Nhân viên mua sản phẩm Apple sẽ bị phạt
Theo CNN, một số tổ chức, công ty khắp Trung Quốc đã phát thông báo kêu gọi nhân viên thể hiện sự ủng hộ với tập đoàn Huawei, đồng thời cảnh báo trừng phạt bất kỳ ai bị bắt gặp sử dụng sản phẩm của Apple. Có công ty Trung Quốc thậm chí còn trợ cấp tiền cho nhân viên để mua điện thoại thông minh Trung Quốc.
Phòng Thương mại Nanchong ở Thượng Hải nói trong một tuyên bố tuần này: “Mỹ định kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc… Tôi cho rằng chúng ta, người Trung Quốc cần đoàn kết và ủng hộ sản phẩm quốc gia”. Kèm theo lời kêu gọi là một cảnh báo rằng bất kỳ ai mua sản phẩm của Apple sẽ bị cấm.
Theo CNN, không có công ty lớn hay cơ quan nào của Chính phủ Trung Quốc công khai ủng hộ hoặc tham gia kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ, nhưng một loạt nhà cung cấp và tổ chức nhỏ đã hào hứng tham gia.
Menpad, nhà cung cấp linh kiện điện tử ở Shenzhen ngày 10/12 cho biết sẽ giúp nhân viên công ty 15% số tiền nếu họ mua điện thoại Huawei hoặc ZTE. Công ty cũng sẽ phạt nhân viên nếu họ mua điện thoại Apple với số tiền phạt bằng 100% giá thị trường. Công ty này còn kêu gọi: “Hãy ngừng mua sản phẩm thương hiệu Mỹ để làm thiết bị văn phòng, ví dự như máy tính làm việc”.
Tại tỉnh miền tây Tứ Xuyên, công ty Công nghệ Thông tin Chengdu RYD cho biết sẽ chỉ chọn mua thiết bị Huawei từ nay trở đi. Công ty cũng sẽ giúp nhân viên 15% số tiền để mua sản phẩm Huawei.
Công ty này thông báo trên tài khoản mạng xã hội: “Chengdu RYD trân trọng và hợp tác với các nhà cung cấp có năng lực và sản phẩm, dịch vụ chất lượng tuyệt vời”.
Ông Luo Qiang, Thư ký Phòng Thương mại Nanchong cho biết chính phủ không hướng dẫn việc tẩy chay này mà đó là hành động của công dân bình thường ở Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi không có súng hay đại bác, chúng tôi là thường dân chỉ có tự do ngôn luận”.
Các công ty khác chỉ dừng lại ở việc ủng hộ Huawei mà không đề cập tới việc tẩy chay Apple, ví dụ như công ty Công nghệ Thông tin Xinjiang Nor-West Star. Công ty này cho biết: “Chúng tôi tích cực ủng hộ lời kêu gọi hỗ trợ Huawei và bảo vệ thương hiệu quốc gia bằng hành động thiết thực”.
Trước đó, ngày 10/12, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Phúc Châu đã chấp thuận đề nghị của Qualcomm về việc ban bố 2 lệnh cấm sơ bộ đối với 4 nhà phân phối của Apple, theo đó yêu cầu họ ngay lập tức ngừng bán các sản phẩm iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.
Phó Giám đốc điều hành của Qualcomm, Don Rosenberg cáo buộc Apple tiếp tục hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của Qualcomm trong khi không chịu đền bù cho hãng này. Trong khi đó, Apple cho rằng việc Qualcomm tìm cách để các sản phẩm của Apple bị cấm bán là một động thái "liều lĩnh" khác của nhà sản xuất chip vốn đang bị điều tra về các hành vi bất hợp pháp trên toàn thế giới. Apple cũng cho biết tất cả các mẫu iPhone của hãng này vẫn đang được bày bán tại thị trường Trung Quốc.
Các diễn biến trên diễn ra sau khi có thông tin rằng bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei và là con gái người sáng lập tập đoàn, đã bị bắt ở Vancouver, Canada ngày 1/12. Bà được tại ngoại nhưng có thể bị dẫn độ về Mỹ. Sự việc đã châm ngòi làn sóng giận dữ trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) có đoạn: “Đối xử với một công dân Trung Quốc như một tội phạm nghiêm trọng, thô bạo chà đạp nhân quyền cơ bản của họ, không tôn trọng phẩm giá của họ. Làm sao đây lại là phương pháp mà một quốc gia văn minh sử dụng? Làm sao mà điều này lại không khiến người ta nổi giận?”
Làn sóng giận dữ hiện nay khiến người ta nhớ lại các lần tẩy chay trước đó tại Trung Quốc sau khi Trung Quốc cho rằng mình bị các nước khác hành xử bất công. Nhiều lần, làn sóng tẩy chay đã gây ra biểu tình quy mô lớn, gây thiệt hại.
Ví dụ như năm 2012, các công ty Nhật Bản bị tấn công và ít nhất một người thiệt mạng trong biểu tình rầm rộ khắp Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Cảnh tượng tương tự xảy ra năm 2008 sau khi Chính phủ Pháp dường như ủng hộ những người thúc đẩy độc lập cho khu vực Tây Tạng.
Ông Rana Mitter, Giám đốc Đại học Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford cho rằng tẩy chay hàng Mỹ là hành động thường thấy ở Trung Quốc trong ba thập kỷ qua.
Ông nói: “Tuy nhiên, nhưng việc này thường không leo thang lên mức độ lớn hơn nếu chưa có sự cho phép chính thức ở mức độ nào đó”.
Đàm phán thương mại vẫn tiếp tục
Bất chấp phản ứng giận dữ trước vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và cơn giận của báo chí Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy đàm phán thương mại.
Theo một tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc, nhà đàm phán Trung Quốc Liu He ngày 11/12 đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina đầu tháng 12.
Theo thỏa thuận, hai bên đã tạm ngừng cuộc chiến thương mại 90 ngày để tìm kiếm thỏa thuận lâu dài. Chính quyền Mỹ đã cảnh báo có thể tăng thuế với hàng Trung Quốc từ 10 lên 25% nếu không đạt được thỏa thuận vào ngày 1/3.
Ông Rana Mitter nhận định Chính phủ Trung Quốc muốn tránh phản ứng hoặc làn sóng tẩy chay lớn với Mỹ và Canada trong lúc đàm phán thương mại diễn ra vì có thể Chính phủ Mỹ sẽ rúi khỏi đàm phán. Ông nói: “Rủi ro là rất cao trong tranh cai thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ”.