Theo số liệu mới nhất, trong 24 giờ đầu tiên sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, gần 580.000 người đã rời khu vực tạm trú trở về nhà. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn phía trước khi cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, dịch vụ công hạn chế và nguy cơ về an toàn, đặc biệt là mối đe dọa từ bom mìn chưa nổ, vẫn rình rập.
Tổ chức Y tế thế giới hiện ưu tiên sửa chữa 14 bệnh viện và đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tiếp tục hỗ trợ hệ thống cấp nước. Sau khi 95 nhà máy, trạm bơm được sửa chữa từ tháng 9, hiện đã có khoảng 1,5 triệu người được cung cấp nước ổn định. Cơ quan này cũng đã hỗ trợ nước sạch và dịch vụ vệ sinh khẩn cấp cho 500.000 người. Tính đến nay, đã có 14 đoàn xe cứu trợ nhân đạo của UNICEF chở hàng cứu trợ cho hơn 49.000 người ở các khu vực khó tiếp cận và dự kiến sẽ có thêm nhiều đoàn xe như vậy trong thời gian tới.
Chương trình Môi trường LHQ và các đối tác ước tính hơn 15.000 tòa nhà ở các tỉnh Nam Liban và Nabatiyeh đã bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ, trong khi Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng khoảng 100.000 nhà ở đã bị hư hại kể từ khi xung đột giữa Israel và Hezbollah nổ ra từ cuối tháng 9/2024.
Liên quan đến lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, ngày 2/12, Ngoại trưởng Liban Abdallah Bou Habib đã hối thúc các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận này. Ông tái khẳng định cam kết của Liban trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ, giải quyết khủng hoảng thông qua giải pháp ngoại giao.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ ngày 27/11 nhằm chấm dứt gần 14 tháng giao tranh. Theo thỏa thuận, hai bên đồng ý ngừng bắn trong 60 ngày, Israel phải rút quân khỏi miền Nam Liban, trong khi Hezbollah rút lui về phía Bắc sông Litani.