Công nhân dầu mỏ Kuwait biểu tình phản đối cắt giảm thu nhập

Ngày 17/4, hàng nghìn công nhân ngành dầu mỏ của Kuwait đã bắt đầu cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm lương - thưởng, cảnh báo hành động này có thể khiến sản lượng khai thác dầu của nước này lao dốc.

Chủ tịch Liên đoàn Công nhân dầu mỏ Saif al-Qahtani tuyên bố hành động phản đối sẽ kéo dài cho tới khi các yêu cầu của công nhân được giới chủ chấp nhận. Trong khi đó, người phát ngôn của Công ty Dầu lửa Kuwait (KOC), ông Saad al-Azemi, cho biết sản lượng dầu của nước này trong ngày biểu tình đầu tiên này đã sụt giảm xuống còn 1,1 triệu thùng, giảm mạnh so với con số trung bình 3 triệu thùng/ngày của nước lớn thứ tư trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ này (OPEC). Sản lượng khí đốt tự nhiên cũng giảm từ mức hơn 1,3 tỷ feet khối/ngày xuống còn 620 triệu feet khối.

Thu nhập từ dầu mỏ đóng góp khoảng 94% tổng nguồn thu ngân sách của Kuwait. Ảnh: Internet.

Trong một phản ứng đầu tiên, Chính phủ Kuwait đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc biểu tình lãn công, coi là đây là "hành động không thể chấp nhận được", vi phạm luật pháp và yêu cầu cơ quan chức năng có các hành động pháp lý phù hợp đối với những người liên quan.

 Chính phủ cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu mỏ Kuwait (KPC) huy động nguồn nhân lực cần thiết để đảm bảo duy trì sản xuất. Tập đoàn cho biết đã khởi động "kế hoạch khẩn cấp" để đảm bảo các thị trường trong nước và quốc tế không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, buộc chính quyền Kuwait phải cân nhắc các biện pháp giảm lương và các khoản phụ cấp, tiền thưởng cho khoảng 20.000 nhân công làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ.

Hoạt động biểu tình này diễn ra cùng ngày các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong và ngoài OPEC nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về khả năng "đóng băng" sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.

Trước cuộc họp ở Doha, OPEC đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Giá dầu thô đã giảm giá khoảng 60% kể từ giữa năm 2014 trong bối cảnh nguồn dư cung lớn mà một trong những nguyên nhân là do OPEC từ chối cắt giảm sản lượng. 

Giá dầu sụt giảm khiến các nước sản xuất dầu bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn. Về mặt lý thuyết, nếu cuộc họp tại Qatar đạt được thỏa thuận nhằm khống chế mức dầu xuất ra thị trường, tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ giảm bớt giúp đẩy giá bán dầu tăng, cải thiện nguồn tài chính của các nước sản xuất dầu.
TTXVN
Tất cả các nước OPEC tham gia Thỏa thuận Doha
Tất cả các nước OPEC tham gia Thỏa thuận Doha

Trong khi tất cả thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đồng ý tham gia Thỏa thuận Doha về đóng băng sản lượng, Saudi Arabia vẫn chuẩn bị cho “thời đại hậu dầu mỏ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN