Du lịch Thái Lan chật vật tìm nguồn khách quốc tế

Thái Lan mở cửa trở lại đón khách quốc tế, nhưng cạnh tranh gay gắt đến từ thị trường Mỹ, châu Âu có thể sẽ rào cản lớn đối với kế hoạch khôi phục ngành du lịch như trước thời đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhiều bãi biển thơ mộng tại Thái Lan vẫn đang ngóng chờ du khách quốc tế. Ảnh: Financial Review

Nigel Fisher, chủ khách sạn Banyan Tree thuộc Krabi lưu trong điện thoại bức hình chụp chính ông, ghi thời khắc người đàn ông đẫm mồ hôi nhưng hân hoan chiến thắng sau khi vượt qua rất nhiều bậc thang, dốc đã để chạm vào khối đá được người dân địa phương gọi là “miệng hố” của ngọn núi.

Hành trình trèo núi này, với tầm nhìn phóng tầm mắt rộng khắp ở trên cao, là một trải nghiệm mà Fisher cho rằng sẽ thu hút được du khách có khả năng chi tiêu cao khi họ quay trở lại vùng đất ở phía đông nam Thái Lan. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển đẹp hoàn hảo, cùng phong cảnh nên thơ của chuỗi đảo vốn từng đón hàng triệu du khách/năm khi dịch chưa bùng phát.

Nhưng trước hết, Fisher cần khách quốc tế quay trở lại. Khách sạn nằm bên bãi biển Tubkaek do ông quản lý hồi tuần trước kín khách, nhưng chủ yếu là khách nội địa. Chương trình kích cầu du lịch “We Travel Together” do chính phủ Thái Lan phát động đã tạo ra cú hích lớn, khi du khách được trợ giá phí phòng khách sạn. Nhưng khách quốc tế, vốn có xu hướng lưu trú dài ngày hơn, vẫn chưa xuất hiện nhiều – ông Fisher bày tỏ.

Tại Đông Nam Á, các nước đang dỡ bỏ các quy định liên quan đến phòng chống COVID-19 để thúc đẩy phục hồi du lịch. Thế nhưng lượng khách từ các thị trường trọng điểm chưa khả quan. Trung Quốc, nước chiếm 25% trong tổng số khách du lịch quốc tế tới Thái Lan năm 2019, gần như đóng băng du lịch ra nước ngoài.

Cuộc chiến Ukraine cũng tạo ra lực cản mới đối với vận tải hàng không khởi hành từ châu Âu, khi số lượng các chuyến bay từ khu vực này vốn dĩ vấn ở mức thấp. Thái Lan đặt cược vào một số thị trường gần ở Đông Á và Australia – nơi có lượng khách rục rịch quay trở lại Thái Lan.

Tại Krabi, ông Fisher đang ngắm tới quãng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 – thời điểm lượng khách từ châu Âu và Mỹ bắt đầu đổ tới Thái Lan. Tháng 9 bắt đầu thời kỳ cao điểm của mùa du lịch kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nigel Fisher hy vọng công suất sử dụng phòng khách sạn do ông quản lý sẽ đạt tỉ lệ 60/40 giữa khách nội địa/khách quốc tế, tăng so với tỷ lệ 80/20 như hiện nay.

Tháng này, Thái Lan dỡ bỏ quy định về xét nghiệm khá rườm rà đối với khách quốc tế khi đến, sau khi đã bỏ quy định về xác nhận PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khởi hành hồi tháng 4. Tất cả đều nhằm mục đích phục hồi ngành du lịch.  Đây là lý do để có thể lạc quan. “Chúng tôi rất biết ơn hỗ trợ của chính phủ. Tôi nghĩ rằng một khi mở cửa toàn bộ biên giới, người Thái sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, còn khách nước ngoài vào Thái Lan cũng đông hơn”, ông Fisher nói.

Giống như Singapore, Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc, Thái Lan hiện mở cửa đón mọi khách quốc tế đã tiêm đủ liều. Du khách đến Thái Lan không cần kết quả xét nghiệm âm tính hay phải cách ly ngắn ngày như trước nữa. Tất cả những gì cần làm là cung cấp xác nhận tiêm chủng và xác nhận bảo hiểm khi đăng ký trực tuyến trên hệ thống đăng ký nhập cảnh Thai Travel Pass.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan ngày 2/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore cũng yêu cầu mẫu khai tương tự. Nhưng loạt các trạm xét nghiệm tại sân bay quốc tế Changi đã biến mất, thay vào đó là dòng người với hành lý. Lượng khách di chuyển bằng đường hàng không qua Singapore trong tháng 5 đã tăng gấp đôi, lên mức 40% so với thời thời tiền COVID-19. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng khách châu Âu và Mỹ vẫn vắng bóng.

“Thật đáng tiếc, đà phục hồi tại châu Á bị tụt lại”, Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát biểu tại hội nghị hàng không ở Singapore hôm 17/5. Theo ông Walsh, trong quý 1 năm nay, lưu lượng di chuyển hàng không quốc tế đạt mức 48% so với năm 2019 – thời điểm dịch chưa bùng phát. Tại châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, mức hồi phục này là 60%. Nhưng ở châu Á, tỉ lệ này mới đạt 17% so với thời điểm tiền đại dịch.

Theo Hannah Pearson, nhà sáng lập hãng tư vấn du lịch Pear Anderson có trụ sở ở Kuala Lumpur, vấn đề lớn mà Đông Nam Á gặp phải trong thu hút khách quốc tế trong năm 2022 là cạnh tranh, khi “có quá nhiều nước đều mở cửa trở lại”.

Bà Hannah nhận định Đông Nam Á có lẽ đã “lỡ chuyến tàu” thu hút khách châu Âu ở kỳ nghỉ giữa năm. “Đúng là Đông Nam Á đã rỡ bỏ nhiều rào cản hạn chế đối với xét nghiệm và cách ly và đây là bước tiến lớn. Nhưng nhiều nước trong khu vực vẫn còn áp dụng quy định khách nước ngoài phải đăng ký trước trên hệ thống để xét duyệt và đó là thử thách cần phải vượt qua”, bà Hannah Pearson nói.

Theo giới chuyên gia trong ngành, cần quãng thời gian dài để du lịch tại Đông Nam Á và Thái Lan phục hồi tới ngưỡng tiền đại dịch. Suphajee Suthumpun là Tổng giám đốc điều hành tập đoàn quốc tế Dusit (Dusit International Group), hãng chuyên về lưu trú tại Thái Lan. Bà cho rằng đà phục hồi có thể sẽ mất nhiều năm.

“Để mọi thứ trở lại như bình thường, như lúc Thái Lan đón 40 triệu khách quốc tế, đó không phải là chuyện của năm nay hay năm 2023. Chúng ta cũng không thể làm theo cách như trước được. Trong quá khứ, chúng ta tập trung vào tạo dựng thân thiên, tôn trọng du khách, cung cấp dịch vụ cá nhân hóa. Nhưng ở thời kỳ hậu COVID-19, chúng ta sẽ phải bổ sung thêm một số thành tố, phải thêm vào các kết nối bản địa và trải nghiệm bản địa”, bà Suphajee Suthumpun nêu quan điểm.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Financial Review)
Các địa phương Thái Lan lên kế hoạch cho giai đoạn COVID-19 thành bệnh đặc hữu
Các địa phương Thái Lan lên kế hoạch cho giai đoạn COVID-19 thành bệnh đặc hữu

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị cho chính quyền tại tất cả các tỉnh đưa ra kế hoạch hoạt động sau khi COVID-19 được hạ cấp xuống thành bệnh đặc hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN