Theo kênh Al Jazeera, ngày 20/3, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt Vishnu - công ty vận tải biển đăng ký tại Quần đảo Marshall. Lý do là một trong số tàu của công ty này có vận chuyển hàng bất hợp pháp.
Phía Mỹ nói rằng số hàng này là để hỗ trợ cho Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC-QF) và người phụ trách thu xếp tài chính cho Houthi là Sa'id al-Jamal – nhân vật đang bị cơ quan chống khủng bố của Mỹ trừng phạt.
Ông Brian Nelson, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Chúng tôi vẫn cam kết ngăn chặn các nỗ lực của IRGC-QF và Houthi nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục nhắm vào các dòng tiền quan trọng được dùng để đe dọa dân thường và thương mại quốc tế”.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, tàu Lady Sofia thuộc công ty Vishnu đã nhận một lô hàng Iran từ một tàu có tên Mehle thuộc một công ty đã bị trừng phạt và có liên quan đến al-Jamal.
Bộ Tài chính Mỹ không nói tàu trên chở hàng gì khi đang đi tới Trung Quốc, cũng không nói rõ ai là chủ của lô hàng. Hiện tại, dầu và hóa dầu của Iran đang bị Mỹ trừng phạt nghiêm ngặt.
Theo các biện pháp trừng phạt, Mỹ sẽ đóng băng tài sản của công ty Vishnu ở Mỹ và cấm công dân Mỹ làm ăn với công ty này.
Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt trên trong bối cảnh nước này tăng cường ngăn chặn Houthi tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Vào tháng 1 vừa qua, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi lực lượng Houthi là “khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt” để phản ứng với các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, từ đó hạn chế tài chính nghiêm ngặt đối với nhóm này.
Mỹ cũng đã dẫn đầu chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen trong ba tháng qua, nhưng Houthi vẫn tiếp tục các cuộc tấn công ở Biển Đỏ.
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ vừa công bố dường như nhằm vào cả Houthi và Iran.
Mỹ và Iran đã gia tăng căng thẳng gia tăng kể từ năm 2018, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden hứa hẹn sẽ hồi sinh thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
Nhưng khi nhiều vòng đàm phán gián tiếp không khôi phục được thỏa thuận thuận trên, Mỹ tiếp tục thực thi chế độ trừng phạt Iran và ngày càng áp nhiều lệnh trừng phạt hơn.
Các cuộc đàm phán về JCPOA cuối cùng đã bị đình trệ và những nỗ lực khôi phục thỏa thuận này trở nên phức tạp hơn do một số diễn biến sau đó.
Tuy nhiên, hai nước đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân vào năm 2023. Theo đó, Iran thả 5 công dân Mỹ bị và Mỹ ngừng phong tỏa tài sản trị giá 6 tỷ USD của Iran để sử dụng cho mục đích nhân đạo.
Sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, Tổng thống Biden phải đối mặt với lời kêu gọi đóng băng lại các tài sản của Iran.
Iran chưa phản hồi về thông tin trên, nhưng trước đó vào ngày 19/3, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani đã bác bỏ những cáo buộc gần đây của Mỹ và Anh về việc Iran đang cung cấp vũ khí cho Houthi. Ông Iravani khẳng định Iran vẫn cam kết tuân thủ các nghị quyết 2140 và 2216 của Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Yemen và chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động nào, kể cả việc bán hoặc chuyển giao vũ khí hoặc hệ thống vũ khí cho Houthi.