Trong hội nghị các nhà tài trợ ngày 15/4 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Mỹ đồng tổ chức, COVAX đã thu được 400 triệu USD cam kết tài trợ đầu tiên, trong đó Thụy Điển là nước có mức đóng góp cao nhất ở thời điểm hiện tại (258 triệu USD) và Hà Lan cam kết 47 triệu USD.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh mọi người dân trên thế giới cần phải tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm và tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả và an toàn trong bối cảnh đại dịch này vẫn tiếp tục lây lan và trở thành mối đe dọa trên khắp thế giới.
Theo số liệu tổng hợp của AFP, tính đến nay đã có gần 840 triệu liều vaccine được tiêm chủng tại ít nhất 205 nước và vùng lãnh thổ. COVAX cũng đã phân phối hơn 38 triệu liều vaccine cho 113 nước và vùng lãnh thổ tham gia chương trình. Lô vaccine đầu tiên trong chương trình COVAX đã được chuyển tới Ghana vào ngày 24/2. COVAX đặt mục tiêu phân phối đủ lượng vaccine tiêm chủng cho 27% dân số trong 92 nền kinh tế nghèo nhất tham gia COVAX vào cuối năm 2021.
COVAX do Liên minh Vaccine GAVI, WHO và Liên minh những đổi mới trong việc chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) phối hợp vận hành. Người đứng đầu GAVI Seth Berkley cho biết cơ chế này cũng đã được thỏa thuận mua 2,5 tỷ liều vaccine từ các hãng dược phẩm, tuy nhiên, công tác thu mua cần nguồn tài chính để đẩy nhanh tiến độ.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chính phủ Nhật Bản đang xem xét bổ sung nguồn vốn viện trợ hàng tỉ yên cho COVAX với mục tiêu đi tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống COVID-19 cũng như kêu gọi các quốc gia tăng cường viện trợ cho khuôn khổ hợp tác này.
Đến thời điểm hiện tại, cơ chế hợp tác này đã huy động được khoản viện trợ hơn 6 tỷ USD, trong đó, Nhật Bản đã đưa ra cam kết viện trợ khoảng 200 triệu USD.
Dự kiến trong tháng 6, các quốc gia liên quan sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến để thảo luận về việc huy động nguồn vốn bổ sung cho Cơ chế COVAX. Với tư cách là quốc gia chủ trì hội nghị, Nhật Bản kỳ vọng việc sớm đưa ra cam kết viện trợ bổ sung sẽ góp phần thúc đẩy huy động vốn và hợp tác từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).