Con đường tìm việc gian nan của sinh viên châu Á tốt nghiệp giữa dịch COVID-19

Hàng triệu sinh viên khắp châu Á đang bước vào cuộc chiến tìm việc làm khó khăn hơn bao giờ hết trong bối cảnh suy thoái kinh tế vì COVID-19 khiến nhiều công ty phải tạm dừng tuyển dụng.

Chú thích ảnh
Sinh viên mới tốt nghiệp trên khắp châu Á bước vào thị trường việc làm đầy khó khăn vì đại dịch COVID-19. Ảnh: Xinhua

Khi hãng gọi xe Uber tuyên bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, anh Gavin Ng, 29 tuổi, tiến sĩ người Singapore vừa tốt nghiệp tại Đại học Illinois của Mỹ, đã nhận được tin xấu. Điều mà anh lo sợ đã xảy ra khi đơn ứng tuyển vào vị trí nhà khoa học dữ liệu đã không được chấp nhận. Anh cũng không nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào kể từ đó.

“Chắc chắn là tôi rất thất vọng, nhưng tôi hiểu rằng đó chỉ là một công viêc. Tôi không nhận được lời mời làm việc nào lúc này. Mọi thứ mà tôi đề ra cũng không được thực hiện theo đúng kế hoạch”, anh nói.

Gavin Ng là một trong số hàng triệu thanh niên trên khắp châu Á và toàn thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Nền kinh tế suy thoái vì đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty phải rút lại lời mời làm việc, tạm dừng tuyển dụng, hạ lương và cắt giảm nhân sự.

Shrish Pandey, sinh viên Đại học Kỹ thuật Punjab ở Ấn Độ, đã tìm được công việc toàn thời gian với vị trí nhà phân tích dữ liệu tại một hãng hàng không lớn của Mỹ trong đợt tuyển dụng vào năm ngoái. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng COVID-19, công ty đã rút lại tất cả lời mời làm việc trên toàn cầu.

Xingcheng Sun, người chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Nam Carolina trong mùa hè này, cho biết lời mời làm việc tại công ty cho thuê văn phòng WeWork của anh cũng đã bị hủy bỏ.

Các chính phủ và nhiều tổ chức trên khắp thế giới đã phát động nhiều chiến dịch nhằm giúp đỡ các sinh viên sắp tốt nghiệp trước khủng hoảng tìm việc sau đại dịch. Trung Quốc đã khởi động chiến dịch kéo dài 100 ngày bao gồm việc mở rộng tuyển dụng trong các doanh nghiệp nhà nước, trường học và quân đội. Họ cũng tuyên bố sẽ trợ cấp thêm cho các doanh nghiệp nhỏ.

Đại học Trung văn Hương Cảng (Hong Kong, Trung Quốc) đã thành lập quỹ cứu trợ tạo ra khoảng 100 việc làm cho sinh viên trong kế hoạch giảm thiểu tác động của các cuộc biểu tình chống chính quyền và đại dịch COVID-19. Trong khi đó, cựu sinh viên Đại học Baptist Hong Kong đã giới thiệu hàng trăm việc làm bán thời gian và các khóa thực tập cho sinh viên trong bối cảnh lo ngại tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở thành phố sẽ tăng mạnh.

Theo tờ Bangkok Post, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến khoảng 300.000 người sắp tốt nghiệp ở Thái Lan. Chính phủ đã hứa hẹn tạo cơ hội việc làm nhiều hơn cho người thất nghiệp.

Còn tại Australia, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua với 13,8% thanh niên mất việc trong tháng 4. Thủ tướng Scott Morrison đã cam kết cung cấp cho các doanh nghiệp khoản trợ cấp 130 tỷ AUD để “giữ chân” nhân viên.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Scott Morrison đã cảnh báo thị trường việc cho sinh viên sau đại học khó khăn nhất trong 30 năm qua. Ảnh: DPA

Ông Morrison cảnh báo thế hệ trẻ Australia sẽ phải bước vào thị trường việc làm khó khăn nhất kể từ cuộc suy thoái từ những năm 1990. Thủ đô Canberra cũng đã ra mắt trang Jobs Hub nhằm kết nối những người tìm kiếm việc làm với các nhà tuyển dụng tiềm năng, cung cấp cho họ thông tin cập nhật về thị trường lao động.

Ở Singapore, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được 70% trợ cấp cho các khóa học kỹ năng mềm SkillFuture. Đây là chương trình do chính phủ điều hành, giúp người lao động có các kỹ năng mới. Khoản còn lại được trả bởi trường đại học.

