FINMA tin rằng giải pháp tiếp quản và các biện pháp được thực hiện giúp đảm bảo sự ổn định cho khách hàng của ngân hàng và cho trung tâm tài chính sau khi Credit Suisse trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin.
Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng lần này, Credit Suisse đã bị coi là mắt xích yếu trong chuỗi ngân hàng châu Âu khi ngân hàng này vướng vào một loạt vụ bê bối bắt đầu từ năm 2021 gây ra sự khó khăn về tài chính và giảm sút về uy tín.
Sau 167 năm tồn tại độc lập, Credit Suisse đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và bị ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS tiếp quản trong cuộc giải cứu khẩn cấp do Chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian. Thỏa thuận này là vụ siêu sáp nhập đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Credit Suisse nằm trong số 30 tổ chức tài chính được coi là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu và giới chức lo lắng về hậu quả nếu ngân hàng sụp đổ. UBS lớn hơn nhưng Credit Suisse có ảnh hưởng đáng kể, với tài sản trị giá 1.400 tỷ USD được quản lý. UBS có các chi nhánh giao dịch quan trọng trên khắp thế giới, phục vụ giới thượng lưu thông qua hoạt động kinh doanh quản lý tài sản và là cố vấn cho các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn.
Cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse được cho là đòn giáng mạnh vào Thụy Sĩ - đất nước nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng với 243 ngân hàng và 24 chi nhánh ngân hàng quốc tế. Sự ổn định và giàu có của Thụy Sĩ chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng vốn được coi là chặt chẽ và an toàn nhất thế giới.