Theo kênh CNN (Mỹ), cuối năm là thời điểm gió lạnh ùa về và không khí miền bắc Ấn Độ luôn ngập khói. Sau vụ thu hoạch mùa đông, hàng triệu nông dân đốt rơm rạ, dọn dẹp cánh đồng chuẩn bị cho vụ gieo cấy mới.
Gốc rạ bị đốt cháy tạo ra lượng lớn khói lan khắp các bang Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và thủ đô New Delhi. Nhiều năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng tìm giải pháp thay thế để giảm tình trạng đốt rơm rạ nhưng phần lớn đều thất bại.
Doanh nhân Vidyut Mohan (30 tuổi) đã đưa ra giải pháp có thể giúp giảm ô nhiễm không khí và thậm chí còn giúp người nông dân thu được lợi nhuận. Công ty của Mohan có tên Takachar, đã phát triển công nghệ có thể chuyển rác thải sinh học thành phân bón.
Takachar sáng chế ra thiết bị có thể đặt vào đằng sau xe tải nhỏ hoặc đặt lên máy cày di chuyển khắp các diện tích trồng trọt. Thiết bị này sẽ gom rác thải nông nghiệp và đốt chúng một cách có kiểm soát để loại bỏ những hạt vật chất gây ô nhiễm và khí thải CO2.
Anh Vidyut Mohan chia sẻ: “So sánh với việc đốt rác thải nông nghiệp, thiết bị của chúng tôi ngăn chặn được tới 98% khói thải ra”. Sau đó, quá trình này tạo ra phân bón. Takachar dự kiến hợp tác với các doanh nhân khắp Ấn Độ để sử dụng thiết bị này dọn dẹp các cánh đồng cho nông dân và chia sẻ lợi nhuận thu được từ việc bán phân bón.
Mohan cùng đội ngũ của anh đã thử nghiệm thiết bị tại Ấn Độ và cũng đưa mẫu sáng chế của họ đến Mỹ và Kenya. Công ty Takachar được thành lập với mục tiêu chống biến đổi khí hậu bằng việc tạo ra các sản phẩm thương mại từ rác thải sinh học. Một trong những tiêu chí của Takachar là giúp tăng thu nhập của vùng nông thôn lên 40%.
Trong thập niên qua, Ấn Độ đã gặp khó khăn trong việc xử lý các thách thức khẩn cấp do biến đổi khí hậu gây ra cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của một nền kinh tế đang phát triển. Trong hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết rằng nước này đến năm 2070 sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Theo báo cáo thường niên của Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago (Mỹ), Ấn Độ là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất toàn cầu. Người dân tại đây sẽ tăng tuổi thọ trung bình 5,9 năm nếu nước này giảm được ô nhiễm nằm trong mức Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Báo cáo cũng cho biết các bang miền bắc Ấn Độ, vốn dựa nhiều vào nông nghiệp, đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất và hoạt động đốt rơm rạ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm trong khu vực.