Gần 300 công ty trong thành phố đã mở ra hơn 4.000 vị trí tuyển dụng theo Chương trình Thực tập sinh SGUnited của chính phủ, nơi hỗ trợ sinh viên mới tốt nghiệp từ các trung tâm giáo dục đại học. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết quy mô thị trường việc làm tương đối nhỏ ở Singapore khiến những người tìm việc gặp nhiều thách thức hơn so với người ở các nước láng giềng.

Alicia Teng, sinh viên báo chí mới tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang, đã nhận thấy mình phải đối mặt với tương lai không chắc chắn khi các công ty tuyên bố kế hoạch tạm dừng tuyển dụng. Cô đã có kế hoạch ứng tuyển vào vị trí nhà sáng tạo nội dung tại trang web du lịch Klook có trụ sở tại Hong Kong sau khi hoàn thành kỳ thực tập 6 tháng tại đây vào năm ngoái.

“Tôi thích môi trường làm việc tại Klook. Tôi hoạt động tương đối tốt ở vị trí của mình và thấy triển vọng nghề nghiệp tốt ở đây. Tuy nhiên, công ty đã tạm dừng tuyển dụng”, cô nói và cho biết Klook là lựa chọn đầu tiên của mình.

Bà Kitty Tan, Giám đốc Công ty tuyển dụng EPS Consultants Singapore, khuyên sinh viên tốt nghiệp trong các tình huống tương tự không nên rời khỏi vị trí và tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Bà cho rằng do tác động của đại dịch đến việc kinh doanh, công ty có thể sẽ không xem xét lại việc tuyển dụng và thậm chí có thể ngừng hoàn toàn việc tuyển dụng.

Chú thích ảnh
Singapore đã tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng và kinh nghiệm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Ảnh: AP

Trong khi đó, nhiều công ty khác lại cho rằng đây là cơ hội để sinh viên mới tốt nghiệp có thể làm điều gì đó có ý nghĩa trong thời gian trống. Điều này sẽ cải thiện cơ hội tìm kiếm việc làm khi nền kinh tế phục hồi.

Ian Lee, Giám đốc bộ phận nguồn lực khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Tập đoàn Adecco, cho biết các sáng kiến ​​của Chính phủ Singapore đang tạo cơ hội cho sinh viên có được những kinh nghiệm hữu ích và kỹ năng cần thiết khi tìm việc sau đại dịch.

“Các công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp trong thời gian dài và chúng tôi biết chắc chắn rằng các nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những điều nằm ngoài điểm trung bình và kiến ​​thức trong sách giáo khoa”, ông nói.

Các chuyên gia khác trong lĩnh vực tuyển dụng lại cho rằng tình nguyện là một lựa chọn phù hợp cho các sinh viên mới tốt nghiệp khi chưa tìm được việc làm.

Joel Tan, 24 tuổi, sinh viên năm cuối của Viện Ẩm thực Singapore tại Mỹ đã tham gia một chương trình thực tập một năm tại một nhà hàng của đầu bếp nổi tiếng Dominique Crenn ở San Francisco. Tuy nhiên, lời mời làm việc của anh đã bị rút lại sau khi số ca mắc bệnh ở Mỹ bắt đầu tăng vọt.

Thay vì từ bỏ, anh hợp tác với một đầu bếp đồng nghiệp để khởi động dự án CBK (Circuit Breaker Kooks). Sáng kiến ​​này đã tập hợp 30 đầu bếp trẻ nấu ăn miễn phí cho các nhà hàng trong dịch COVID-19.  

“Là một người làm việc trong ngành thực phẩm và đồ uống, tôi cảm thấy vô dụng khi không thể làm gì đó đóng góp cho ngành nghề mà tôi yêu thích cũng như phát triển nó. Tôi muốn góp sức mình bằng bất kỳ cách nào”, anh nói.

Chú thích ảnh
Sinh viên năm cuối ngành ẩm thực Joel Tan. Ảnh: Handout

Giám đốc Tập đoàn Adecco cũng cho rằng tận dụng tốt nhất tình huống xấu, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần là một điều cần thiết đối với nhiều sinh viên mới tốt nghiệp trong hoàn cảnh này.

“Những gì bạn làm trong đại dịch có thể gây ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng tiềm năng hơn là những con số hay bằng cấp trong hồ sơ xin việc của bạn”, ông Ian Lee nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (SCMP)
Buôn ma túy tại châu Á - Thái Bình Dương gia tăng bất chấp đại dịch COVID-19
Buôn ma túy tại châu Á - Thái Bình Dương gia tăng bất chấp đại dịch COVID-19

Ngày 15/5, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết hoạt động buôn bán ma túy tại châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục "nở rộ" dưới nhiều hình thức tinh vi và dường như không chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN