Mối đe dọa an ninh quốc gia
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính và là con gái của người sáng lập Huawei bị bắt ở Vancouver, Canada và có thể sớm bị dẫn độ về Mỹ đối mặt với các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt, theo đó cấm Huawei bán thiết bị cho Iran.
Huawei là một công ty công nghệ lớn quy mô toàn cầu, là công ty bán điện loại lớn thứ hai thế giới, sau Samsung. Sản phẩm của Huawei là điện thoại cao cấp với thiết kế bắt mắt, đặc điểm phần cứng ưu việt, cạnh tranh với các sản phẩm của Samsung và Apple.
Mặc dù người tiêu dùng toàn cầu đa số chỉ biết tới thương hiệu Huawei qua các hàng tiêu dùng điện tử như điện thoại, TV, máy tính bảng, máy tính xách tay, nhưng Huawei còn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn. Nói đơn giản là Huawei bán một số phần cứng để điện thoại kết nối với các mạng không dây.
Từ năm 2012, các nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu hành động để ngăn cản các công ty cung cấp dịch vụ không dây ở Mỹ mua thiết bị từ Huawei và ZTE – một công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ lo ngại thiết bị của hai công ty này có thể trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia nếu nó được triển khai khắp Mỹ.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Huawei sẽ cho phép Chính phủ Trung Quốc giám sát liên lạc điện tử của bất kỳ ai sử dụng công nghệ Huawei. Đây là lý do tại sao lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ hồi tháng 2 đã kêu gọi người Mỹ không sử dụng Huawei và ZTE.
Mối lo ngại trên bắt nguồn từ việc Tổng giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên Ren Zhengfei từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Huawei luôn bác bỏ cáo buộc thiết bị của mình dễ bị do thám hơn các thiết bị khác.
Theo hãng tin Bloomberg, hiện vẫn khó có thể nói chắc chắn rằng Huawei là một “tay trong” của Chính phủ Trung Quốc, mặc dù người sáng lập từng làm việc cho quân đội Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào Huawei.
Cạnh tranh công nghệ
Ngoài mối lo về đe dọa an ninh quốc gia, Mỹ còn coi Huawei là vật cản trong cuộc cạnh tranh ngôi vương ở lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Theo CNN, Huawei có tầm quan trọng để Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và trở thành một trung tâm sáng tạo có bản quyền riêng. Trung Quốc đã rót hàng trăm tỷ USD vào kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” nhằm biến nước này thành nước dẫn đầu toàn cầu trong các lĩnh vực như robot, ô tô điện và chip máy tính. Ưu tiên hàng đầu là ra mắt công nghệ không dây 5G – công nghệ mà Huawei đang chuẩn bị triển khai.
Mỹ đã thể hiện rõ ý định muốn đẩy lùi sức mạnh công nghệ ngày càng phát triển của Trung Quốc nhằm duy trì vị trí hàng đầu của mình.
Ông James Andrew Lewis, Giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc về và Chiến lược ở Washington, nhận định: “Cơ sở của an ninh và quyền lực nay đã khác. Khả năng sáng tạo và sử dụng công nghệ mới là nguồn lực sức mạnh kinh tế và an ninh quân sự”.
Góc nhìn này phản ánh suy nghĩ của Trung Quốc về mục đích thực sự khi Canada bắt và Mạnh Vãn Chu của Huawei. Một bài bình luận trên tờ China Daily ngày 6/12 nhấn mạnh: “Mỹ đang tìm cách làm bất kỳ điều gì có thể để kiềm chế sự phát triển của Huawei trên thế giới, đơn giản là vì công ty này đang là người dẫn đường cho các công ty công nghệ của Trung Quốc”.
Huawei hiện là công ty đi đầu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai mạng 5G của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói muốn Trung Quốc thống trị thị trường 5G toàn cầu.
Huawei đã chi nhiều tiền nghiên cứu và phát triển, tiếp thị thiết bị 5G. Theo ông Paul Triolo, Giám đốc Chính sách công nghệ toàn cầu tại công ty tư vấn Eurasia Group, Huawei là công ty duy nhất trên thế giới hiện nay có khả năng sản xuất mọi yếu tố của một mạng 5G, như thiết bị phủ sóng vô tuyến, trung tâm dữ liệu, ăng ten và điện thoại di động.
Những nước cấm cửa Huawei
Trước khi mạng 5G được triển khai, một số nước đã lấy lý do phần cứng Trung Quốc có thể bị sử dụng để do thám toàn cầu để cấm Huawei. Tới nay, bốn quốc gia đã chính thức tuyên bố sẽ không không cho phép Huawei tham gia thử nghiệm 5G.
Mỹ
Để ngăn chặn Huawei có thêm quá nhiều sức mạnh ở Mỹ, các nghị sĩ đã kêu gọi nhà mạng không dây AT&T cân nhắc lại các hợp đồng tiềm năng với Huawei.
Năm 2012, khi Huwei và ZTE bị điều tra về mối đe dọa an ninh, Quốc hội Mỹ đã kết luận rằng Huawei không hợp tác điều tra và không sẵn sàng giải thích mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.
Từ đó, Mỹ luôn ngăn chặn đồng minh sử dụng công nghệ Huawei cho các cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các nước trong nhóm “Five Eye” (Năm con mắt) như Canada, New Zealand, Australia, Anh – những nước mà Mỹ chia sẻ thông tin tình báo diện rộng.
Mỹ cũng tìm cách thuyết phục các nước như Đức cấm Huawei cung cấp công nghệ trong tương lai gần.
Australia
Nước này đã cấm Huawei cung cấp công nghệ 5G hồi tháng 8, nhưng không đề cập cụ thể tên Huawei.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Australia nói các công ty có thể chịu sự chỉ đạo của một chính phủ nước ngoài sẽ không được phép cung cấp công nghệ 5G. Tuyên bố này rõ ràng nhằm vào Huawei.
Hiện nay, Huawei cung cấp mạng 4G ở Australia.
Sau quyết định của Australia, Huawei cho biết không có sự khác nhau nhiều giữa kiến trúc 4G và 5G và rằng 5G mang lại an ninh tốt hơn.
New Zealand
Hồi tháng 11, New Zealand thông báo sẽ thực hiện các biện pháp tương tự Ausrtalia sau khi nhà mạng Spark có đề nghị được sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G của mình.
Yêu cầu trên của Spark bị chính phủ bác bỏ với lý do công nghệ 5G đặt ra rủi ro lớn hơn vì mạng internet di động và tính năng của điện thoại di động được kết hợp.
Anh
Là thành viên quan trọng thứ hai của nhóm “Five Eye”, Anh đã liên tục kêu gọi đồng minh cấm Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G.
Tới nay, Anh chưa chính thức cấm Huawei nhưng đang tranh luận xem có nên thực hiện các biện pháp đặc biệt hay không.
Dù vậy, trước khi Chính phủ Anh có bất kỳ quyết định nào thì công ty viễn thông Anh BT ngày 5/12 đã thông báo sẽ không sử dụng công nghệ Huawei trong mạng lưới 5G sắp được triển khai, đồng thời sẽ loại bỏ các phần liên quan tới Huawei khỏi mạng 3G và 4G hiện nay.
Trong khi đó, Canada và Đức chưa quyết định về tương lai của Huawei. Dù vậy, một lệnh cấm có thể được đưa ra sớm ở hai quốc gia.