Cộng hòa Séc bước vào cuộc bầu cử tổng thống 2018

Vào lúc 14h00 (tức 20h00 giờ Hà Nội) ngày 12/1, Cộng hòa (CH) Séc bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Đây là lần thứ hai trong lịch sử CH Séc tổng thống được toàn dân lựa chọn trực tiếp chứ không thông qua hai viện của Quốc hội.

Áp phích tranh cử trên đường phố Praha – ứng cử viên Miloš Zeman. Nguồn: Quang Vinh

Cuộc bầu cử tổng thống CH Séc 2018 có thể diễn ra trong hai vòng. Nếu trong vòng một (12 và 13/1) không có ứng cử viên nào thu được quá bán lá phiếu của cử tri thì hai ứng cử viên cao phiếu nhất sẽ lọt vào vòng hai được tiến hành sau đó hai tuần (26 và 27/1).

Trong cuộc bầu cử lần này hơn 8,5 triệu cử tri Séc có có hội lựa chọn một trong chín ứng cử viên sau đây:

1-Giáo sư Jiří Drahoš, cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học. Tính cách ông điềm đạm, trái ngược với đương kim Tổng thống Miloš Zeman. Ông là một trong hai ứng cử viên có khả năng trúng cử cao nhất. Ông hứa hẹn với các cử tri, nâng cao chất lượng đối thoại với xã hội“. Ông là ứng cử viên độc lập nhưng được Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo - Đảng Nhân dân Tiệp Khắc (KDU-CSL) ủng hộ. Ông có thái độ ôn hòa đối với Liên minh châu Âu (EU).

2- Cựu Đại sứ tại Pháp Pavel Fischer. Ông là người ủng hộ việc CH Séc gắn kết chặt chẽ với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là với Mỹ. Ông cho rằng Séc nên tiếp nhận người tị nạn theo đúng hạn ngạch của EU.

3- Nhà sản xuất âm nhạc kiêm nhạc sỹ Petr Hannig. Ông là ứng cử viên của đảng Rozumní (Nhận thức) với cương lĩnh nhấn mạnh vào việc siết chặt chính sách nhập cư.

4- Bác sỹ Marek Hilšer. Ông là người nhiệt thành ủng hộ EU và NATO.

5- Nhà văn, nhà báo Michal Horáček. Ông được đánh giá là người có khả năng chiến thắng đứng thứ ba, sau đương kim Tổng thống Zeman và Giáo sư Drahoš. Ông cũng là người ủng hộ EU nhưng lại phản đối nhập cư và chống lại việc xây dựng đền thờ Hôi giáo tại các thành phố của Séc. Ông cũng ủng hộ Séc sử dụng đồng euro.

6- Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp quốc phòng CH Séc Jiří Hynek. Ông nổi tiếng là người theo chủ nghĩa dân tộc, ưu tiên trước hết cho vấn đề bảo đảm an ninh của đất nước. Ông ủng hộ việc cải tổ EU và muốn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc Séc rút khỏi EU. Ông là ứng cử viên của Realisté (Thực tiễn) – đảng không thu đủ 5% số phiếu để có ghế trong Hạ viện sau cuộc bầu cử tháng 10 năm 2017.

7- Doanh nhân Vratislav Kulhánek, cựu Chủ tịch Hội đồng Giám đốc nhà máy chế tạo ô tô Škoda. Ông ủng hộ việc CH Séc gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu đồng thời với việc loại trừ Hy lạp ra khỏi Eurozone. Ông chỉ nhìn thấy tương lai của Séc trong EU nên chống lại việc tiến hành trưng cầu ý dân về việc CH Séc rút khỏi EU.

8- Cựu Thủ tướng Mirek Topolánek. Ông vốn là Chủ tịch Đảng Dân chủ công dân nhưng lại không phải là ứng cử viên tổng thống của đảng này. Ông này cũng giống Tổng thống Zeman, là có phong cách tiếp xúc với công chúng một cách, dân dã. Ông tự nhận mình là người ủng hộ EU, chủ trương CH Séc định hướng theo phương Tây, hứa hẹn sẽ tuân thủ Hiến pháp CH Séc một cách nghiêm ngặt.

9-Đương kim Tổng thống Miloš Zeman. Ông là một trong ba vị nguyên thủ quốc gia có uy tín ở CH Séc kể từ khi Tiệp Khắc tan rã. Ông vốn là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội nhưng giờ đây, ông không có mối liên hệ với đảng này mà có mối quan hệ chặt chẽ với phong trào ANO của Thủ tướng Andrej Babiš. Ông được đánh giá là "chính khách làm phân cực xã hội".

Khi tranh cử tổng thống vào năm 2013, ông tự nhận mình là người trung thành với EU nhưng dần dần ông chuyển sang chỉ trích Brussels khá gay gắt. Ông ưu tiên cho sự hợp tác với Nga và Trung Quốc, phản đối việc cấm vận chống Nga, coi đó là hành động "vô nghĩa". Ông cũng kiên quyết chống lại việc EU áp đặt hạn ngạch nhập cư đối với Séc và cũng là người có định kiến với đạo Hồi. Ông không phản đối việc Séc chuyển sang sử dụng đồng euro thay cho koruna.

Việc bầu cử trực tiếp không mang lại cho vị nguyên thủ quốc gia nhiều thẩm quyền hơn – CH Séc vẫn là nước cộng hòa đại nghị và quyền hạn của tổng thống chỉ mang tính đại diện. Quyền hành chính tối cao tập trung vào chính phủ và cơ quan này chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tổng thống có quyền bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ, bãi miễn thủ tướng và chính phủ nhưng phải có sự đồng thuận của Quốc hội. 

Tuy vậy, trên thực tế ở Séc tổng thống rất được người dân kính trọng và có tầm ảnh hưởng đối với đất nước lớn hơn những gì mà Hiến pháp quy định. Truyền thống này đã được hình hành dưới thời vị Tổng thống Tiệp Khắc đầu tiên Tomáš Garrigue Masaryk, được tiếp tục dưới thời Tổng thống Václav Havel, một phần dưới thời hai Tổng thống Václav Klaus và Miloš Zeman.

Theo nhận định của các nhà phân tích chính trị cũng như theo kết quả cuộc thăm dò dư luận trong nhiều tháng qua thì rất nhiều khả năng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Séc 2018 không một ứng cử viên nào thu trên 50% lá phiếu của cử tri. Tuy nhiên, vẫn có dự đoán đưa ra là ông Zeman có thể đắc cử ngay trong vòng một. Hầu hết, các dự đoán dành cơ hội lớn nhất vào vòng hai cho cặp Miloš Zeman -  Jiří Drahoš. Khả năng thấp hơn rất nhiều là cặp Miloš Zeman - Michal Horáček. Cặp Jiří Drahoš - Michal Horáček ở vòng hai chắc chắn chỉ tồn tại về mặt lý thuyết.

Trong một thời gian dài, các nhà quan sát ở Séc đồng lòng đánh giá rằng tại vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống 2018 ông Miloš Zeman chắc chắn sẽ chiến thắng đối thủ của mình là Giáo sư Jiří Drahoš. Tuy nhiên, càng đến gần ngày bầu cử thì khả năng cầm chắc thắng lợi của ông Zeman càng ít rõ ràng hơn. Thậm chí, có những cuộc thăm dò dư luận cho thấy không loại bỏ khả năng ông Drahoš giật được ghế tổng thống từ tay ông Zeman. Khả năng ông Horáček vượt ông Zeman ở vòng hai cũng được tính đến nhưng với xác suất thấp.

Dù ai là người chiến thắng trong ba ứng cử viên tiềm năng thì Tổng thống mới của CH Séc cũng sẽ là người chủ trương gắn kết với EU nhưng không muốn Praha bị lép vế trước Brussles, ủng hộ một cách thận trọng việc sử dụng đồng euro tại CH Séc và có thái độ tiêu cực đối với việc tiếp nhận người nhập cư, đặc biệt là người nhập cư Hồi giáo.

Quang Vinh – Hồng Tâm (TTXVN)
Đằng sau việc Hạ viện Séc hoãn bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ
Đằng sau việc Hạ viện Séc hoãn bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ

Đêm 10/1, phiên họp kéo dài gần 12 giờ liền tại Hạ viện Séc đã kết thúc với quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Andrej Babis sang ngày 16/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN