Công nghệ xử lý rác thời 4.0

Rác thải là vấn đề nhức nhối của toàn thế giới, với khoảng 2 tỷ tấn rác thải ra trên thế giới mỗi năm.

Chú thích ảnh
Nhà máy năng lượng từ rác thải Copenhill trở
thành một địa điểm nổi tiếng của thủ đô Đan Mạch. Ảnh: The New York Times

Dân số thành thị tăng mạnh, rác thải cũng không ngừng tăng theo khiến các thành phố buộc phải tìm giải pháp hữu hiệu để xử lý. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ tiên tiến mới.

Theo kênh CNN (Mỹ), thị trường xử lý rác thải toàn cầu đang “nở rộ” và dự kiến tăng từ 331 tỷ USD năm 2017 lên 530 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2050, khoảng 68% dân số thế giới sẽ sống ở khu vực thành thị, gây áp lực lớn đến cơ sở hạ tầng.

Các thành phố giải quyết được vấn đề rác thải nhanh chóng sẽ nắm bắt cơ hội tốt nhất để tránh hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Thời gian qua, hàng loạt đô thị trên khắp thế giới đã áp dụng công nghệ mới để tối ưu khả năng xử lý rác.

Sản xuất điện từ rác thải

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch gần đây đã khánh thành nhà máy điện Copenhill (còn gọi là Amager Bakke). Nhà máy này đốt rác thải thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Trung bình mỗi năm Copenhill sẽ biến 450.000 tấn rác thải thành điện, cung cấp cho 30.000 hộ dân và sưởi ấm 72.000 căn nhà.

Dù Copenhill vẫn sản sinh CO2 từ việc đốt rác nhưng Copenhagen dự kiến lắp đặt một hệ thống để thu khí thải. Sau đó, Copenhagen còn xem xét cách lưu trữ CO2 hoặc tìm hướng sử dụng thương mại với loại khí này. Thị trưởng Frank Jensen chia sẻrằng mục tiêu của Copenhagen là trở thành thành phố carbon trung tính đầu tiên của thế giới vào năm 2025.

Các thành phố khác như Addis Ababa tại Ethiopia, Thâm Quyến ở Trung Quốc và Thủ đô Hà Nội cũng đang thử nghiệm những nhà máy biến rác thành điện tương tự.

Đặc biệt là Thụy Điển, nước có nhà máy điện sử dụng khoảng 2 triệu tấn rác mỗi năm. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Thụy Điển không có đủ rác thải để cung cấp cho nhà máy điện. Tờ Huffington Post (Mỹ) cho biết mỗi năm Thụy Điển nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác từ các quốc gia láng giềng để cung cấp cho nhà máy sản xuất điện.

Người phụ trách mảng rác thải rắn của Nhóm C40 Cities – mạng lưới các thành phố trên toàn cầu cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu – ông Ricardo Cepeda Márquez cho hay công nghệ biến rác thải thành điện có một số hạn chế.

Một thành phố cần chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng chắc chắn và hệ thống thu gom rác chặt chẽ thì mới có lợi ích từ những nhà máy biến rác thành năng lượng này. Ông Márquez nói: “Nếu bạn có một hệ thống không ổn thì chẳng có công nghệ nào sửa chữa được”.

Phân loại rác thông minh hơn

Một số thành phố lại chú trọng ngay từ bước xử lý rác trên đường phố khi sử dụng trí thông minh nhân tạo và máy móc tự động để phân loại rác thải tái chế hoặc trang bị thêm cảm biến nhằm giảm lượng rác bị vứt bừa bãi.

Ví dụ như Singapore và Seoul (Hàn Quốc) đã lắp đặt thùng rác thông minh năng lượng mặt trời trên đường phố. Khi thùng đầy rác, cảm biến sẽ báo cho người thu gom.

Chú thích ảnh
Thùng rác thông minh năng lượng Mặt Trời tại
Singapore. Ảnh: Straitstimes

Một biện pháp khác là điều xe tải riêng để thu thập các loại rác khác nhau như xe tải chuyên thu gom rác thải nhựa để tái chế, xe tải thu gom thực phẩm thừa… Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ tốn kém vì phải huy động nhiều phương tiện, làm tăng chi phí và gây tắc đường. Nhiều thành phố ở châu Âu có đường nhỏ hẹp nên không đủ không gian cho các xe tải thu gom rác riêng biệt cùng hoạt động.

Thủ đô Oslo của Na Uy đã có giải pháp thông minh để tránh điều này. Từ năm 2012, người dân Oslo được yêu cầu sử dụng túi khác màu để đựng các loại rác khác nhau. Xe môi trường sẽ thu gom tất cả túi rác này sau đó mang chúng tới nhà máy để phân loại.

Túi màu xanh lục đựng thực phẩm thừa, còn túi xanh dương đựng rác thải nhựa. Chính quyền thành phố Oslo khẳng định rằng tăng cường chiến dịch tuyên truyền với người dân và đẩy mạnh phân loại rác thải đã đem lại hiệu quả tích cực vì ngày càng có nhiều rác được tái chế. Năm 2018, 37% rác thải từ các hộ gia đình tại Oslo được tái chế (năm 2004 chỉ ở mức 10%).

Công nghệ khuyến khích người dân

Nhiều cửa hàng tạp hóa và cả trung tâm thương mại ở các thành phố khắp nước Mỹ đã lắp đặt 2.800 máy ecoATM sẵn sàng “nhả tiền” khi được nạp thiết bị điện tử cũ. Hệ thống thu gom thông minh này được coi là giải pháp thuận tiện để xử lý rác thải điện tử, giúp hơn 14 triệu chiếc điện thoại cũ và máy tính bảng không bị vứt ra bãi rác.

Cách tiếp cận này rất đơn giản vì chỉ cần mang thiết bị điện tử cũ đến nơi lắp đặt ecoATM gần nhất. Những thiết bị điện tử cũ này sau đó sẽ được tái chế hoặc sửa chữa để bán lại.

Còn tại Trung Quốc, khi người dân Thượng Hải phàn nàn về khó khăn trong phân loại rác thành 4 loại theo quy định mới của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ 1/6, hàng loạt công ty công nghệ nước này đã sáng tạo ra các ứng dụng để hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Rác được phân loại tại nhà máy ở Oslo, Na Uy. Ảnh: CNN

Theo quy định mới, rác sẽ được phân loại thành 4 loại là rác phân hủy sinh học, rác khô, rác độc hại và rác có thể tái chế. Tuy nhiên, người dân gặp nhiều khó khăn trong phân loại chính xác rác thải. Công ty Tencent đã cho ra đời ứng dụng có tên “Bậc thầy phân loại rác” dành cho người sử dụng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến và hướng dẫn cách phân loại rác dựa trên từ khóa.

Alipay cũng triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo và thực tế tăng cường trong chương trình phân loại rác ở Thượng Hải và các thành phố khác. Người sử dụng sẽ dùng camera trên điện thoại thông minh để biết rác thuộc loại nào. Alipay cho biết chương trình này kể từ khi được thử nghiệm vào đầu tháng 7 đã đủ khả năng lọc được hơn 4.000 loại rác thải khác nhau và hỗ trợ 3 triệu người sử dụng.

Tại Bắc Kinh, các thùng rác ở một số khu dân cư còn được gắn hệ thống nhận diện khuôn mặt để đánh giá xem người dân có phân loại rác đúng quy định hay không. Ai đặt rác vào đúng thùng tái chế có thể nhận thêm điểm tín nhiệm xã hội. Với hơn 1,3 tỷ dân, Trung Quốc là nước thải ra nhiều rác thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Apple tái chế iPhone bằng robot
Apple tái chế iPhone bằng robot

Apple đang nỗ lực thay đổi cách tái chế đồ điện tử bằng một loại robot có khả năng tháo rời iPhone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN