COVID-19 đến 6h sáng 8/11: Thế giới vượt 50 triệu ca bệnh, Mỹ liên tiếp trên 100.000 ca/ngày

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 485.318 ca mắc COVID-19 và 7.248 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh vượt ngưỡng 50 triệu, trong đó có trên 1.255.000 bệnh nhân không qua khỏi. Nước Mỹ và châu Âu chao đảo trong làn sóng dịch mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ 2020 ở Phoenix, bang Arizona sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm ngày 5/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 50.134.579 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.255.439 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 35.512.420 người, 13.353.660 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 91.513 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (113.302 ca), Italy (39.811 ca) và Ấn Độ (39.118 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 989 ca), tiếp theo là Mexico (551 ca) và Ấn Độ (529 ca).

Xét theo khu vực, châu Á tiếp tục là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (hơn 14,2 triệu ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu. Với hơn 11,9 triệu ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Âu với 11,7 triệu ca và Nam Mỹ với gần 10 triệu ca. Châu Phi (hơn 1,8 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 40.000 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tình hình dịch COVID-19 tại "điểm nóng" châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Ngày 7/11, Ba Lan thông báo có thêm 27.875 ca mắc và 445 ca tử vong liên quan đến COVID-19, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại nước này. Hiện số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 500.000 ca trong bối cảnh các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Chú thích ảnh
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ tại Atlanta, bang Georgia ngày 4/11/2020. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Mỹ: Liên tiếp vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm mới

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 243.1215 ca tử vong trong tổng số hơn 10.165.626 ca nhiễm. Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày tổng tuyển cử 3/11. Liên tiếp những ngày qua, Mỹ ghi nhận các kỷ lục lây nhiễm mới và lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, nước này trải qua một loạt ngày có số ca nhiễm mới đều ở mức trên 100.000.

Dịch bệnh cũng lây lan trong các quan chức chính phủ, trong đó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows là quan chức mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Mulhouse, miền đông nước Pháp, ngày 22/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Châu Âu "chao đảo" bất chấp các lệnh phong toả, hạn chế mới

Tại Đức, nước này thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 23.399 ca lên 642.488 ca. Số ca tử vong cũng tăng 130 ca lên 11.226 ca. CH Séc có thêm 11.547 ca mắc và 196 ca tử vong, nâng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 403.479 người và 4.330 người. Hungary cũng thông báo thêm 107 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc mới tăng thêm 5.318 ca. Hiện số ca mắc tại Hungary là 104.943 ca, trong đó có 2.357 ca tử vong và 5.612 bệnh nhân phải nhập viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm lưu động tại Memmingen, miền Nam Đức ngày 5/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, do dịch COVID-19 bùng phát tại các trang trại nuôi chồn hương ở Đan Mạch. Ngày 7/11, Anh đã quyết định cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Đan Mạch. Lệnh cấm nhập cảnh này có hiệu lực ngay lập tức. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một số loài động vật cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và một số trại chăn nuôi chồn ở Hà Lan và Tây Ban Nha cũng đã báo cáo một số trường hợp mắc bệnh. Trong tuyên bố mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo hiện đã có 6 nước ghi nhận các ca mắc COVID-19 có liên quan tới các trang trại nuôi chồn gồm Mỹ, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong ngày 7/11, Nga ghi nhận thêm 20.396 ca mắc, trong đó có 5.829 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.753.836 ca. Ngoài ra, nước này cũng thông báo có thêm 364 ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 30.251 ca.

Nước láng giềng Ukraine cũng thông báo 10.746 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 187 ca mắc mới. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Ukraine đã tăng lên 450.934 ca, trong đó có 8.312 ca tử vong.

Trong khi đó, nội các Bosnia - Herzegovina cho biết Thủ tướng nước này Zoran Tegeltija đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và đang tự cách ly tại nhà riêng. Tới nay, Bosnia - Herzegovina đã ghi nhận 59.427 bệnh nhân COVID-19, trong đó 1.457 người đã tử vong.

Châu Á: Ấn Độ tiếp đà giảm nhiệt

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 9/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Ấn Độ đang chứng kiến xu hướng dịch thuyên giảm với 39.118 ca nhiễm mới và 529 ca tử vong trong 24 giờ qua. Con số ca bệnh tại nước này đã cán mốc 8,5 triệu người, trong đó có 126.134 trường hợp tử vong và 7.860.171 bệnh nhân đã khỏi.

Tại khu vực Đông Nam Á,  Indonesia, Philippines và Malaysia đang là các "điểm nóng" dịch COVID-19. Ngày 7/11, Indonesia ghi nhận 4.262 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 433.836 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 98 ca lên 14.540 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ 2020 ở Phoenix, bang Arizona sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm ngày 5/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Malaysia cũng ghi nhận thêm 1.168 ca mắc, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 39.357 ca. Số ca tử vong tại nước này hiện là 282 ca, tăng 3 ca. Số ca mắc mới tiếp tục tăng cao khiến chính phủ quyết định gia hạn lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Kuala Lumpur cho tới đầu tháng 12. Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 2.157 ca mắc và 24 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là 393.961 ca và 7.485 ca. 

Ngày 7/11, Bộ Y tế Campuchia tiếp tục truy vết và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó sau chuyến thăm Campuchia vào ngày 3/11 vừa qua. Theo đó, tổng cộng có 889 người được xét nghiệm COVID-19 đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, bộ khuyến cáo những người này tiếp tục cách ly và phải tiến hành ba lần xét nghiệm nữa vào các ngày 9, 14 và 18/11.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, trái, và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh ngày 3/11/2020. Ảnh: AP 

Số người phải xét nghiệm COVID-19 tại Campuchia vẫn đang tiếp tục tăng, từ con số ban đầu là 628 người được cho là có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Szijjártó. Công tác xét nghiệm hàng loạt được thực hiện từ ngày 5/11 và con số này đã tăng lên 840 người vào ngày 6/11 và 889 người vào sáng 7/11. Trong số những người được xét nghiệm có Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, phu nhân Thủ tướng, cận vệ và các thành viên trong gia đình Thủ tướng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia (MFAIC), lãnh đạo và công chức MFAIC, cùng một số nhà báo tham gia đưa tin sự kiện Bộ trưởng Szijjártó thăm Campuchia.Cũng trong sáng 7/11, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo xác nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới là 2 người nước ngoài (một người Ấn Độ 33 tuổi và một người Pakistan 35 tuổi) nhập cảnh Campuchia vào ngày 5/11. Như vậy tính đến ngày 7/11, Campuchia có tổng cộng 294 ca mắc COVID-19, trong đó 288 ca đã khỏi bệnh và không có ca nào tử vong.

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lembang,Tây Java, Indonesia, ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đã nhất trí với đề xuất rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh từ những nước và vùng lãnh thổ có nguy cơ thấp trong đại dịch COVID-19 như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Trước đó, ngày 5/11, Tiểu ban Y tế của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã đồng ý giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày đối với khách du lịch nước ngoài đến từ các quốc có cùng nguy cơ lây nhiễm như Thái Lan hoặc cao hơn một chút. Tuy nhiên, những người đến từ những khu vực có nguy cơ cao vẫn phải thực hiện thời gian cách ly trong 14 ngày.

Tại Trung Đông, số ca mắc COVID-19 tại Iran, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã tăng lên 673.250 ca, với 9.450 ca mắc mới. Đây là số ca mắc mới cao nhất được ghi nhận trong một ngày sau khi con số này duy trì ở mức hơn 8.000 ca trong 6 ngày trước đó. Số ca tử vong cũng tăng thêm 423 ca lên 37.832 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lembang,Tây Java, Indonesia, ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận 49,8 triệu ca mắc, 1,25 triệu ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận 49,8 triệu ca mắc, 1,25 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 7/11, toàn thế giới đã ghi nhận 49,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,25 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 35,39 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN