Trong bối cảnh hai loại vaccine COVID-19 triển vọng nhất, gồm hai ứng cử viên vaccine của Pfizer và Moderna – được chứng minh có hiệu quả trên 90% - phải mất vài tháng nữa mới có thể được lưu hành rộng rãi, các thống đốc và thị trưởng trên khắp nước Mỹ đang khẩn trương áp dụng những quy định siết chặt dựa trên tình hình riêng mà không xét đến những hướng dẫn từ Washington D.C.
Tại Chicago (thủ phủ bang Illinois), yêu cầu “ở tại nhà” nhằm ngăn ngừa virus lây lan mạnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11 (giờ địa phương). Tại Philadelphia (bang Pennsylvania), các lệnh hạn chế mới được công bố vào cuối ngày 16/11 khi số ca nhiễm mới tại đây tăng vọt.
Tại bang New York, Thị trưởng New York City Bill de Blasio cho biết các trường học công lập hiện tại vẫn mở cửa nhưng một khi tỉ lệ xét nghiệm dương tính vượt quá 3%, ông sẽ buộc đóng cửa hệ thống trường công lập và nối lại hoạt động học tập từ xa. Hiện tại tỉ lệ xét nghiệm dương tính tại New York City đã ngấp nghé ngưỡng 3% này.
Dịp cuối tuần vừa qua, các thống đốc một loạt bang vùng Đông Bắc Mỹ, vốn chịu ảnh hưởng từ sớm của đại dịch, đã tổ chức hội nghị cấp cao nhằm thảo luận về dịch bệnh, đặc biệt là về tình trạng các cuộc gặp gỡ riêng tư đang đổ thêm dầu vào đà lây lan của virus, đẩy tỉ lệ nhập viện tăng cao trở lại.
Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy hôm 16/11 đã phải kêu lên trên chương trình “Morning Joe” của kênh MSNBC: “Làm ơn, Chúa ơi, đừng lên tới mức mà chúng ta đã chứng kiến hồi mùa Xuân”. “Chúng tôi cầu xin mọi người hãy nhớ trách nhiệm cá nhân của mình, đặc biệt là khi tham gia các cuộc gặp gỡ riêng tư”, ông Murphy kêu gọi.
Tia sáng cuối đường hầm
Trong bối cảnh dịch lây lan mạnh tại Mỹ, lại xuất hiện “một tia sáng cuối đường hầm” với việc người khổng lồ dược phẩm Moderna ngày 16/11 (giờ địa phương) thông báo ứng cử viên vaccine COVID-19, có tên mRNA-1273, của họ đã đạt hiệu quả ngăn ngừa bệnh là 94,5%. Kết quả cuộc thử nghiệm này được Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nhận xét là “thực sự đáng kinh ngạc".
Joe Biden, ứng cử viên chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho biết ông sẽ không ngần ngại tiêm vaccine này nếu như Tiến sĩ Fauci và các chuyên gia khác cho rằng nó an toàn. Tuy nhiên theo ông, các nhân viên làm việc ở tuyến đầu chống dịch nên được tiêm trước.
Trước đó, hôm 9/11 hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cũng công bố ứng cử viên vaccine COVID-19 do họ và đối tác BioNTech (Đức) phát triển, có tên BNT162b2, đã đạt hiệu quả ngừa bệnh trên 90% qua các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3.
Trước thông tin về kết quả thử nghiệm đầy hứa hẹn của ứng cử viên vaccine do Moderna sản xuất, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz ngày 16/11 phát biểu “đây là tia sáng cuối đường hầm”, nhưng cũng cảnh báo đây là “một đường hầm kéo dài” và “chúng ta cần đưa toàn bộ những người hàng xóm của ta cùng đến cuối hầm”.
Các chuyên gia y tế và các lãnh đạo bang tại Mỹ cảnh báo, trong lúc các cuộc thử nghiệm vaccine vẫn tiếp diễn, hàng chục nghìn mạng sống có thể được cứu sống hoặc mất đi, tùy thuộc vào hành động của con người. Các hoạt động tụ tập gần gũi trong những dịp lễ cuối năm như Lễ Tạ ơn sắp tới (26/11) đang là mối quan ngại lớn với giới chức bang.
Ứng phó với làn sóng lây lan kinh hoàng
Theo dự kiến, hầu hết người Mỹ sẽ không được tiêm phòng COVID-19 ít nhất cho đến đầu năm 2021. Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm mạnh đầu mùa Đông đang đẩy nước Mỹ vào một làn sóng tấn công với tốc độ chưa từng thấy. Theo CNN, trên toàn quốc trong 2 tuần liên tiếp, nước Mỹ ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và số ca nhiễm mới cũng liên tiếp lập những kỷ lục mới.
Kênh NBC cho hay, số ca mắc COVID-19 đã tăng mạnh trong ngày 16/11 (theo giờ địa phương) tại 49 bang và thủ đô Washington, các vùng lãnh thổ Puerto Rico, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ và đảo Guam. 11 trong số các bang trên, bao gồm Maine, Vermont, Minnesota, Iowa, New Hampshire, Colorado, Ohio, Kansas, Connecticut, Michigan và New York, có số ca nhiễm mới tăng vọt trong 2 tuần qua, với mức tăng lên tới trên 100% sau 14 ngày.
Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer hôm 16/11 đã phản bác bình luận của một trong những cố vấn về đại dịch của Tổng thống Trump, Tiến sĩ Scott Atlas, khi ông này đăng trên Twitter rằng người dân Michigan sẽ “vùng lên” chống lại bất cứ biện pháp giới hạn mới nào. “Với khoảng trống lãnh đạo ở Washington D.C, việc của các thống đốc bang là phải làm gì có thể để cứu sống các sinh mạng”, ông Whitmer khẳng định.
Trong bối cảnh hiện tại, ngay cả các nhà lãnh đạo bang của đảng Cộng hòa cũng đã bất chấp quan điểm của Tổng thống Trump, áp đặt các hạn chế khi số ca bệnh tăng vọt kéo theo tình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện.
Thống đốc bang North Dakota Doug Burgum hôm 13/11 thông báo rằng "Giới chức Y tế Tiểu bang, với sự ủng hộ của tôi, đã ban hành lệnh yêu cầu phải đeo khẩu trang ở tất cả các cơ sở kinh doanh trong nhà, các cơ sở công cộng cũng như các cơ sở công cộng ngoài trời nơi không thể thực hiện giãn cách xã hội".
Thống đốc bang Oklahoma, Kevin Stitt, người theo đảng Cộng hòa và trung thành với Tổng thống Trump, cũng ra lệnh yêu cầu tất cả nhân viên nhà nước phải đeo khẩu trang và các nhà hàng phải xếp bàn cách xa nhau tối thiểu 2 mét; tất cả các quán bar, nhà hàng phải đóng cửa trước 11h đêm. Bản thân ông Stitt từng có kết quả dương tính với COVID-19 hồi tháng 7 và là Thống đốc bang đầu tiên tại Mỹ nhiễm bệnh.
Tại Illinois, trong 11 ngày liên tiếp, tiểu bang này ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới/ngày. Số ca bệnh tại bang California đã tăng tới 51,3% trong tuần trước và ca nhiễm mới tăng gấp đôi chỉ trong 10 ngày. Khoảng 70% số hạt trong bang đang quay trở lại các lệnh hạn chế chặt hơn khi Thống đốc Gavin Newsom sử dụng biện pháp “kéo phanh khẩn cấp” để đối phó với khủng hoảng.
Bang California đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế lây lan. Tuần trước, California đã trở thành bang thứ hai tại Mỹ, sau Texas, vượt qua mốc 1 triệu ca bệnh. Thống đốc Newsom cho biết 41 trong tổng số 58 hạt, chiếm 94% dân số bang, sẽ được đặt dưới những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất trong hệ thống mở cửa lại 4 cấp của bang. Ở cấp này, khách hàng chỉ được phép tới không gian ngoài trời của các nhà hàng, phòng tập và nơi thờ tự. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang được siết chặt, đòi hỏi cư dân phải đeo bất cứ khi nào ra khỏi nhà.
Theo Đại học Washington, nếu 95% người Mỹ đeo khẩu trang liên tục, 68.000 sinh mạng có thể đã được cứu sống tính tới ngày 1/3/2020.
Tại Oregon, Thống đốc đảng Dân chủ Kate Brown thông báo 2 tuần “đóng băng xã hội”, bao gồm hạn chế các cuộc tụ tập, ngừng các nhà hàng phục vụ trong nhà, hạn chế số người tham gia các cơ sở tôn giáo; các cuộc tụ tập xã hội được hạn chế xuống tối đa 6 người.