Phát biểu trước báo giới, Thống đốc bang Maryland, ông Wes Moore, lưu ý công việc tái thiết sẽ không mất hàng giờ, không mất vài ngày và cũng không mất vài tuần. Đây là một chặng đường rất dài phía trước.
Cơ quan Quản lý Đường cao tốc Liên bang Mỹ cho biết họ sẽ chấp thuận đề xuất của Cơ quan Giao thông Vận tải Maryland về khoản tiền ban đầu trị giá 60 triệu USD để đưa ra những phản ứng ngay lập tức và đặt nền móng cho đà phục hồi nhanh chóng. Chính phủ liên bang cam kết cung cấp mọi nguồn lực cần thiết để xây dựng lại cây cầu.
Theo người đứng đầu tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Lloyd's of London, ông Bruce Carnegie-Brown, vụ sập cầu có thể dẫn đến khoản bồi thường bảo hiểm hàng hải lớn nhất từ trước đến nay. Trả lời CNBC, ông Carnegie-Brown, vụ sập cầu gây ra tổn thất rất đáng kể và có thể ghi dấu mức bồi thường bảo hiểm hàng hải lớn nhất từ trước đến nay.
Các nhà phân tích ước tính số tiền bồi thường bảo hiểm sau vụ sập có thể lên hàng tỷ USD. Giám đốc điều hành công ty đánh giá tín nhiệm bảo hiểm toàn cầu Morningstar DBRS, Marcos Alvarez cho biết tùy thuộc vào thời gian đóng cảng và mức độ gián đoạn của hoạt động cung ứng, vận chuyển, tổng số tiền bảo hiểm có thể từ 2-4 tỷ USD. Nếu là 4 tỷ USD, con số này sẽ vượt qua mức bồi thường kỷ lục liên quan đến thảm họa du thuyền hạng sang Costa Concordia vào năm 2012.
Việc đóng cửa bến cảng cũng gây lo ngại cho nền kinh tế địa phương và chuỗi cung ứng của cả nước. Hiện cảng Baltimore đang tạo việc làm cho khoảng 140.000 người.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg, Baltimore là cảng xử lý phương tiện lớn nhất cả nước, bao gồm ô tô và thiết bị nông nghiệp hạng nặng. Lượng hàng hóa đi qua cảng hàng ngày có trị giá khoảng 100-200 triệu USD.
Trong một tuyên bố chung ngày 28/3, ban điều hành cảng New York và New Jersey sẽ lên kế hoạch tiếp nhận thêm hàng hóa để giúp giảm bớt tác động lên chuỗi cung ứng.