Trong báo cáo tổng hợp số liệu từ năm 2019 đến quý I/2020, Văn phòng LHQ về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết hoạt động sản xuất chất ma túy đá (methamphetamine) - một dạng ma túy phổ biến nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục trong khi giá bán giảm xuống các mức thấp mới tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cũng như Australia và New Zealand.
Đại diện UNODC phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Jeremy Douglas, nhấn mạnh "Khó có thể tưởng tượng rằng tội phạm có tổ chức lại tìm cách mở rộng thị trường ma túy, song thực tế đúng như vậy. Trong khi thế giới đang hướng sự chú ý tới đại dịch COVID-19 thì tất cả các số liệu gồm lượng sản xuất và buôn bán các loại ma túy và hóa chất tổng hợp lại tiếp tục tăng lên các mốc cao kỷ lục trong khu vực".
Nhà phân tích Inshik Sim tại UNODC cho biết thông tin tình báo gần đây cho thấy không có biến động về giá ma túy đá trên thị trường chợ đen tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hoặc thủ đô Manila (Philippines), hai thị trường lớn nhất tiêu thụ methamphetamine tại khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy không có tác động nào đối với hoạt động buôn bán của loại ma túy này trên thị trường. Sự ổn định tương đối của thị trường ma túy tại phần lớn khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại trái ngược với ở Bắc Mỹ và châu Âu, nơi các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá ma túy lên cao.
Trong những năm gần đây, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở 3 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc là Hong Kong, Đài Loan và Macau đã gia tăng mức độ tinh vi và quy mô sản xuất ma túy đá ở miền Bắc Myanmar và mở rộng mạng lưới phân phối sang tận Nhật Bản và New Zealand. Báo cáo của UNODC cho biết khi nguồn cung tăng và giá cả giảm, độ tinh khiết của ma túy lại tăng. Các băng nhóm tội phạm châu Á sản xuất cả methamphetamine dạng tinh thể và dạng viên nén rẻ tiền hơn có tên yaba - hỗn hợp methamphetamine và caffeine.
Cũng theo báo cáo, trong khi việc trồng thuốc phiện và sản xuất heroin đã giảm ở khu vực Tam giác vàng ở Đông Nam Á, nằm tại biên giới Thái Lan-Lào-Myanmar, đã có sự gia tăng mạnh những loại thuốc giảm đau gây nghiện opioid tổng hợp như fetanyl ở Đông Á và Đông Nam Á. UNODC cảnh báo Đông Nam Á có nguy cơ trở thành nguồn cung cấp opioid cho các nơi khác trên thế giới. UNODC cho biết các loại ma túy tổng hợp khác như thuốc lắc, ketamine và cannabinoids ngày càng xuất hiện nhiều trên khắp khu vực này.