Động thái này được đưa ra sau khi Đại sứ Anh tại Iran Rob Maicaire bị bắt giữ một thời gian ngắn vào cuối tuần trước vì cáo buộc “điều phối” các cuộc biểu tình chống lại chính phủ.
Hôm 14/1, tấm ảnh của ông Macaire đã bị đốt cháy tại Tehran khi một phát ngôn viên tư pháp cáo buộc nhà ngoài giao này đã “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran”, vi phạm các công ước về ngoại giao.
“Theo luật quốc tế, đây là một người ‘không được chào đón’. Người dân mong muốn người này sẽ bị trục xuất và đó cũng là điều mà luật pháp quốc tế yêu cầu”, ông Ghiramhossein Esmaili, Đại diện cơ quan tư pháp Iran chia sẻ với hãng truyền thông nhà nước.
Theo trang The Guardian (Anh), việc tuyên bố ông Macaire (53 tuổi) là một người “không được chào đón” – một thuật ngữ ám chỉ việc cấm một nhà ngoại giao ở lại một quốc gia - không được coi là tuyên bố chính thức gắn với hệ quả pháp lý. Điều này sẽ đe dọa và làm xáo trộn thêm mối quan hệ ngoại giao giữa London và Tehran vốn đã căng thẳng do tranh cãi về vấn đề công dân Anh bị giam tại Iran, với cáo buộc tồn đọng nợ trong việc thỏa thuận vũ khí từ hàng thập kỷ và vụ bắt giữ các tàu chở dầu.
Ông Macaire đã bị bắt giữ vào tối 11/1 khoảng 30 phút sau khi vị đại sứ nói đã cầu nguyện cho những người thiệt mạng trên chuyến bay của Ukraine bị tên lửa Iran bắn nhầm. Ông được miễn truy tố ở Iran theo luật quốc tế và được trả tự do không lâu sau đó. Ông Macaire cũng đã phủ nhận mọi vai trò của mình trong các cuộc biểu tình nổ ra ở một số khu vực của Tehran và nhiều địa phương khác tại Iran trong những ngày gần đây.
Nhiều chuyên gia nhận định vụ bắt giữ Đại sứ Anh dường như là một sai lầm của cảnh sát Tehran. Tuy nhiên, Chính phủ Iran được cho là đã nhân cơ hội này để chuyển hướng chú ý của những công chúng đang tức giận sau khi chính phủ bị chỉ trích vì thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine. Cơ quan tư pháp nước này tuyên bố các lệnh bắt giữ đầu tiên đã được thực hiện sau vụ bắn nhầm máy bay hôm 8/1.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra rõ sự cố máy bay. Các quan chức trong nước ban đầu khẳng định máy bay bị rơi do lỗi kỹ thuật nhưng sau khi các nhà điều tra phát hiện có nhiều mảnh vỡ tên lửa gần địa điểm gặp nạn, Iran đã thừa nhận bắn nhầm máy bay và đưa ra lời xin lỗi. Ông Rouhani gọi vụ việc này là một “lỗi lầm đau đớn và không thể tha thứ” được . Ông cũng cam kết chính quyền Iran sẽ làm sáng tỏ vụ việc bằng mọi cách. Ngày 14/1, nhà chức trách Iran đã bắt giữ một số người liên quan tới vụ việc.
Máy bay chở 167 hành hành và 9 thành viên phi hành đoàn của Ukraine đã bị bắn rơi khi vừa khởi hành từ thủ đô Kiev. Trong đó, 82 người Iran, 57 người Canada – bao gồm nhiều người Iran mang 2 quốc tịch, 11 người Ukraine và 15 trẻ em đã thiệt mạng.
Iran đã bắn hạ máy bay trong lúc đề phòng khả năng bị Mỹ trả đũa sau khi nước này phóng tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ở Iraq. Các cuộc tấn công được thực hiện để trả đũa việc Mỹ giết chết tướng Qassem Soleimani - một lãnh đạo của Vệ binh Cách mạng Iran tại Baghdad (Iraq).
Sự cố bắn nhầm máy bay và sự thiếu minh bạch của các nhà lãnh đạo Iran đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Chính phủ nước này đang phải dùng các biện pháp an ninh để giải tán các cuộc biểu tình.