Du lịch chữa lành là loại hình du lịch hướng đến việc chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ để khách du lịch có những trải nghiệm tốt nhất nhằm nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Trước đại dịch COVID-19, Thái Lan từng đón 3,42 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến nước này vì mục đích chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, tạo ra doanh thu 140 tỷ baht (3,99 tỷ USD). Sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch sau đại dịch đã góp phần vào tăng trưởng của du lịch chữa lành. Các số liệu tổng hợp từ Ngân hàng trung ương (BoT) và Bộ Y tế Thái Lan cho thấy nước này đã thu được 11,9 tỷ baht từ du lịch y tế trong năm 2021, tăng 47% so với năm 2020. Hiện 5 thị trường khách du lịch y tế lớn nhất của Thái Lan là Kuwait, Campuchia, Myanmar, Nhật Bản và Trung Quốc. Dự kiến, du lịch y tế có thể mang lại doanh thu 25 tỷ baht cho Thái Lan trong năm nay.
Trong kế hoạch phát triển du lịch quốc gia lần thứ ba giai đoạn 2023-2027, Thái Lan đặt mục tiêu lọt “top 5” điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch sức khoẻ theo xếp hạng của Viện Sức khoẻ toàn cầu, với mức tăng trưởng trung bình của riêng lĩnh vưc này là 8%/ năm. Từ chính sách thúc đẩy Thái Lan trở thành điểm đến tầm cỡ thế giới về du lịch chữa lành của chính phủ, các cơ quan liên quan đang tích cực thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để biến mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.
Bộ Y tế Thái Lan đã và đang triển khai chính sách “Sức khoẻ để giàu có” (Health for Wealth) bằng việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế và chữa lành để củng cố kinh tế Thái Lan. Liên quan lĩnh vực này, y học và dược liệu cổ truyền được ưu tiên chú trọng để tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước.
Theo Tiến sĩ Kanyarat Kuysuwan thuộc Cục Hỗ trợ dịch vụ y tế, Bộ Y tế Thái Lan, kế hoạch chiến lược 10 năm (2017-2026) nhằm phát triển Thái Lan như một trung tâm thế giới về y tế và sức khoẻ đã và đang đạt được một số thành quả nổi bật. Thái Lan tự hào có chất lượng chữa trị thuộc hàng tốp đầu thế giới với giá cả phải chăng. Trong các năm qua, Thái Lan đã phát triển mạnh cơ sở hạ tầng y tế, tăng cường thu hút sự tham gia của các bệnh viện tư nhân và các cơ sở spa, xây dựng hình ảnh các thành phố thảo dược để giới thiệu các điểm du lịch về sức khỏe.
Trong năm qua, Ủy ban Trung tâm Y tế đã phê duyệt các hướng dẫn nhằm phát triển Hành lang Sức khỏe Andaman (AWC) theo mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu của AWC là tăng cường khả năng cạnh tranh về du lịch sức khỏe ở 4 tỉnh nằm dọc biển Andaman bao gồm Phuket, Krabi, Phang Nga và Ranong nhằm mang lại sự phục hồi kinh tế, du lịch sau đại dịch COVID-19 tại các địa phương này.
Việc phát triển các mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe sẽ được thực hiện với việc sử dụng y học xanh và kinh tế sáng tạo nhằm nâng cao các chương trình chăm sóc sức khỏe và du lịch chữa bệnh. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng chú trọng đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực y tế nhằm đào tạo nhiều bác sĩ có thể đáp ứng các yêu cầu cao hơn. Trong khi đó, du lịch y tế và sức khoẻ là một trong các thị trường ngách đang được Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tích cực thúc đẩy.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ông ChattanKunjara Na Ayudhya, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan phụ trách truyền thông, tiếp thị, cho biết TAT đang phối hợp với các đối tác, từ các hãng hàng không, các đại lý du lịch, cho tới các công viên chủ đề, nhà hàng, khách sạn... để tiếp thị, xúc tiến và quảng bá du lịch. Hiện TAT đang tập trung quảng bá 5F - bao gồm Fight (quyền Thái Muay Thai), Food (Ẩm thực), Festival (Lễ hội), Fashion (Thời trang) và Film (Phim ảnh) - như những “sức mạnh mềm” của xứ sở Chùa Vàng muốn giới thiệu ra thế giới.
Ông Chattan đánh giá du lịch chữa lành tại Thái Lan có nhiều tiềm năng để tăng trưởng nhờ 4 yếu tố gồm đội ngũ nhân sự rất tốt; nhiều điểm du lịch hấp dẫn; sự thân thiện, hiếu khách của người dân; và chất lượng dịch vụ tốt với chi phí phải chăng. Tuy nhiên, ông cũng nhận định thách thức của ngành du lịch là duy trì được các tiêu chuẩn.