở thủ đô và các tỉnh lân cận từ 4/8 đến 18/8 sau khi một nhóm bác sĩ và y tá cảnh báo hệ thống y tế có thể sụp đổ.
Phát ngôn viên của ông Duterte nói rằng chính phủ dùng khoảng thời gian hai tuần này để làm mới và kích hoạt lại phản ứng chống dịch bệnh, cho phép hoạt động doanh nghiệp nối lại và cho nhiều người trở lại làm việc. Theo quy định nới lỏng, phần lớn doanh nghiệp, kể cả dịch vụ ăn uống, đã được mở cửa lại.
Philippines cũng tăng cường xét nghiệm và kiểm tra từng nhà để truy dấu vết bệnh nhân COVID-19 có dấu hiệu bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng để đưa họ đi cách ly tập trung.
Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 20/8 là Indonesia với 2.090 ca, nâng tổng số ca lên 151.498 ca, trong đó 6.594 người chết. Như vậy, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Indonesia tiếp tục tăng kể cả sau khi nước này thực hiện biện pháp đối phó với dịch bệnh.
Trong tháng 8, Bộ Y tế Indonesia lưu ý rằng số ca gia tăng hàng ngày ở mức trung bình trên 2.000 ca so với mức trung bình dưới 2.000 ca trong tháng 7.
Bà Dewi Nur Aisyah, nhà dịch tễ học thuộc đội đặc nhiệm chống COVID-19 ở Indonesia, cho biết số ca gia tăng không có nghĩa là tình hình xấu đi hay cuộc chiến chống dịch bệnh thất bại. Bà cho rằng số ca gia tăng là do nhiều yếu tố, trong đó có tăng xét nghiệm.
Trong khi số ca mắc tiếp tục tăng, Bộ trưởng Giao thông lại khuyến khích các hãng hàng không quốc tế ở nước này thu hút khách du lịch tới các điểm đến ở Indonesia nhằm khôi phục nền kinh tế.
Đứng thứ ba về ca mắc hàng ngày là Singapore với 50 ca, trong đó có hai ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập khẩu. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore tới hết ngày 22/8 là 56.266 ca.
Cả hai ca nhiễm trong cộng đồng đều là người Singapore, còn 5 ca nhập khẩu đã cách ly tại nhà khi đến nước này.
Trong những ngày qua, số ca mắc ở Singapore đã giảm dần khi Singapore tuyên bố dập thành công ổ dịch ở khu nhà ở dành cho lao động nhập cư.
Từ ngày 1/9, người từ Brunei và New Zealand tới Singapore được xét nghiệm COVID-19 thay vì phải cách ly ở nhà 14 ngày. Điều kiện là người đó phải ở Brunei hoặc New Zealand trong 14 ngày liên tiếp trước khi nhập cảnh Singapore. Nếu có kết quả âm tính, họ sẽ được đi lại tự do ở Singapore. Brunei và New Zealand được chọn vì hai nước đã kiểm soát được dịch bệnh với tỷ lệ nhiễm chưa đầy 0,1%/100.000 dân.
Trong khi đó, ngày 22/8, Campuchia và Nhật Bản đã nhất trí mở lại biên giới cho người nước ngoài, có thể bắt đầu từ đầu tháng 9, với điều kiện họ phải tuân thủ thời gian tự cách ly 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác đối với dịch COVID-19.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Ngoại trưởng nước này Toshimitsu Motegi đã nhất trí về chính sách này với Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc gặp tại Phnom Penh. Đây là thỏa thuận thứ ba như thế mà Nhật Bản đã đạt được trong tháng này sau các thỏa thuận với Singapore và Malaysia, trong bối cảnh Tokyo tìm cách nới lỏng dần các hạn chế đối với việc nhập cảnh của công dân nước ngoài từ gần 150 quốc gia kể từ khi sự bùng phát đại dịch COVID-19.
Theo bộ trên, ông Motegi cũng thông báo cho ông Hun Sen rằng Nhật Bản chuẩn bị cho phép nhập cảnh đối với sinh viên Campuchia được Chính phủ Nhật Bản bảo trợ vào một ngày sớm nhất.