Các cuộc biểu tình và tuần hành này do Hiệp hội các cộng đồng Hồi giáo ở Italy tổ chức để thể hiện căm phẫn đối với những hành động mà Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã gây ra ở Paris, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với nhân dân Pháp. Hàng nghìn người Hồi giáo là người gốc Bắc Phi, những người Bangladesh, Pakistan, cả những người Arab, đang sống, làm việc và đã hòa nhập vào xã hội Italy, đã giơ các biểu ngữ chống khủng bố nhân danh Hồi giáo. "Not in my name" (Không nhân danh chúng tôi) là biểu ngữ chính, được sử dụng để thể hiện sự phối hợp với các hoạt động của người Hồi giáo ở nhiều nước Châu Âu trong phong trào chống khủng bố đang dâng lên.
Đoàn người biểu tình, tuần hành ở thành phố Milan. Ảnh:Reuters |
Các cuộc biểu tình do cộng đồng người Hồi giáo ở Italy tiến hành trong những ngày này, khi nỗi lo ngại về những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Italy đang tăng lên, một tuần sau khi cuộc tấn công vào Paris diễn ra. Mục đích của các hiệp hội người Hồi giáo ở Italy khi tổ chức các hoạt động này không chỉ là phản đối những hành động tàn bạo của khủng bố Hồi giáo cực đoan, cùng muốn chung tay đánh bại khủng bố, mà còn muốn gửi một thông điệp cho người dân Italy về thiện chí của họ. Một thông cáo của Hiệp hội các cộng đồng Hồi giáo ở Italy viết rằng, người Hồi giáo đang sống ở nước này muốn "gắn bó chặt chẽ với xã hội Italy, loại trừ mọi hình thức cực đoan, bảo vệ thế hệ trẻ trước những hậu quả của sự thù hận và bạo lực nhân danh tôn giáo, đồng thời tìm cách thúc đẩy đối thoại và chung sống hòa bình".
Tham dự hành động này cùng với người Hồi giáo Italy là nhiều chính trị gia của chính đảng, các tổ chức xã hội, các nghiệp đoàn công nhân. Rất nhiều người Italy không theo đạo Hồi cũng tham gia sự kiện này và biểu thị sự đoàn kết của họ với người Hồi giáo Italy. Tổng thống Italy Sergio Mattarella cũng đã gửi thông điệp đến những người biểu tình. Thông điệp có đoạn viết: "Những kẻ sát nhân muốn chúng ta từ bỏ những giá trị của sự đoàn kết và tính nhân bản. Nhưng chúng ta không lùi bước". Trước đó, trong sáng 21/11, Chủ tịch Hạ viện Italy Laura Boldrini cũng đã tiếp các đại diện của cộng đồng Hồi giáo Italy và tuyên bố ủng hộ phong trào Hồi giáo Italy chống chủ nghĩa khủng bố.
Hiện tại, có khoảng 1,6 triệu người theo đạo Hồi đang sinh sống ở Italy, và đây là tôn giáo có nhiều tín đồ thứ hai ở nước này sau Công giáo. Số lượng người Hồi giáo có chiều hướng tăng ở Italy đã dẫn đến nhiều vấn đề xã hội và tôn giáo, đồng thời dẫn đến những lo ngại về nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể đã và đang hoạt động trong cộng đồng này. Những cuộc thăm dò dư luận do Viện Pew Research của Mỹ công bố cuối tháng 5/2014, 63% người Italy chống lại sự hiện diện của người theo đạo Hồi ở nước này. Kết quả đó cho thấy Italy là nước thù địch nhất với người Hồi giáo ở Châu Âu.
Theo báo chí Italy, nhiều người Hồi giáo nước này sợ rằng, sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, làn sóng thù ghét đạo Hồi và người Hồi giáo đang sống ở Italy sẽ tăng lên.